Sẽ có nhiều biến đổi trong hành trình. Những bước chân của chúng ta dần dà đã không còn thuộc về con đường nữa. Mỗi chúng ta chính là con đường. Con đường cưu mang ý hướng đi lên. Mỗi người trẻ là một câu chuyện, một lối đi, một phong cách sống không ai hòa vào ai, và chúng ta nên nhận ra rằng: Đời sống động khi mình sống đậm!
Sẽ có nhiều biến đổi trong hành trình. Những bước chân của chúng ta dần dà đã không còn thuộc về con đường nữa. Mỗi chúng ta chính là con đường. Con đường cưu mang ý hướng đi lên. Mỗi người trẻ là một câu chuyện, một lối đi, một phong cách sống không ai hòa vào ai, và chúng ta nên nhận ra rằng: Đời sống động khi mình sống đậm!
Khủng hoảng của tuổi trẻ là một cảm xúc rất khó diễn đạt. Nếu bạn cảm thấy như mình, cảm giác lưng chừng trong hành trình tìm kiếm bản thể, tìm cho mình một lối sống và thấy vội vã khi thời gian cứ dần trôi, thì hãy đọc tiếp nhé.
Để mình kể cho cậu nghe về tuổi 18 của mình.
Câu chuyện mà mình đi qua nó có thể không giống cậu, nhưng ở một khía cạnh nào đó, mình tin chắc rằng chúng ta có cùng suy nghĩ, đó là suy nghĩ thế hệ. 18 tuổi tốt nghiệp cấp ba, mình quyết định không học đại học luôn mà dành 01 năm gap-year. Khái niệm gap-year ở Việt Nam chưa quá phổ biến, nói đơn giản thì là một năm để trống trong cuộc đời của mình. Mình hay so sánh việc gap-year là tắt cây nến đang cháy dở trong một khoảng thời gian ngắn, đôi khi chẳng có mục đích gì ngoài biện mình cho cụm “tìm lại chính mình”. Trong một năm đó, mình đi thực tập, đi du lịch, đi trải nghiệm văn hóa và hỗ trợ cộng đồng, sống như những gì mình thích và trở thành những gì mình muốn. Mình, đã sống thật vui với một khoảng trời bình yên và tự tại, rồi trở về với một cái “tôi” nhìn cuộc đời khác hơn, ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Để rồi nhận ra khi lớn hơn một chút, mình sống với một trái tim khiêm tốn và tấm lòng bao dung hơn.
Sau khoảng thời gian 01 năm đó, mình đã rút ra được 5 bài học trước tuổi 20. Và nó cũng trả lời cho câu hỏi: Tại sao chúng mình nên-sống-đậm?
1. Sống đậm, sống khác biệt.
Mình là một Gen Z chính hiệu. Mình đã không thỏa hiệp với sự yêu cầu của bố mẹ khi bảo mình nộp đại vào một ngôi trường nào đó với số điểm trong khả năng đỗ của mình. Nhưng nếu nói là mình hoàn toàn tự tin với quyết định của mình thì thực sự không đúng. 18 tuổi, mình chưa tự tin là mình, phân vân trên hành trình định nghĩa bản thân. Và nếu mình không dành một năm để kiếm tìm sự phù hợp, thì mình cũng chẳng biết bao giờ mình có thể làm điều đó. Mình luôn bảo vệ chính kiến: "Đại học không phải Học đại". May mắn thay cho đến tận bây giờ, mình vẫn chưa từng hối hận vì hồi đó dám hành động theo suy nghĩ của mình.
2. Sống đậm, đừng sợ cô đơn!
Nếu ai hỏi mình: "Gap-year có cô đơn không?", mình trả lời là có, và thậm chí nếu câu hỏi này được đặt vào thời điểm 1 năm trước, mình có thể sẽ òa khóc trước mặt cậu. Mình đã từng có cảm giác chợt nhận thấy mình lớn lên, đôi lúc cô đơn, đôi lúc lạc lõng, đôi lúc cô quạnh như một gã nghiện rượu trong mùa đông giá lạnh. Một nỗi buồn mà chẳng thể gọi thành tên. Trong khi bạn bè sống trong cảm giác hào hứng của trường mới, chuyển giao cấp học, môi trường, thì mình cắm mặt ở văn phòng 8 tiếng/ngày. Nhưng nào đâu làm khác được, chúng ta – những con người đã biết tự xoay sở và gánh vác cuộc đời của chính mình, vì chúng ta đã ký lên tờ giấy gap year đó. Và rồi thời gian sau, chúng ta sẽ mỉm cười và nói: "Chẳng sao!".
3. Sống đậm, đậm nhất khi là chính bản thân mình.
Sau hành trình 1 năm, không dài cũng không ngắn. Mình tiến đến gần hơn với bản thân mình. Mình hiểu bản thân mình muốn gì, mình sống cho mình, vì mình và là mình. Sẽ chẳng sao nếu bạn bị gắn mác "người đi chậm" bởi bạn hiểu rằng: Bắt chước một ai đó là điều vô nghĩa. Chúng ta không thể Ctrl + C cuộc đời của nhau. Nếu như mình của tuổi 17 luôn để ý quá nhiều đến người khác, nhìn vẻ mặt đoán tâm trạng của những người không thân thiết, để xem họ có thực sự có ác cảm với mình không. Đừng bao giờ cảm thấy có lỗi vì bản thân cậu khác họ. Đôi lúc khó khăn cho ta cảm giác táo bạo và quyết đoán hơn, cậu nhé.
4. Sống đậm, vật chất không phải thước đo duy nhất.
Bạn sinh viên nào cũng sẽ từng có suy nghĩ, đặt mục tiêu cho mình phải kiếm được lương tháng mấy ngàn đô, mua được nhà riêng ở Thủ Đô và khát khao khẳng định của thế hệ vươn mình giữa lòng phố thị. Gần hơn là mong muốn có đủ tài chính để chi trả cho tất cả những khoản chi hàng tháng một cách thoải mái. Với mình, quan trọng nhất là người trẻ chúng ta ý thức được việc yêu thương, quan tâm bố mẹ, hình thành những thói quen tốt và trở thành một phiên bản độc lập hơn so với hồi ở với gia đình.
5. Sống đậm, đem lại nhiều giá trị hơn bạn tưởng!
Mình đã nộp đơn tham gia một giải thưởng đi Singapore ngắn hạn và đã may mắn chiến thắng bằng câu chuyện và kinh nghiệm của mình từng có. Mình đã đi và viết tiếp vào hành trình của mình vào những tháng ngày gap-year, như một dấu mốc đậm hơn những mốc đậm khác. Mình cũng đã có cơ hội tham gia các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội để phát triển bản thân. Đem câu chuyện nhỏ của mình đến với nhiều người hơn, mình mong muốn lan tỏa thông điệp "ĐỜI SỐNG ĐỘNG KHI MÌNH SỐNG ĐẬM!" tới gần hơn các bạn trẻ - thế hệ đang thay đổi thế giới.
Không có một công thức chung nào về cách sống cho hơn 7 tỉ cuộc đời, trong đó có một lượng lớn người trẻ chúng ta, những người đang sở hữu trong tay cả thời gian, sức khỏe, ý chí và được thời đại ủng hộ. Cậu đang băn khoăn không biết mình nên làm một chữ Z đậm, được khẳng định mình nhưng cũng đầy rủi ro, hay một chữ Z nhạt, sống đời bình yên nhưng không có sự đột phá? Chỉ cần cậu không hối hận thì dù đậm, nghiêng hay bình thường vẫn sẽ là gam màu đẹp nhất.