Từ việc đấu giá 4 lô đất vàng nhìn lại 79 ha đất được giao theo hình thức BT, Đại Quang Minh của tỷ phú Trần Bá Dương hưởng lợi bao nhiêu tỷ USD?

Nhuận Phẩm
Ngày 10/12/2021, Trung tâm Đấu giá tài sản TP.HCM (thuộc Sở Tư pháp) đã tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức thu về cho ngân sách 37.350 tỷ đồng. Đây là một động tác được giới chuyên gia đánh giá sẽ lành mạnh hóa các hoạt động liên quan đến đất công và tránh những rủi ro làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Đến đây, rất nhiều người liên tưởng đến những sự việc trước đây là rất nhiều doanh nghiệp đã được giao đất theo hình thức BT và thu lợi khủng theo hình thức này.

Một trong những doanh nghiệp nhận được nhiều ưu ái nhất chính là Đại Quang Minh của tỷ phú Trần Bá Dương.

Làm con đường đắt nhất hành tinh để nhận 79 ha đất vàng

Tháng 11-2013, đại diện UBND TP.HCM và Công ty Đại Quang Minh ký tắt hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm với tổng trị giá hơn 12.490 tỷ đồng.

Cụ thể, đó là 4 tuyến đường bao gồm: đại lộ vòng cung (dài 3,4 km, mặt cắt ngang 55 m); đường ven hồ trung tâm (dài 3km, mặt cắt ngang 29,2 m); đường ven sông Sài Gòn (dài 3km, mặt cắt ngang 28,1 m); đường vùng châu thổ (dài 2,5 km, mặt cắt ngang 11,6 m).

1639448630-duong-dai-quang-minh-1639453325.jpeg

4 tuyến đường mà Đại Quang Minh xây dựng tại Thủ Thiêm có suất đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng/km được cho là đắt nhất hành tinh.

Như vậy, chỉ có tuyến đường đại lộ vòng cung là lớn nhất, mặt cắt ngang 55 m, còn lại các đường kia nhỏ hơn, nhưng vẫn tính trung bình có chi phí khoảng 1.000 tỷ đồng/km. Điều đáng nói là các dự án đường mà Đại Quang Minh xây không phải tính chi phí giải phóng mặt bằng.

“Chi phí làm đường cao hay thấp phụ thuộc vào quy mô, mặt cắt, hệ thống công trình kỹ thuật, xử lý nền đất yếu, vật liệu... Họ muốn làm phải có bản vẽ thiết kế, phải được cơ quan chức năng thẩm định, duyệt. Nhưng về đường mặt cắt 55 m mà chi phí 1.000 tỷ đồng/km thì tôi chưa nghe thấy bao giờ”, PGS. TS. Bùi Xuân Cậy nguyên giảng viên Đại học Giao thông Vận tải cho hay.

Bình luận về suất đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng/km của Đại Quang Minh khi xây dựng 4 tuyến đường tại Khu đô thị Thủ Thiêm, TS Phạm Sanh cho rằng có điều bất thường ở đây.

“Chúng ta có thể không lường hết các yếu tố đặc biệt như xử lý đất yếu, có những công nghệ mới gì mà mình không biết nhưng với số tiền trên 1.000 tỷ đồng là quá cao. Nếu nhìn lại những đường cao tốc hiện nay trong miền Nam, cùng điều kiện địa chất giống nhau, thậm chí họ phải đào đắp, làm thêm cầu vượt, như cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng chỉ trên 200 tỷ đồng/km”, TS. Phạm Sanh nói thêm.

Với hình thức hợp đồng BT nói trên sau khi xây dựng 4 tuyến đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM đồng ý giao cho Đại Quang Minh 79 ha đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm để phát triển các dự án bất động sản.

Những sai phạm của Đại Quang Minh và TP.HCM quyết định thu hồi 1.800 tỷ đồng

Quay lại với việc 79 ha đất nói trên, Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận có nhiều sai phạm tại đây khi Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường nói trên.

Cụ thể, tại dự án BT 04 tuyến đường chính, theo TTCP, UBND Thành phố chấp thuận chủ trương chỉ định giao cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh là Nhà đầu tư Dự án BT khi chưa yêu cầu Nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất và đánh giá các tiêu chuẩn về kinh nghiệm (thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý dự án), chưa đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn, năng lực quản lý kinh doanh), không đăng trên Báo Đấu thầu 03 số liên tiếp… là chưa thực hiện đúng quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

1639448560-sala-dai-quang-minh-1639453325.jpeg

Khu đô thị Sala của Đại Quang Minh được xây dựng trên các lô đất mà UBND TP.HCM cấp sau khi thực hiện hợp đồng BT xây dựng 4 tuyến đường có nhiều sai phạm theo kết luận của TTCP.

