10 công việc 'trong mơ' và sự thật đằng sau sự hào nhoáng

Những công việc "trong mơ" thường có vẻ ngoài hào nhoáng và hấp dẫn. Tuy nhiên, để thành công, người trong cuộc phải bỏ ra rất nhiều công sức, nỗ lực và không phải ai cũng hái được "quả ngọt".
su that ve 10 cong viec dang mo uoc
(Nguồn: Fashion United)

Nghề người mẫu

Người ta thường nghĩ rằng, ngoài công việc trình diễn trên các sàn catwalk, các người mẫu luôn được đến nhiều nơi trên thế giới, hưởng thụ các kỳ nghỉ dưỡng sang trọng hay được khoác lên mình những bộ trang phục lộng lẫy của các nhà thiết kế danh tiếng.

Nhưng không, khác với vẻ ngoài hào nhoáng, người mẫu thuờng xuyên phải đối mặt với lịch trình luyện tập, trình diễn dày đặc, áp lực công việc cao cùng chế độ tập luyện, ăn uống khắt khe để giữ dáng. Mặt khác, họ còn gặp rất nhiều chấn thương với các di chứng và không phải người mẫu nào cũng nổi tiếng.

Trả trời phỏng vấn tạp chí Vogue, siêu mẫu Bella Hadid chia sẻ: "Nhiều lúc, tôi cảm thấy bị quá tải bởi công việc. Tôi từng ước mình có thêm thời gian để nghỉ ngơi".

Bên cạnh đó, nghề người mẫu cũng không kiếm được nhiều tiền như mọi người thường nghĩ. Theo Cục thống kê lao động Mỹ, các người mẫu ở New York có thu nhập trung bình chỉ 48.130 USD/năm, bằng 1/3 thu nhập trung bình của cư dân ở quận Manhattan (New York).

Nghề thử hương vị đồ ăn chuyên nghiệp

su that ve 10 cong viec dang mo uoc

Khi còn bé, không ít người có tâm hồn ăn uống đều mơ ước trở thành người chuyên nếm thử thức ăn để có thể được thưởng thức nhiều món ngon trên thế giới. Trên thực tế, đây có thể là một công việc nhàm chán khi phải thử lặp đi lặp lại một mẫu đồ ăn với các tiêu chí đánh giá có sẵn.

Khi nếm một món mới, người thử hương vị không thể chỉ chấm điểm "ngon" hay "dở". Thay vào đó, bộ phận kỹ thuật thực phẩm sẽ đưa ra 30 thuộc tính hương vị và những người thử phải chấm điểm từng hương vị của món ăn theo danh sách chi tiết để tìm ra công thức hoàn hảo của món ăn đó.

"Công việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ để có thể hoàn thành tốt những yêu cầu chấm điểm gắt gao. Đôi lúc, chúng tôi phải thử một sản phẩm (bánh quy hoặc bánh cracker...) trong nhiều tuần liền. Đổi lại, bạn được trả tiền dựa theo thang điểm đánh giá công việc, nhưng cũng không có ai trở nên giàu có khi trở thành người thử vị giác", một người thử hương vị chuyên nghiệp cho hay.

Nhà văn

su that ve 10 cong viec dang mo uoc
Trong phim phim "Sex and the City", nhà văn Carrie Bradshaw sống trong một căn hộ sang trọng ở Mahattan (Mỹ). (Nguồn: HBO)

Khá nhiều khán giả sau khi xem phim "Sex and the City" đều mơ ước có cuộc sống giống nhân vật Carrie Bradshaw, người hưởng thụ cuộc sống thượng lưu với thu nhập của một nhà văn. Tuy nhiên, sự thật lại không giống như phim ảnh.

Trong một nghiên cứu của Hiệp hội tác giả năm 2018, thu nhập trung bình của những tác giả liên quan đến công việc viết lách năm 2017 là 6.080 USD (trong khi con số này vào năm 2009 là 10.500 USD). Trong đó, thu nhập trung bình của các tác giả có tác phẩm được xuất bản liên quan đến sách là 3.100 USD, 25% tác giả có thu nhập 0 USD.

