Trương Phú Thiện với “Tình yêu kì diệu - Giải mã bí mật ba nguồn vốn”

Nguyễn Văn Hoà
Trương Phú Thiện luôn nhấn mạnh sự nhận thức về mục đích sống, xác định mục tiêu tối thượng của cuộc đời, đề cao sự học hỏi, lắng nghe, lòng biết ơn, lòng trắc ẩn, tình yêu thiên nhiên, tình yêu bản thân con người và đồng loại. Muốn vậy, bản thân mỗi cá nhân phải ý thức được cho riêng mình lối sống, cách sinh hoạt phù hợp nhất nhằm tránh bớt tiêu hao những năng lượng vô ích, những suy nghĩ linh tinh vô bổ. Tập trung sống và làm những việc hữu ích cho đời.

Trương Phú Thiện được nhiều người biết đến qua 2 cuốn sách: Cà phê Việt thế kỉ XXI Tình yêu cà phê Việt. Có thể nói anh là người trẻ, năng động, giàu tâm huyết và dành khá nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu tìm hiểu về cà phê Việt. Đó không chỉ là niềm đam mê, sự yêu thích mà còn là sự ý thức rất đáng được trân trọng trong đời sống hiện đại.

Sau những ấn tượng ở 2 cuốn sách viết về cà phê, năm 2019, Trương Phú Thiện tiếp tục trình làng cuốn sách thứ 3 là Tình yêu kì diệu – Giải mã bí mật ba nguồn vốn…! Đây được coi như cuốn cẩm nang ghi chép những điều anh đã nhận thấy, chiêm nghiệm; những điều mà có thể các bạn trẻ cũng đã và đang từng trải qua. Tuy nhiên, để nghiền ngẫm, đúc rút, bày tỏ, đưa ra những chính kiến, suy nghĩ của bản thân mình về những gì liên quan đến công việc, sức khỏe, tiền bạc, tài nguyên, cuộc sống thì không phải ai cũng làm được như anh. Tình yêu kì diệu – Giải mã bí mật ba nguồn vốn…! là những thông điệp quý mà anh đã gửi gắm vào tất cả trong đó.

bia-tap-sach-tinh-yeu-ky-dieu-1624955047.jpg
Bìa tập sách "Tình yêu kì diệu - Giải mã bí mật ba nguồn vốn!" của Trương Phú Thiện (NXB Văn hóa - Văn nghệ). Ảnh: Nguyễn Văn Hòa


Cuốn sách Tình yêu kì diệu – Giải mã bí mật ba nguồn vốn…! ngoài Lời nói đầu, Phụ lục, Lời cảm ơn thì có 2 phần chính:

+Phần I: BÍ QUYẾT SỐNG TRONG NIỀM VUI SƯỚNG.

Với 12 nội dung rất đặc biệt, tích cực và sâu sắc. Cho thấy tác giả có một sự quan sát rất tinh tế, có chiều sâu. Sự đúc kết, lý giải dựa trên những nguyên lý khoa học, thực tiễn và cả những kinh nghiệm đã trải qua từ chính bản thân mình. Tất cả những nội dung mà Trương Phú Thiện muốn chuyển tải cho thấy anh là một con người luôn đặt sự sống tốt đẹp lên trên tất cả. Muốn vậy, mỗi cá nhân phải cảm và thấu được những điều không nên, thoát khỏi những cám dỗ trước cuộc sống và ma lực của đồng tiền. Tất cả chúng ta phải biết quý trọng ba nguồn vốn quý: Sức khỏe, Trí huệ, Thời gian. Trương Phú Thiện đã phân tích khá chi tiết để người đọc thấy rằng nếu không chú trọng và “hành xử” đúng đắn với ba nguồn vốn quý đó thì cuộc sống trở nên tẻ nhạt và vô nghĩa. Tác giả còn đưa ra triết lý 5 chữ B: Biết ăn uống, Biết thở, Biết học, Biết làm, Biết vui chơi. Tôi cho rằng đây là những điều tưởng chừng như dễ thực hiện nhưng không phải ai cũng có thể làm đúng, làm được. Nhưng qua đây để cho chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ thức ngộ để sống, học tập, làm việc, cống hiến một cách hữu ích hơn, tích cực hơn.

