3 phương pháp phải khắc dạ ghi tâm giúp bạn ghi nhớ trong công việc

Hoàng Trường
Việc phải ghi nhớ mọi thứ trong công việc và việc học luôn là một vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Dù cho chúng ta có tài năng đến đâu cũng không thể nhớ hết tất cả. Kĩ năng ghi chép là một thứ giúp bạn có thể ghi nhớ tốt những việc cần làm.

1) PHƯƠNG PHÁP CORNELL

oip-19-1623048158.jfif

Phương pháp Cornell giúp bạn lên cấu trúc phần ghi chép một cách chặt chẽ ngay từ đầu và tiếp cận chủ đề buổi họp một cách cụ thể. Với phương pháp này, bạn cần lắng nghe một cách tích cực và chủ động trong suốt buổi họp, sau đó tóm tắt lại theo cách hiểu của mình. Nó giúp bạn dễ dàng ghi nhớ nội dung buổi họp có nhiều thông tin chi tiết hay sau đó cần chia sẻ với người khác.

Để sử dụng phương pháp này hiệu quả, bạn hãy chuẩn bị cho mình một tờ giấy A4, chia giấy thành 3 phần:

a) Kẻ một đường thẳng chia tờ giấy thành 2 phần, phần lề bên trái (chiếm khoảng ⅓) dùng để ghi chép những từ khoá, đề mục chính; phần lề bên phải (chiếm ⅔ còn lại) dùng cho nội dung chính cần ghi chép.

b) Dành ra khoảng 3-4 dòng cuối trang cho phần tóm tắt hay tổng kết. Hãy tóm tắt ý chính của buổi họp, những điều bạn muốn ghi nhớ hay nhiệm vụ bạn cần thực hiện sau đó.

2) PHƯƠNG PHÁP MỘT PHẦN TƯ (QUADRANTS)

empathy-map-example-1623048159.png

Phương pháp Quadrants giúp nội dung ghi chép được phân loại rõ ràng, nhờ đó bạn không cần mất thời gian sắp xếp các mục về hành động tiếp theo cần thực hiện hay các câu hỏi thắc mắc sau buổi họp. Phương pháp này phù hợp với những buổi họp cập nhật tình hình công việc của đội nhóm mà mục tiêu chính là theo dõi tiến trình xử lý công việc đã phân công, liên tục bám sát tiến độ công việc để không xảy ra thiếu sót.

Với phương pháp này, đơn giản hãy sử dụng 1 trang giấy và chia nó thành 4 phần như dưới đây:

a) Câu hỏi: Phần này sẽ ghi lại tất cả các câu hỏi bạn thắc mắc trong suốt buổi họp. Hãy chắc chắn rằng mọi câu hỏi đều được giải đáp khi buổi họp kết thúc.

b) Ghi chú: Bất kỳ điều gì bạn nghĩ tới trong buổi họp. Nội dung này không cần phải là một hành động cụ thể mà đơn giản chỉ là những quan điểm, sự thật ngầm hiểu mà bạn nghĩ tới.

c) Những công việc cá nhân cần làm: Deadline, dự án, công việc, cột mốc chính mà bạn đảm nhận.

d) Công việc phân công cho thành viên khác: Thông tin công việc bạn phân công cho những người khác, có thể là người bạn trực tiếp quản lý, nhà cung cấp hoặc đối tác.

.3) PHƯƠNG PHÁP SƠ ĐỒ TƯ DUY (MIND MAP)

so-tay-mind-map1-1623048158.jpg

Lợi ích lớn nhất của phương pháp sơ đồ tư duy chính là đào sâu vào chủ đề bạn đang cần sáng tạo và tìm ra những ý tưởng bằng việc chia nhỏ chủ đề thành nhiều nhánh. Phương pháp này phù hợp nhất với các buổi họp brainstorming (bão não) để tìm ý tưởng mới, giúp bạn ghi chép những chủ đề mà nếu không chia nhỏ ra, bạn sẽ vô tình bỏ qua. Nó cũng giúp ghi lại các ý tưởng mới và cho bạn thấy bức tranh toàn cảnh.

Hoàng Trường (t/h)