Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Những trang viết vượt qua số phận

Ngồi ngẫm lại quá khứ, tôi mới hiểu, khoảnh khắc số phận dù ngắn ngủi nhưng đã quyết định nên ngã rẽ cuộc đời. Sự liều lĩnh cộng với nghị lực bản thân và ý chí phấn đấu vượt lên nghịch cảnh đã giúp tôi có một hồi kết đẹp.

Năm 1986 mở tung cánh cửa thời kỳ đổi mới như 1 bản lề quan trọng làm thay đổi nhiều biến cố xã hội. Xóa bỏ cơ chế quan liệu bao cấp, Trường BTVH Thanh niên tỉnh Đồng Tháp cũng nhanh chóng bị gạch tên trên bản đồ ngành giáo dục địa phương để giảm gánh nặng bao cấp. Đây là cú sốc đối với 50 cán bộ, giáo viên của trường vì phải lo tìm việc làm trong cơn bão tinh giản biên chế hàng loạt.

Vợ chồng tôi đứng trước ngõ cụt không có một lối thoát nào. Hai vợ chồng cùng dạy văn, nhà cửa không có cùng 2 đứa con thơ, sống nơi đất khách, không bà con nhờ cậy. Nhiều đêm tôi trằn trọc với câu hỏi, ngày mai sẽ đi về đâu? Trong lúc nhiều người xin về quê, ra phổ thông dạy dễ dàng thì vợ chồng tôi chỉ biết ngồi chờ sự phân công của Sở GD tỉnh. Thế nhưng cuối cùng đã có câu trả lời từ bộ phận tổ chức: “Thầy cô tự đi tìm trường để liên hệ”.

10 năm đi dạy cuối cùng lại bơ vơ giữa chợ đời. Quyết định nghỉ việc của tôi đã làm cho nhiều người bất ngờ nhất là cha mẹ ở quê. Đến lúc tôi cầm quyết định trong tay, nhiều đồng nghiệp vẫn tin tôi chỉ nói đùa chứ làm gì có chuyện khó tin đó. Anh Tuấn – tổ trưởng tổ toán nói: “Chắc anh ta giỡn thôi, thầy cô giáo không dạy thì biết làm gì”. Thế nhưng, tôi phải đối mặt với thực tế. Lúc đó tôi chỉ tin vào đôi tay và tuổi trẻ của mình. Trong bụng vẫn tiếc công sức 14 năm theo học phổ thông và đại học mà không phải ai cũng có được tấm bằng cử nhân rất giá trị lúc đó.

Cũng may ngọn gió đổi mới đã xua tan nhiều cách nghĩ lạc hậu, cổ hủ thời bao cấp. Con người đã dễ dàng lựa chọn công ăn việc làm phù hợp với năng lực bản thân. Vốn có nghề may từ bé, tôi đi học thêm vài tháng cấp tốc rồi mở tiệm. Vợ tôi thì mở tiệm tạp hóa kinh doanh sống qua ngày. Không đi dạy nữa nhưng tủ sách gia đình và những tập giáo án còn nguyên như một sự hoài niệm về quá khứ. Sách báo vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu được của vợ chồng anh giáo nghèo. Sau mỗi lần đọc báo, tôi vẫn tự nhủ: “Như bài báo này, mình cũng viết được”. Thế nhưng, thực tế không đơn giản chút nào. Ngồi vào bàn cầm bút viết được vài chữ thì tắc tị, mặc dù trước đây tôi đã quen với những tiết tập làm văn lên đến 120 phút. Tôi bỏ bút cả tháng, ý nghĩ viết báo bị dập tắt khi nào không hay. Rồi cảm thấy mình thật vô dụng giữa cuộc đời này, thật sự vô tích sự vì đi ngược quỹ đạo cuộc đời, làm những việc trái nghề. Nghĩ lại 10 năm đội bom đi học, chỉ có khoai sắn đến trường bây giờ đổi lại con số không. Bắt đầu trở lại vạch xuất phát của cuộc đời ư? Không chỉ uổng công gia đình mà còn phí của nhà nước nữa? Sống như thế này thà đừng sống còn hơn?