Trương Phú Thiện luôn nhấn mạnh sự nhận thức về mục đích sống, xác định mục tiêu tối thượng của cuộc đời, đề cao sự học hỏi, lắng nghe, lòng biết ơn, lòng trắc ẩn, tình yêu thiên nhiên, tình yêu bản thân con người và đồng loại. Muốn vậy, bản thân mỗi cá nhân phải ý thức được cho riêng mình lối sống, cách sinh hoạt phù hợp nhất nhằm tránh bớt tiêu hao những năng lượng vô ích, những suy nghĩ linh tinh vô bổ. Tập trung sống và làm những việc hữu ích cho đời. Điều đặc biệt để trưởng thành và sống đúng với bản thân, mỗi chúng ta cần phải có lòng can đảm để vượt qua những thử thách của cuộc đời. Hiểu được sâu sắc ý nghĩa của sự sống và cái chết, hiểu được luật nhân quả và ý nghĩa tối thượng của giáo dục… Khi đã giác ngộ được những điều ấy là chúng ta đang sống rất hạnh phúc và cảm thấy cuộc đời này đáng sống, mọi người quanh mình cũng rất đáng yêu và mọi tham, sân, si sẽ nhường chỗ cho tình yêu thương bất diệt.

Tôi đánh giá cao sự thức nhận về những vốn sống, vốn kinh nghiệm và cả bao tâm huyết mà Trương Phú Thiện muốn gửi gắm, sẻ chia cho tất cả mọi chúng ta. Với mong muốn cuộc sống ngày càng trong lành hơn, hạnh phúc hơn, nhẹ nhàng hơn, bớt đi những áp lực về cơm áo gạo tiền, bớt đi những bệnh tật, những đua chen… hướng đến Chân – Thiện – Mỹ một cách đúng đắn nhất.

+Phần II: THI CA -TẢN VĂN

Gồm 14 bài thơ và 12 bài tản văn: Đây chính là những tình cảm thành thật nhất được viết ra, nói ra từ chính con tim của một đứa con xa quê như Trương Phú Thiện. Đó là những suy nghĩ của bản thân, những tình cảm với cha mẹ, người thân, với thầy cô, với quê hương, bè bạn… Ở đó, dù chưa phải là những bài thơ hay, những câu văn chưa hẳn “ướt át” nhưng chứa đựng trong đó cả những tình cảm dào dạt, một trời ký ức, là những nỗi niềm thương nhớ đầy vơi bởi sự chân chất, mộc mạc và sự sâu lắng nên dễ đi vào lòng các bạn trẻ.

Bằng những trải nghiệm của chính mình, sự quan sát, nghiền ngẫm Trương Phú Thiện đã nhận ra: “Mục tiêu của nhân loại là thịnh vượng, vui vẻ, hạnh phúc và an lạc. Thế giới ngày nay đã phát triển đến một mức mà mọi người phải giật mình và thức tỉnh. Tại sao? Có phải chăng vì ta quá văn minh, tiến bộ nên đã đi quá xa con người của mình, tìm kiếm những thứ bên ngoài, tương lai mà vô hình trung đánh mất HIỆN TẠI. Chúng ta không có thời gian vun đắp cái bên trong nên mặc dù văn minh, tiến bộ đến mấy thì vẫn đau khổ và bất hạnh; bởi thế giới bên ngoài vô tận và ta càng tìm thấy càng xa. Vì thế, ta sẽ thấy hụt hẫng và đau khổ bởi sự vô tận của vũ trụ, của thế giới; còn ta thì có hạn, thời gian 1 ngày chỉ có 24 tiếng, 1 năm có 365 ngày và đời người chỉ ngót trăm năm.

Càng ra xa chính mình chúng ta càng sử dụng nguồn tài nguyên lãng phí một cách không thương tiếc: Rừng vàng, biển bạc, đất, nước, không khí, muôn loài… vô tình bị ta vội vàng sử dụng mà không vun trồng, nuôi dưỡng dẫn đến cạn kiệt và bị hủy hoại. Chúng ta cần VIẾT LẠI TƯƠNG LAI để phát triển bền vững ba mục tiêu cốt lõi một cách phù hợp với bản thân, hoàn cảnh của mình. Riêng về vật chất thì mình cần nhận thức sự bền vững qua vấn đề: Nuôi dưỡng môi trường theo triết lý “Xanh – Sạch – Đẹp”, chia sẻ giá trị kinh tế, phát triển ổn định Văn hóa – Xã hội. Nhằm nâng cao giá trị cuộc sống qua ba yếu tố: Vật chất – tinh thần – tâm hồn” (Viết lại tương lai).

