Dù vậy, hãy dạo một vòng từ Á sang Âu, từ xứ sở mặt trời mọc đến vùng đất Bắc Âu thần thoại lạnh giá – nơi mà các quốc gia nơi đây luôn nằm trong top đầu bảng xếp hạng Báo Cáo Hạnh Phúc Thế Giới (World Happiness Report) của Liên Hiệp Quốc nhiều năm liền – để khám phá triết lý, bí quyết sống hạnh phúc của người dân nơi đây. Biết đâu bạn sẽ tìm thấy, một góc nhìn, định nghĩa mới về “sống hạnh phúc” phù hợp với mình.
Nhật Bản
Hạnh phúc, với người Nhật, là sống tận hiến cho “Ikigai”, tạm dịch là lẽ sống của mỗi người. Ikigai mang đến ý nghĩa, động lực và cảm giác thoả mãn, sự hân hoan, là lý do khiến bạn thức dậy mỗi sáng và cống hiến hết mình. Tuy nhiên, bí quyết sống hạnh phúc của người Nhật không chỉ giới hạn trong triết lý Ikigai được nhiều người biết đến. Người Nhật chấp nhận sự không hoàn hảo bằng thái độ tích cực với triết lý “Wabi-Sabi” – vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, hay “Kintsugi” – nghệ thuật của sự hồi phục. Người Nhật tin rằng, “sự không hoàn hảo” có vẻ đẹp và ý nghĩa riêng biệt, độc nhất. Nếu hạnh phúc của bạn không trọn vẹn như mong đợi, hoặc hành trình sống cho “Ikigai” của bạn có những lúc chông chênh, “Wabi-Sabi” hay “Kintsugi” có thể giúp bạn nhìn “sự không hoàn hảo” từ một góc độ mới, tích cực hơn.
Italia
Người Ý gắn liền với triết lý “Bella Figura” – tạm dịch là hình ảnh, ấn tượng đẹp. Người Ý chú trọng vẻ đẹp ngoại hình. Họ tìm thấy hạnh phúc tự thân khi chăm sóc, yêu chiều bản thân; và hạnh phúc khi bản thân nhận được thiện cảm, sự ngưỡng mộ. “Bella Figura” biến đất nước hình chiếc ủng thành xứ sở của những phụ nữ thanh lịch, sành điệu, những nam nhân ăn mặc có gu hàng đầu thế giới, nơi mà đường phố cũng là những sàn diễn thời trang làm bật lên phong cách, khí chất riêng của mỗi người.
Pháp
Nếu đã từng thưởng thức món ăn Pháp, bạn có thể phần nào cảm nhận được “công thức” sống hạnh phúc của người Pháp qua ẩm thực đặc sắc, cầu kỳ, duy mỹ, tinh tế. Đó là “Joie de Vivre” – “joy of living”, tạm dịch là niềm vui sống. Tinh thần cốt lõi của nghệ thuật sống “Joie de Vivre” là “ít và chậm”. Joie de Vivre len lỏi vào mọi ngóc ngách, trở thành đặc trưng và văn hoá của người Pháp. Không chỉ Hà Nội, mà ở Pháp, bạn cũng… không vội được đâu. Người Pháp đề cao sự chú tâm, tận hưởng niềm vui trong mọi việc, trong nhịp sống hàng ngày. Chẳng hạn, nếu hạnh phúc với ai đó là ăn qua loa, vội vã rồi phóng như bay đến sở làm, tranh thủ thời gian cho công việc, thì hạnh phúc với người Pháp là bình thản, thong dong thưởng thức chiếc croissant còn nóng hổi, tách café thơm nồng, nhìn ngắm phố phường lúc sáng sớm.
Thuỵ Điển
Bí quyết sống hạnh phúc của người Thuỵ Điển là Lagom, hàm ý “chỉ vừa đủ, không quá nhiều, không quá ít”. Khái niệm này được cho là có từ thời Viking, bắt nguồn từ cụm từ "laget om", trong tiếng Thụy Điển nghĩa là “around the team” - “một vòng quanh nhóm”. Vào thời ấy, khi quây quần bên lửa trại, người ta chuyền tay nhau một bát rượu mật ong lên men vòng quanh nhóm, và mỗi người chỉ ngấp một ngụm vừa đủ cho mình để tất cả đều có thể thưởng thức. Triết lý sống Lagom được cho là xuất phát từ nghi thức này.