Thế nhưng tôi đã đứng dậy từ từ. Trong đầu luôn ám ảnh: Hãy chôn chặt nỗi buồn, phải dũng cảm ngẩng đầu lên để sống. Một hôm vô tình đọc báo Tiền Phong, có mấy tiểu phẩm cười nhẹ nhàng làm tôi liên hệ những câu chuyện hài từng được nghe bạn bè kể lúc nhàn đàm. “A, có đề tài rồi” – tôi reo lên. Thế là tôi chạy vội vào bàn viết lại thành chữ trên mặt giấy và gửi đi qua đường bưu điện.

“Làm chơi ăn thiệt”. Không ngờ một tuần sau, bài được đăng trong mục Vui Cười. Lúc đó tôi cảm thấy mình như đang ở trong mơ, không thể tin vào sự thật. Bài báo đã trở thành đứa con tinh thần đầu tiên của một cộng tác viên mới và cũng là nguồn động lực để sau đó tôi viết tiếp những mẩu chuyện cười gửi đi các báo khác.Năng nhặt chặt bị, nhuận bút không nhiều nhưng cũng đem lại niềm vui do chính công sức lao động trí óc mình bỏ ra. Tên tuổi cũng bắt đầu dày đặc hơn trên 1 số nhật trình đặc biệt là báo địa phương. Báo chí càng mở rộng sân chơi bằng những cuộc thi tiểu phẩm, tranh vui, truyện ngắn, phóng sự... để tôi có dịp thi thố tài năng. Giải thưởng đầu tiên mà tôi có được đó là bài phóng sự Nạn đánh đập trẻ em do báo Văn Nghệ Trẻ tổ chức. Duyên giải thưởng từ đó bắt đầu bén rễ. Rồi 1 vài cuộc thi viết kịch bản đã bắt tôi xoay chuyển ngòi bút để cho ra đời những tác phẩm dài hơi. Kịch bản Những cánh chim trong bão đã giúp tôi giành giải cao nhất trong cuộc thi do Hãng phim Trẻ tổ chức. Số tiền thưởng 6 triệu năm 1991 không hề nhỏ chút nào. Một năm sau tôi cũng giành luôn giải Nhì cuộc thi viết kịch bản sân khấu do Đài truyền hình Cần Thơ tổ chức. Từ hồi bé, tôi đã mê phim; bãi chiếu bóng lại gần nhà nên các bộ phim như Cát đỏ, Những kẻ báo thù không thể bị bắt (Liên Xô) Đội nữ hồng quân, Gia đình cách mạng (Trung Quốc) Hoa diếp dại, Cô gái bán hoa (Triều Tiên) Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên (Việt Nam) đã đi vào tiềm thức với từng số phận nhân vật. Đây chính là bệ phóng để tôi viết ra những kịch bản lọt vào mắt xanh của ban giám khảo để giành thứ hạng cao trong thi thố. Từng được phân công dựng tiểu phẩm truyện cười cho học sinh trong Câu lạc bộ dân gian nên tôi có kinh nghiệm viết kịch ngắn. Đó cũng là vốn liếng quý báu để một anh thầy giáo bỏ nghề chuyển sang làm báo một cách thuận lợi như có hoa rải hồng trên thảm đỏ. Lên TP.HCM lập nghiệp năm 2000, từ một cộng tác viên tôi dễ dàng trở thành phóng viên chính thức mà không cần phải qua giai đoạn thử thách nào.

30 năm đã trôi qua, bây giờ tôi đã có bộ sưu tập giải thưởng báo chí không hề nhỏ. Ngồi ngẫm lại quá khứ, tôi mới hiểu được khoảnh khắc số phận dù ngắn ngủi nhưng đã quyết định nên ngã rẽ cuộc đời. Nếu an nhàn số phận chắc tôi vẫn là ông chủ bán tạp hóa, suốt ngày chỉ biết đo đếm lợi nhuận. Dám liều lĩnh viết bài gửi đi cho tòa soạn báo đó chính là bước ngoặt liều mạng của mình. Thế nhưng với nghị lực bản thân và ý chí phấn đấu vượt lên nghịch cảnh, sự liều mạng đó đã có hồi kết đẹp. Rõ ràng, điều kỳ diệu sẽ xảy ra nếu chúng ta biết tin tưởng vào bản thân. Tôi quý trọng và nâng niu bước ngoặt đó trong đời mình vì đã có một ngã rẽ gian truân nhưng mang lại bến đỗ hạnh phúc cho đời.