UBND Thành phố đã phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là 12.182 tỷ đồng cho dự án 04 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định; qua thanh tra phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị 1.519 tỷ đồng.

Theo TTCP, Đại Quang Minh đang hạch toán chi phí, trong đó có 2.542 tỷ đồng không đủ điều kiện để quyết toán trong chi phí cho Dự án.

Theo kết luận của TTCP, TP.HCM đã sử dụng quỹ đất sạch trong KĐTM Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho dự án 04 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2 mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu là không đúng quy định của Luật Đất đai và Luật đấu thầu.

Trong đó, việc tính tiền sử dụng đất đối ứng để thanh toán cho các dự án BT nêu trên bằng chi phí đầu tư bình quân 26 triệu đồng/m2 là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định, cần phải xem xét, xác định lại để truy thu, tránh thiệt hại cho nhà nước.

Trong kết luận thanh tra về dự án khu đô thị Thủ Thiêm, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP thu hồi khoản tiền 1.800 tỷ đồng trên và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay.

Nếu đem 79 ha đất của Đại Quang Minh ra đấu giá công khai TP.HCM thu về được bao nhiêu tỷ USD?

Trong phiên đấu giá hôm 10/12/2021, có bốn lô đất được xác định mức giá như sau:

Lô số 3-8 được Công ty Sheen Mega đấu giá thành công với mức giá 4.000 tỷ cho 8.500m2, tương đương 470 triệu đồng/m2. Đây là mức giá thấp nhất được công bố trong 4 lô trong phiên đấu giá.

1639449204-khu-3-thu-thiem-dau-gia-1639453325.jpeg

Khu chức năng số 3 nằm đối diện với quận 1 bên kia sông Sài Gòn (giữa cầu Thủ Thiêm 1 và 2) thu về cho TP.HCM nguồn ngân sách lên đến 37.350 tỷ đồng. Ảnh: BQL Thủ Thiêm.

Lô số 3-5 được Công ty cổ phần Dream Republic đấu giá thành công với mức 3.820 tỷ đồng với diện tích 6.446 m2 tương đương mức giá 592 triệu/m2.

Lô số 3-9 được đấu giá bởi Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh trúng đấu giá với 5.026 tỷ đồng cho 5.009 m2. Tính bình quân mỗi m2 đất có giá là hơn 1 tỷ đồng.

Cuối cùng, lô số 3-12 được đấu giá bởi Công ty Ngôi Sao Việt trúng đấu giá với mức 24.500 tỷ đồng cho 10.060 m2. Bình quân mỗi m2 cho lô đất này có giá trị lên đến 2,4 tỷ đồng.

Như vậy, nếu làm một phép tính đơn giản lấy 79 ha đất của Đại Quang Minh ra đấu giá công khai và áp mức giá thấp nhất là 470 triệu đồng/m2 thì ngân sách thành phố thu về tương đương 371.300.000 tỷ đồng tương đương 16,8 tỷ USD.

Còn nếu lấy mức giá của lô số 3-12 áp vào 79 ha của Đại Quang Minh thì ngân sách thành phố thu về tương đương 79 tỷ USD.

1639448874-tran-ba-duong-dqminh-1639453325.jpeg

Đại Quang Minh của tỷ phú Trần Bá Dương hưởng lợi hàng chục tỷ USD nhờ nhận đất theo hình thức BT từ UBND TP.HCM.

Trong khi đó, 79 ha giao cho Đại Quang Minh được xác định giá trị 12.000 tỷ đồng, nhưng diện tích đất lớn hơn 93 lần so với lô đất số 3-8 được đấu giá hôm 10/12.

Giá đất giao cho Đại Quang Minh chỉ có giá 15triệu/m2, trong khi phiên đấu giá hôm 10/12 mức thấp nhất đạt 470triệu/m2, cao gấp 31 lần.

Theo tính toán của giới chuyên gia, một căn hộ có diện tích 80 m2 ở Sala có giá lên đến 10 tỷ đồng, giá một biệt thự tại đây có giá từ 100 tỷ đồng trở lên tùy theo vị trí.

Đến đây chúng ta có thể thấy Đại Quang Minh đã hưởng lợi lớn đến mức nào và ngân sách TP.HCM cũng thất thu lớn đến chừng nào.

Điều đáng nói ở đây mặc dù chưa bàn giao xong hết những hạng mục cầu, đường trong hợp đồng BT nói trên nhưng Đại Quang Minh của tỷ phú Trần Bá Dương đã tiến hành xây dựng khu đô thị Sala và đi vào khai thác, vận hành với nguồn thu khủng như đã đề cập trên đây.

bai-viet-ve-dai-quang-minh-1639613477.png