Trên thực tế, để trang trải cuộc sống, các tác giả phải làm thêm nhiều công việc hoặc họ sống dựa vào trợ cấp của gia đình, thậm chí là các khoản trợ cấp xã hội.

Game thủ chuyên nghiệp

su that ve 10 cong viec dang mo uoc
Khách tham quan thử nghiệm các trò chơi mới tại hội chợ Gamescom, hội chợ thương mại trò chơi video lớn nhất châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Mọi người thường yêu thích chơi game bởi nhiều lý do như hình ảnh đẹp, trò chơi hấp dẫn, âm thanh sống động... Tuy nhiên, cuộc sống của bạn sẽ bị căng thẳng và bó hẹp trong bốn bức tuờng nếu bạn trở thành game thủ chuyên nghiệp.

Trong ngành công nghiệp game, để thu hút người hâm mộ, các game thủ phải chơi liên tục 12-14 tiếng/ngày. Từ đó, họ bị cô lập, mất sự kết nối với người thân và ảnh hưởng sức khỏe như chấn thương cổ tay, cánh tay và cột sống do phải ngồi chơi game trong thời gian dài.

Game thủ Ryan Wright (biệt danh "True Vanguard") chia sẻ, ngành công nghiệp game là cộng đồng "xa mặt, cách lòng", chỉ 1 tuần nghỉ phép sau 3 năm làm việc liên tục, anh đã mất đi lượng người theo dõi trong 2 năm qua trên Twitch, một nền tảng phát trực tiếp.

Chủ nhà hàng

Rất nhiều người có mong muốn được làm chủ một nhà hàng do chính mình mở ra, nhưng phần lớn những ông/bà chủ đều phải "vật lộn" để duy trì hoạt động kinh doanh này.

Theo tờ Thrillist, nhiều chủ nhà hàng và quán bar chia sẻ rằng, khó khăn lớn nhất của họ phải đối mặt khi mở cửa hàng là "tồn tại hay không tồn tại". Thời gian đầu, bạn sẽ phải kinh doanh không có lãi, thậm chí là lỗ, công việc thì không sạch sẽ hào nhoáng như vẫn nghĩ, đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ các nhân viên và biết rằng không có cơ sở chắc chắn nào đảm bảo cho việc bạn sẽ thành công.

Vận động viên chuyên nghiệp

su that ve 10 cong viec dang mo uoc
Đằng sau những khoảnh khắc tỏa sáng của các vận động viên là quãng thời gian rèn luyện gian khổ, chỉ một chấn thương nhỏ cũng có thể khiến sự nghiệp của họ chấm dứt. (Nguồn: Getty Images)

Hình ảnh vận động viên chuyên nghiệp luôn được gắn liền với những tấm huy chương danh giá, mức thưởng hấp dẫn từ ban tổ chức giải đấu và nhà tài trợ, hợp đồng quảng cáo, các bữa tiệc ăn mừng chiến thắng và những chuyến đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, đi kèm với ánh hào quang, những vận động viên luôn phải đối mặt với áp lực về cả thể chất lẫn tinh thần.

Họ luôn phải nỗ lực dành phần lớn thời gian cho tập luyện cường độ cao nhằm đánh bại các vận động viên tài năng khác để giành vị trí quán quân, hay để không bị các đối thủ qua mặt. Bên cạnh đó, chỉ cần một chấn thương nhỏ cũng đủ trở thành rủi ro trong sự nghiệp của các vận động viên. Đôi khi, họ còn phải chịu sự chỉ trích của công chúng bất kể trong cuộc sống hay công việc.

Những điều này khiến các vận động viên phải trở thành “chiến binh”, dũng cảm đối mặt với chính mình, đối thủ và xã hội.

Chia sẻ với tờ Deseret News, vận động viên trượt tuyết người Mỹ Tim Jitloff cho biết, rất nhiều đồng nghiệp của anh cũng đã phải tìm đến bác sỹ tâm lý để giúp giải tỏa áp lực.

