Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

“Buôn lậu” tình người giữa mùa dịch

“Anh môi trường, chú bảo vệ, cô xe đạp ơi, lại đây con cho bánh về ăn nè”. “Con bán vì đam mê thôi, chứ nhà con bán vàng”, “Ông cất tiền kĩ vào, tiền con buôn lậu đó”,…

Giữa lòng Sài Gòn rộng lớn vang lên âm thanh quen thuộc như thế của cậu thanh niên rong ruổi trên từng cung đường để thực hiện chuyến hành trình thiện nguyện đến bà con cơ nhỡ, vô gia cư.

Anh là Phạm Tùng Lâm – 30 tuổi, làm thiết kế nội thất gỗ ở Thành phố Thủ Đức, anh là chủ tài khoàn TikTok nổi tiếng với cái tên “Lâm Ống Húc” cùng chuyến hành trình thiện nguyện. Cậu thanh niên gầy nhom, bụi bặm, mái tóc dài xoăn đặc trưng cùng chất giọng đáng yêu không thể lẫn vào đâu, đồng hành cùng anh là chiếc xe gắn máy cà tàng, chất đầy những rổ, thùng hàng cồng kềnh và nặng trĩu. Anh cùng “chiến mã” không biết đã kinh qua bao nhiêu cung đường để vận chuyển tình thương đến những con người cơ nhỡ giữa tâm dịch. Từng chiếc bánh ngọt, nước suối, hộp khẩu trang, cá mòi… được anh trao tận tay đến người dân cơ nhỡ. Có khi gặp đám chó mèo hoang đang run mình vì đói, anh cũng chẳng ngần ngại tặng chúng một bữa no.

Có lần, anh từng nói rằng mình không có giúp được mọi người nhiều, cũng chẳng có khái niệm đi bố thí hay từ thiện, chỉ là anh đang làm những việc nên làm. Bằng sức mọn, anh chỉ có thể cho mọi người một bữa no, và góp một ngọn lửa ấm áp, sưởi ấm họ qua những ngày tháng khó khăn nhất.

lam-ng-huc-kenh-tiktok-a-thu-hut-r-t-nhi-u-ng-i-xem-va-vo-cung-ang-xem-songkhoeplus-1633705597.png

Anh Lâm rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng để "buôn lậu" tấm chân tình giữa lòng Sài Gòn. Nguồn: tác giả cung cấp

Style làm từ thiện… không giống ai

“Của cho không bằng cách cho”, có thể những chiếc bánh, hộp khẩu trang, chai nước,… về mặt giá trị là không quá nhiều, nhưng cái cách Lâm trân trọng từng món quà và gửi đến những người cần phải khiến người khác khâm phục. Tinh tế và tôn trọng, anh không gọi họ như cái cách người đời hay dùng, anh gọi họ bằng những cái tên thân thương, như “anh môi trường” thay cho “anh lao công” chẳng hạn, vì anh không muốn họ tự ti về nghề nghiệp của mình.

Dù làm thiện nguyện, nhưng Lâm cũng có những quy tắc riêng: người lạ không được tự ý thò tay vào lấy mà chưa có sự cho phép của anh. Với anh, đó là sự tôn trọng tối thiểu. Với những đứa bé nhỏ, anh thường nhắc nhở các em cảm ơn. Trước những đám đông bát nháo, không xếp hàng gây mất trật tự, anh sẽ bỏ đi. Những hoàn cảnh thật sự khó khăn, Lâm sẽ trích quỹ và gửi họ một ít để lo cho cuộc sống. Nhưng nếu người được nhận quà bánh mở lời xin tiền, anh sẽ xem xét lại. Với anh, việc đó không phải là nghĩa vụ, mà chỉ xuất phát từ tình thương. “Cho cần câu chứ không cho cá” - đó chính là bài học về sự văn minh. Dù hoàn cảnh hay xuất thân của mình như thế nào, thì cái quan trọng nhất chính là sự tôn trọng của người cho và người nhận.

...Và những chuyện không phải ai cũng biết

Về nguồn gốc cái tên có vẻ sai chính tả này, Lâm giải thích rất hóm hỉnh: Bạn thử phát âm 2 từ “nặn mụn” cho tui xem. Có phải trong đời sống hằng ngày các bạn đều nói thành “nặn mụng” cho nhanh chóng, dễ dàng và thân thiện hơn không? Cái tên “Lâm Ống Húc” cũng bắt nguồn từ lí do đó.

Anh Lâm từng kể, ông nội anh ở quận Gò Vấp, vốn dĩ cũng không còn minh mẫn vì đã 70 tuổi. Ngày 4/7, nội đi lạc, đó cũng là những ngày Sài Gòn giãn cách xã hội. Trong quá trình rong ruổi tìm ông, Lâm bắt gặp vô số hình ảnh những người là ông nội, là cha, mẹ của người khác, họ cũng lang thang, vật vạ ở hè phố. Có những người chôn chân ở nơi đất khách quê người vì không về được. Điều này khiến anh trăn trở rất lâu. Ngày tìm được nội co ro ngủ dưới mái hiên nhà người dân, nghe nội lắp bắp kể thời gian qua có người cho cơm ăn, tiền dằn túi, ngủ nhờ,… anh quyết định trả ơn cho đời. Và hành trình thiện nguyện của anh bắt đầu từ ngày 7/9 cho đến ngày hôm nay.

Điều đặc biệt ở chuyến hành trình, đó là tinh thần giảm thiểu rác thải của Lâm. Là một người hướng ngoại, anh không chịu chôn chân một chỗ mà thường xuyên tham gia vào những công tác xã hội, trong đó có dự án bảo vệ môi trường. Anh còn có sở thích làm đồ handmade. Vì thế anh không dùng bao ni lông để đựng quà cho bà con. Thay vào đó, Lâm dùng túi giấy, tận dụng giỏ xe đạp, hoặc đưa tận tay đối với những cô bác vô gia cư.

Chuyện là vậy nhưng ít ai biết được, đằng sau cậu trai xông xáo là cả một quá khứ khiến ai cũng chạnh lòng. Ba anh cũng là một người cơ nhỡ, đạp xích lô và làm nghề tự do để sống qua ngày. Năm Lâm lên 11 tuổi, ba qua đời, và Lâm cũng lao vào đời với bao nỗi nhọc nhằn. Mười một tuổi, chỉ mới 5 giờ sáng, anh đã dậy để bắt đầu đi lượm từng chiếc ly nhựa, lon sữa để mưu sinh. Làm bạn với anh là chú xe ôm, cô bán nước, mấy cậu nhóc “đồng nghiệp”. Anh nhớ mãi đến cái tình của những con người nghèo khổ. Từ ổ bánh mì chia đôi của chú xe ôm lúc bụng đói cồn cào, hay li trà mát lành của cô bán nước, hay mấy đứa nhóc nghĩa khí khi chia cho anh ve chai lúc không lượm đủ. Anh tâm niệm, người nghèo cũng có cái tình cái nghĩa của họ. Và đó chính là động lực để anh tiếp tục thực hiện hành trình mang tình thương đến mọi người đến tận bây giờ.

Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.

Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.

Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY