Sách - người thầy, người bạn [35]:

Bài học về tình thầy trò

Và trong vô vàn những quyển sách hay, tôi lại chọn cho mình quyển sách mà tôi tâm đắc và yêu thích nhất: Chiến binh cầu vồng. Quyển sách không chỉ giúp tôi thư giãn sau những giờ học căng thẳng mà quan trọng hết đó chính là những bài học nhân văn, bài học về sự giáo dục, về tình thầy trò sâu sắc.

Sách là người bạn tâm giao, gắn kết và chữa lành tâm hồn con người. Sách là nguồn động lực để mỗi chúng ta trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Và trong vô vàn những quyển sách hay, tôi lại chọn cho mình quyển sách mà tôi tâm đắc và yêu thích nhất: Chiến binh cầu vồng. Quyển sách không chỉ giúp tôi thư giãn sau những giờ học căng thẳng mà quan trọng hết đó chính là những bài học nhân văn, bài học về sự giáo dục, về tình thầy trò sâu sắc. Chiến binh cầu vồng là tác phẩm  của nhà văn Indonesia - Andrea Hirata.

mau-hong-hinh-ve-co-gai-va-cau-noi-dang-yeu-hinh-nen-may-tinh-1711582137.png
Bìa sách "Chiến binh cầu vồng"

Chiến binh cầu vồng là câu chuyện có thật của tác giả kể về 10 học sinh ở vùng đảo Belitong xinh đẹp với khát khao cháy bỏng đó là được cắp sách đến trường. Nhưng có mấy ai biết được hơn 30 năm trước tại vùng đảo ấy lại có những con người nghèo khổ hàng ngày phải chống chọi với đói nghèo, bệnh tật. Và dường như giáo dục là một nỗ lực xa vời đối với những đứa trẻ nghèo. Có lẽ vì thế mà niềm mong mỏi được đến trường lại càng cháy bỏng hơn đối với những cô cậu phải oằn mình đối diện với cái nghèo đói, dốt nát nơi đây.

Ngôi trường làng Muhamadiyah tưởng chừng sẽ sụp đổ khi có một cơn gió mạnh kéo đến chính là niềm hy vọng le lói của 10 cô cậu học sinh này. Cùng với đó là 2 người giáo viên tận tâm, nhiệt huyết: Thầy hiệu trưởng Harfan và cô giáo Mus. Belitong là vùng đảo với nhiều tài nguyên khoáng sản, và nếu ví tài nguyên của vùng đảo Belitong là một kho đầy thóc thì những đứa trẻ nơi đây giống như là những chú chuột đói khát, chật vật với cuộc sống túng quẫn, nghèo nàn. Tưởng chừng mọi thứ trong trường cũng xập xệ và nghèo túng như thế. Nhưng không, chính tình yêu, trí tuệ, tâm hồn đã thắp sáng cả ngôi trường Muhamadiyah. Đó là Lintang - một cậu bé hàng ngày phải vượt quãng đường 80km, qua đầm lầy đầy rẫy hiểm nguy vì bọn cá sấu chờ chực săn thịt người ở đó. Nhưng Lintang không vắng một buổi học nào với khao khát trở thành nhà toán học. Một Nahar mộng mơ, giàu trí tưởng tượng, say mê về nghệ thuật... Mỗi đứa trẻ, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng lại gắn bó với nhau như anh em ruột thịt trong nhà. Mỗi ngày đi học đối với những đứa trẻ là một ngày vui, dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức phía trước, nhưng vẫn kiên quyết học tập và giữ vững ngôi trường làng thiêng liêng này.

Thầy hiệu trưởng Harfan có câu nói đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, đó là: “Học thức thể hiện lòng tự trọng, giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với Đấng tạo hóa, học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng của văn minh”. Nhưng sau nhiều năm thì mọi người lại hoàn toàn đi ngược lại với định nghĩa giáo dục đúng đắn của thầy. Giờ đây, học tập không còn là để nuôi dưỡng tâm hồn, không còn là sự tìm tòi những điều mới mà học chỉ để thăng tiến, để kiếm tiền...Và rồi trường làng Muhammadiyah cũng mất. "Chúng tôi đã khuỵu xuống vì một kẻ thù vô hình mạnh nhất, độc ác nhất,vô nhân tính nhất và khó chống lại nhất. Như một khối u ác tính, nó gặm dần những học sinh, những thầy cô giáo và ngay cả hệ thống giáo dục. Kẻ thù đó chính là chủ nghĩa thực dụng".

Miếng cơm manh áo, sự đói nghèo, phân biệt đẳng cấp xã hội đã thiêu rụi đi ước mơ trở thành nhà toán học của Lintang, ước mơ trở thành nhà văn của Ikal... và còn bao đứa trẻ khác nữa. Trường làng Muhammadiyah, tuổi thơ, tình bạn... giờ chỉ còn trong kí ức. Khép lại quyển sách chính là dòng chữ in đậm: "Mọi công dân đều có quyền học hành".

b70fc776-c02d-4b7d-aa47-8678424944ca-1711582134.jpg
Tác giả: Hạ Thị Xuân Mai

Và nếu trong vô vàn những quyển sách, các bạn không biết chọn quyển nào để đọc thì hãy nghĩ ngay đến Chiến binh cầu vồng này bạn nhé! Quyển sách sẽ truyền 100% động lực học tập đến với mọi người. Đặc biệt đối với những ai đang dần mất đi động lực học tập hoặc dần mất đi niềm tin vào cuộc sống thì đây là quyển sách mà các bạn không nên bỏ qua.

 Việc đọc sách là vô cùng quan trọng với tất cả chúng ta. Vì vậy cần phải định hướng việc đọc sách ngay từ đầu. Phụ huynh, các bậc cha mẹ cần phải định hướng cho con em mình hình thành văn hóa đọc từ sớm. Nhà trường, các thầy cô cần tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động học sinh hiểu được vai trò của việc đọc sách hoặc tổ chức các tuần lễ đọc sách; nhằm nâng cao mức độ quan tâm, tìm hiểu sách của các bạn học sinh. Hơn hết, mỗi người trong chúng ta cần phải có nhận thức và rèn luyện kĩ năng đọc sách ngay từ sớm vì sau này lớn lên ta khó mà có thể hình thành thói quen đọc sách. Sách là văn minh của nhân loại và như Mahatma Gandhi đã nói: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”.

Tác giả: Hạ Thị Xuân Mai

[hathixuanmai27@gmail.com]