Có một thành phố lặng yên nghỉ ngơi
Hồi nhỏ, mỗi lần nghe tiếng rao "bánh mì Sài Gòn 5000 một ổ, bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm ngon" là tôi sẽ chạy cái vèo ra sân, đón ông chú đẩy xe bánh mì. Ổ bánh thơm nức mùi bơ, mềm mại, ngọt ngào... đã nằm trong tiềm thức của bao đứa trẻ Sài Gòn.
Lớn lên, tôi được đi nhiều nơi, người ta hay hỏi tôi về "bánh mì Sài Gòn". Tôi chỉ biết gật đầu xác nhận, đó là món rất ngon, đầy đủ mùi vị gồm cái mằn mặn của thịt nguội, chút beo béo của bơ và pate, cái "cay xé" của ớt xắt, chút giòn giòn của mớ dưa chua. Mà cách ăn bánh mì thì rất nhanh và lẹ, hệt như tính cách của người Sài Gòn. Đúng vậy, thật khó mà sống chậm ở Sài Gòn!
Người Sài Gòn rổn rảng, hào sảng.
Người Sài Gòn làm gì cũng "lẹ".
Người Sài Gòn thương ai là thương "tới bến", thích ai là chơi "tất tay".
Vì thế, nhiều người lần đầu đến Sài Gòn cũng bị "choáng" với cái tốc độ "tên lửa" của thành phố này. Người ta ăn sáng 10 phút, xách theo ly cà phê đến chỗ làm, không có thời gian chuyện trò, đàm đạo.
Vậy mà cũng có một ngày, Sài Gòn chịu... nghỉ ngơi. Ngày 9/7, tức ngày đầu tiên mà thành phố bước vào giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, nhiều bạn trẻ đã đùa với nhau rằng hôm nay liệu có phải "mùng 1" Tết.
Sài Gòn đang nghỉ ngơi, tựa mình vào những tòa nhà cao chọc trời, gối đầu trên những đại lộ thênh thang. Phố đi bộ Nguyễn Huệ vắng bóng người. Đại lộ Võ Văn Kiệt lặng im, thi thoảng vài chiếc xe máy vụt qua. Đường Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi, khu vực sầm uất bậc nhất của thành phố chẳng còn tiếng nói cười rổn rảng.
Landmark 81, Bitexco vẫn rực sáng nhưng chỉ đứng... nhìn nhau dưới bầu trời đêm. Giới trẻ Sài Gòn cũng không còn nhắn tin hẹn nhau "trà dâu Đông Du", í ới "chốt" một kèo ăn ốc quận 4. Đôi trai gái cũng không còn thì thầm cùng nhau dưới ghế đá công viên.
Sài Gòn thương nhau
Bạn có tin "phép màu" là có thật không? Trong những ngày dịch bệnh hoành hành, có biết bao điều diệu kì ở Sài Gòn đã được tạo ra bởi tình thương.
Dịch bệnh, ông chú bảo vệ mất việc, không nỡ nhìn vợ mình một mình bươn chải với đồng lương lao công ít ỏi, chú gạt hết tự trọng ngồi ngoài đường để... xin tiền. Ông chú mặc áo bảo vệ, mái tóc bạc trắng, mang khẩu trang, ngồi giữa ngã tư đường đã khiến không ít người rơi nước mắt. Sau khi câu chuyện của chú xuất hiện trên mạng xã hội, có hơn 100 triệu đồng đã được quyên góp từ mạnh thường quân. Ngày nhận tiền, ông chú rưng rưng nước mắt cảm ơn khiến cô gái trẻ trao tiền cho chú cũng bùi ngùi xúc động. Sài Gòn thương nhau vậy đó!
Trước giờ G giãn cách, cụ bà vô gia cư nằm ngủ trên vỉa hè Sài Gòn. "Gối" của bà là cái nhàu nát gấp làm tư, "chiếu" là tấm ván nhặt từ đống phế liệu ve chai. Gió thốc từng cơn, bà cứ nằm thiêm thiếp. Ấy vậy mà khi bà trở mình, choàng dậy, một phần cơm tươm tất, nóng hổi được đặt bên cạnh. Bà nghẹn ngào xúc động khi trong túi có kèm phong thư chứa 200.000 đồng, một chai nước suối, một gói bánh. Không rõ là ai đã để lại, bà cũng chẳng có cơ hội cảm ơn. Sài Gòn thương nhau vậy đó!
Thằng nhỏ bán vé số chạy thoăn thoắt trên lề đường, hy vọng bán được vài tấm vé số cuối cùng. Nhiều lúc nó liều, nhảy xuống cả lòng đường mời người ta mua, bất chấp xe cộ, bởi ngày mai nó sẽ chẳng còn được bán nữa. Ông chú gần đó thấy vậy, chạy lại nạt: "Lên lề đi, xe tông mày bây giờ". Ông cũng không khá khẩm gì nhưng vẫn rút tiền trong túi, mua cho nó ba tờ. Sài Gòn thương nhau vậy đó!
Đó là cách mà thành phố này đã dang tay và ôm lấy hơn 9 triệu cư dân.
Chúng ta rồi sẽ ổn thôi
Hơn 10.000 ca nhiễm, một kỉ lục đáng buồn đã bị xô đổ, trong ngày hôm nay, tại Sài Gòn. Trong khu phố nhỏ, đội ngũ nhân viên y tế bước xuống xe, nhiều ánh mắt hiếu kì nấp sau cánh cửa, có những trái tim "hồi hộp" chờ đợi xem họ sẽ đến nhà ai. Nhiều trường học được trưng dụng làm khu xét nghiệm Covid-19, những tòa chung cư cao chọc trời được chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến. Hàng trăm con hẻm đã bị ngăn cách bởi rào phong tỏa. Một cuộc tầm soát, truy vết, dập dịch lớn chưa từng có đang diễn ra ở Sài Gòn.
Nếu là một cư dân trú ngụ trong thành phố đang "oằn mình" vì dịch bệnh này, chắc hẳn bạn đã nhận được kha khá những tin nhắn thăm hỏi trong nhiều ngày qua.
- Đang ở Sài Gòn hả? Ổn không? Giữ gìn sức khỏe nha!
- Mạnh giỏi nghen Sài Gòn!
- Sài Gòn mạnh mẽ lên. Sài Gòn sẽ chiến thắng đại dịch.
- Thấy thương Sài Gòn quá. Cố lên nha!
Cũng trong lúc này, Đồng Tháp đã gửi cho Sài Gòn hàng tấn khoai lang tím, Đà Lạt chở xe đầy ắp rau củ quả, Quảng Bình chuyển xe cá nục tươi roi rói vào trong thành phố. Sài Gòn không cô đơn, bởi Sài Gòn đang được yêu thương từ những điều bé nhỏ nhất!
Chị Thạch Thảo (ngụ quận 7, TP.HCM) chia sẻ: "Tính luôn thời gian đi học và đi làm, mình đã ở Sài Gòn được 8 năm, nhưng chưa bao giờ cảm thấy xúc động như hiện tại. Hôm qua, mình đã ra bến xe nhận thùng hàng của bà con dưới quê gửi lên. Mỗi người góp một chút, nào rau, nào cá, nào mực, nào thịt... kèm lời nhắn nhủ rằng, ăn lấy sức mà chống dịch. Mình vừa ngồi khui thùng hàng, vừa bật khóc như một đứa trẻ".
Mỗi chúng ta có thể bị choáng ngợp bởi những điều lộng lẫy nhưng sẽ bật khóc trước sự tử tế chân thành nhất. Chúng ta rồi sẽ ổn thôi, bởi Sài Gòn đang có tình yêu thương đong đầy.
Ví như một buổi tối, khi bạn đang yên giấc trong ngôi nhà của mình, có hàng trăm tình nguyện viên ngoài kia đang "vật lộn" lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm, nhập liệu... Trong số đó, có những người đã trên 50 tuổi, có bạn sinh viên vừa tròn đôi mươi, tất cả vẫn lao ra mặt trận chống dịch vì trái tim nhiệt huyết.
Hay khi bạn đang phải trong khu cách ly, có nhiều sinh viên đã phải rời khu kí túc xá để nhường chỗ cho bạn. Khi đi, nhiều cô cậu sinh vẫn để lại mảnh giấy: "Anh/chị an tâm khi ở đây nhé. Chúc mọi người sớm vượt qua được dịch bệnh".
Những ngày này, chúng ta tạm xa nhau nhưng không ngừng nhớ về nhau. Sài Gòn lặng yên nhưng dòng chảy yêu thương vẫn len lỏi trong từng ngóc ngách sâu thẳm của thành phố. Liều thuốc "an lành" nhất đối với mỗi người đó chính là sự cảm thông và sẻ chia.
Rồi Sài Gòn sẽ lại khỏe mạnh, vì Sài Gòn luôn có dạt dào thương yêu!