Phi hành gia

su that ve 10 cong viec dang mo uoc
(Nguồn: Reuters)

Nhắc đến khoa học vũ trụ, ngoài các nhà nghiên cứu, người ta không thể không nói đến tầm quan trọng của các phi hành gia. Để hoàn thành nhiệm vụ, họ phải đánh đổi bằng sức khỏe của bản thân như bị loãng xương do trọng lực thấp, tai hoạt động không tốt, xuất hiện triệu chứng say tàu xe…

Nghiên cứu “Song sinh NASA” được khảo sát dựa vào những thay đổi trên cơ thể của hai anh em sinh đôi 55 tuổi là Scott Kelly (phi hành gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA)) và Mark Kelly (người sống trên mặt đất) cho thấy, sau 340 ngày sống trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), động mạch cảnh và võng mạc của Scott dày hơn, hệ vi khuẩn đường ruột bị biến đổi, giảm cân, giảm khả năng nhận thức, tổn thương ADN, thay đổi cấu trúc gene so với Mark.

Làm việc trên du thuyền sang trọng

Không ít tín đồ du lịch có ước muốn được làm việc trên các du thuyền sang trọng để có cơ hội kiếm tiền và trải nghiệm du lịch nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, công việc này không phải lúc nào cũng như “trong mơ” bởi họ phải trải qua phần lớn thời gian trên du thuyền và làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm.

“Một ngày trên du thuyền đối với chúng tôi thường rất dài, ít thời gian được nghỉ ngơi và luôn trong tình trạng căng thẳng bởi áp lực công việc, yêu cầu được phục vụ của các du khách thì nhiều vô tận. Với chúng tôi, khách hàng là “thượng đế”, nhưng đôi lúc cũng có nhiều “thượng đế” có các đòi hỏi vô lý. Thêm vào đó, nhiều khi kế hoạch và lịch trình chuyến đi đã bị thay đổi bởi chủ sở hữu du thuyền hoặc do yêu cầu của khách hàng và nó trái ngược với dự định ban đầu của chúng tôi”, một nhân viên làm việc trên du thuyền chia sẻ.

Nhà thiết kế thời trang

Chắc hẳn nhiều người sau khi xem xong chương trình "Project Runway” đều mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang. Tuy nhiên, để tồn tại được trong ngành công nghiệp thời trang với lời hứa hẹn tương lai tươi sáng cũng chẳng dễ dàng.

Các nhà thiết kế chưa nổi tiếng luôn phải đấu tranh giữ vững niềm tin và ước mơ của mình trước cuộc sống khó khăn và sự cạnh tranh khốc liệt. Họ vừa phải bươn chải kiếm sống, vừa sáng tạo các sản phẩm, đôi lúc, họ cũng mắc phải nhiều chỉ trích từ công chúng cũng như người trong ngành, rất nhiều trong số họ đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì quá áp lực.

Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã

su that ve 10 cong viec dang mo uoc
Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã chụp một con sóc chuột trên núi Alps. (Nguồn: Getty Images)

Bất cứ nhiếp ảnh gia động vật hoang dã nào cũng dành thời gian để lướt xem các tác phẩm trên tạp chí National Geographic và tưởng tượng việc hòa mình vào thiên nhiên để có được những bức ảnh xuất sắc. Tuy nhiên, công việc chụp ảnh động vật hoang dã không những khiến họ mất nhiều thời gian để "săn" được những khoảnh khắc ấn tượng mà đôi khi, họ cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm như bị thú dữ tấn công, nhiễm bệnh và tai nạn trong lúc làm việc.

Ngoài ra, để có được những bức ảnh chất lượng, các nhiếp ảnh gia phải đầu tư số tiền lớn vào trang thiết bị như máy ảnh, ống kính…

Theo Afar, một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã từng đoạt giải thưởng Richard Peters đã phải đào 1 cái hang ở trong rừng suốt 10 tiếng đồng hồ trong hai ngày liên tiếp chỉ để chụp ảnh loài linh miêu vốn hiếm khi xuất hiện.

Bên cạnh đó, các nhiếp ảnh gia cũng phải tốn nhiều thời gian để chỉnh sửa những bức ảnh sao cho chúng hoàn hảo nhất, họ thường không có thời gian để nghỉ ngơi hay đi du lịch.