Về bản chất, tinh thần của Lagom tương tự như triết lý “Tri túc – Biết đủ” trong nhà Phật, cửa Thiền và triết lý sống tối giản của người Nhật. Hạnh phúc theo tinh thần Lagom là chỉ tập trung vào những gì quan trọng, mang lại niềm vui, hạnh phúc, tận hưởng một cuộc sống giản đơn, thuần hậu và cảm giác cân bằng, tĩnh tại trong mọi khía cạnh của đời sống.
Thuỵ Sĩ
Quá trình biến bột cacao đắng thành những thanh chocolate ngọt ngào đẳng cấp hàng đầu thế giới và nghệ thuật chế tác những chiếc đồng hồ đỉnh cao là hiện thân cho quan điểm, nghệ thuật sống của người Thuỵ Sĩ: sự tôi luyện, tính chuẩn xác, tinh thần kỷ luật và chuẩn mực, thành tựu đỉnh cao trong công việc. Nghệ thuật sống hạnh phúc ấy được khái quát hoá thông qua hình tượng vận động viên quần vợt nổi tiếng thế giới Roger Federer – “Federerism”. Theo đó, hạnh phúc, với người Thuỵ Sĩ là ngay trong quá trình khổ luyện, là tinh thần sẵn sàng, tận tuỵ để vươn đến thành công, đạt được thành tựu trong công việc, mục đích, mục tiêu mà mình theo đuổi.
Na Uy và Đan Mạch
Triết lý sống chủ đạo của hai quốc gia Bắc Âu xếp vị trí thứ ba và thứ hai trong top các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2019 đề cao cảm giác ấm áp, thoải mái, dễ chịu cả về vật chất lẫn tinh thần, gắn liền với các dân tộc này từ hàng trăm năm qua. Người Na Uy gọi đó Koselig và với người Đan Mạch là Hygge. Tinh thần Koselig và Hygge giúp người dân ở những “xứ sở tuyết” đậm chất thần thoại với cực quang lộng lẫy, mùa đông dài huyền ảo… đi qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên bằng thái độ lạc quan, niềm vui và hạnh phúc.
Koselig và Hygge hướng đến việc tìm thấy hạnh phúc trong sự cân bằng nội tại đến từ sự ấm cúng của không gian, ấm áp của tình cảm yêu thương, từ góc nhìn đa chiều, tích cực, trân trọng những điều thường nhật, bình dị xung quanh. Sống hạnh phúc theo tinh thần Koselig và Hygge là chẳng hạn như khi chẳng thể ra ngoài do yếu tố khách quan thì cả gia đình quây quần trong không gian ấm cúng; là buông điện thoại, rời cửa sổ chat để tụ tập, tự do “bung xoã” cùng bạn bè mà không cần giữ hình tượng; là bữa nọ, bạn chủ động tạm gác công việc, trách nhiệm sang bên để tận hưởng cảm giác bình yên, thư thái khi ở một mình và làm điều bạn thích.
Phần Lan
Sisu là bí quyết sống hạnh phúc, đồng thời cũng là phẩm chất đặc trưng, là tinh thần dân tộc của đất nước chiếm lĩnh vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc liên tục hai năm liền. Người ta bắt đầu chú ý đến phẩm chất “quốc dân” Sisu của Phần Lan khi chứng kiến sự quật cường của họ trong Chiến tranh Mùa đông (1939 – 1940). Về mặt ngữ nghĩa, Sisu là sự tổng hoà của nhiều phẩm chất: quyết tâm, vững chí, kiên cường, can đảm, bền bỉ, nhẫn nại… nên không có thuật ngữ tương đương trong tiếng Việt, tiếng Anh. Nhưng tựu trung, cốt lõi của triết lý Sisu là động lực và hạnh phúc bắt nguồn từ nội tâm, từ sức mạnh nội tại bên trong mỗi người. Sống theo triết lý Sisu nên người Phần Lan chú trọng việc chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần, nuôi dưỡng tâm hồn. Và trước những nghịch cảnh, người Phần Lan cũng đương đầu theo tinh thần Sisu.
Thay vì khuất phục hoặc chế ngự, người Phần Lan chọn “vượt qua chính mình” - rèn luyện bản thân thích nghi với thời tiết, và theo đuổi lối sống hoà mình vào thiên nhiên. Thay vì phán xét, đổ lỗi cho yếu tố khách quan, họ chọn tự soi xét chính mình, điều chỉnh góc nhìn từ phía bản thân. Thay vì lấy động lực từ ngoại cảnh, họ đặt niềm tin vào chính mình. Thay vì bị động, nhụt chí, họ chọn đối diện và giải quyết thách thức, trở ngại trong mọi khía cạnh của cuộc sống bằng tâm thế sẵn sàng, tư duy chủ động và hành động.