Đọc những trang văn anh viết về mẹ, nói về mẹ làm người đọc rưng rưng. Cũng chính nhờ tình yêu thương, sự tảo tần, hy sinh thầm lặng của mẹ mà những người con như anh mới nên người. Trương Phú Thiện lấy mẹ làm điểm tựa tinh thần để sống, để học tập, để làm việc và để yêu thương…

Đọc bài Cái bếp quê thời bao cấp, làm trỗi dậy những hình ảnh thân thương, gần gũi gắn bó của thuở thiếu thời. Đứa con xa quê như anh, đang sống nơi phố thị phồn hoa giờ nhắc lại cái bếp củi quê nhà thì hàng loạt những kỉ niệm lại ùa về. Nơi đó, dù khổ nghèo nhưng cả gia đình quây quần ấm áp. Bếp lửa chính là nhân chứng và cũng là vật hiện hữu trong tâm não, trong huyết mạch của anh. Con người nặng tình như Trương Phú Thiện coi đó là ký ức đẹp và mãi không bao giờ quên. “Bếp củi huyền thoại vào buổi chiều quê cùng với ánh lửa chập chờn xen lẫn những làn khói lam chiều làm tôi thấy thích thú, tôi yêu cái bếp huyền thoại vô cùng. Tôi thầm nghĩ nếu ba mẹ tôi bảo bọc như con cưng không cho làm gì thì ngày nay lấy đâu tôi viết nên những dòng chữ này, đồng thời cũng đâu thấm thía được cái hạnh phúc của ngày mưa rét, giá lạnh mà cái bếp lửa mang lại. Tôi cảm ơn Thượng đế, ba mẹ và các anh em của tôi, vì nếu mình không sinh ra trong gia đình bảy anh em trong thời tem phiếu thì chưa chắc tôi phải nấu cơm, thổi lửa… Và có lẽ tôi sẽ khó cảm nhận sâu sắc giá trị của những kỷ niệm thời thơ ấu”.

Đọc hết cuốn sách Tình yêu kì diệu – Giải mã bí mật ba nguồn vốn…!, người đọc nhận thấy một Trương Phú Thiện vừa có tài vừa có tâm. Một con người có ý thức, có trách nhiệm. Anh không chỉ tự giác cho bản thân mà còn có những suy nghĩ chín chắn liên quan đến nhiều người, rộng hơn là cả xã hội mà không chỉ là hiện tại anh còn nghĩ về tương lai. Sự quan tâm và thể hiện những trải nghiệm của hồn mình lòng mình một cách thành thật nhất. Giữa cuộc sống xô bồ, tấp nập, bon chen, người ta chú trọng đến công việc và tiền bạc mà có thể lãng quên đi nhiều thứ. Để rồi đến một lúc nào đó nghĩ lại, nghĩ được, nghĩ đúng về giá trị đích thực của cuộc đời thì đã quá muộn. Lúc đó dù có lắm tiền, nhiều của, nhà cao cửa rộng, xe sang… thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vì cuộc đời con người là hữu hạn nên ta phải biết quý trọng khoảng thời gian mà mình hiện hữu trên cõi đời này. Để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta cũng có thể mãn nguyện vì dù gì trong khoảng thời gian ngắn đó ta đã sống, đã yêu và đã làm việc có ích cho đời. Bởi con người ta, khi sinh ra là đã mang sứ mệnh và nhiều trọng trách. Nhưng làm thế nào để sống dung hòa giữa lợi ích và các mối quan hệ xung quanh mình mới là điều đáng lưu tâm.

Là người con sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em ở vùng quê nghèo Phú Yên nên những nhọc nhằn, khốn khó của những năm tháng tuổi thơ và cả thời đi học xa nhà luôn canh cánh bên lòng. Chính trong hoàn cảnh khổ nghèo đó anh mới thấy giá trị và sức mạnh ghê gớm của đồng tiền.

Những năm đầu học ở Sài Gòn cũng là những năm tháng tưởng chừng anh không vượt qua nổi. Nhưng bằng nghị lực, niềm tin Trương Phú Thiện đã dần khắc phục và anh đã đi qua chặng đường gian nan, vất vả ấy.
Với anh, tiền tuy rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. “Tuổi trẻ thường rất tham vọng về tiền, nhưng ít người dành thời gian suy ngẫm về tiền, kiếm tiền để làm gì, mình cần bao nhiêu, trong quá trình kiếm tiền mình sẽ chi tiêu và sử dụng như thế nào, rồi sau khi ta chết, tiền và tài sản sẽ phân chia như thế nào?… Tiền tuy rất quan trọng nhưng ta cũng cần ngồi suy ngẫm về nó, nếu không ta sẽ biến bản thân thành nô lệ của đồng tiền và sẵn sàng bỏ hết tâm trí tinh thần vào tiền”.

Suy cho cùng cuộc đời con người chúng ta, cái quý nhất là sức khỏe, tri thức và tình thương. Mọi danh vọng, bạc tiền cũng chẳng thể tồn tại mãi. Từ những điều Trương Phú Thiện học được ở sách vở, trường lớp, ở cuộc đời, ở cha mẹ, ở bạn bè và cả những thăng trầm của cuộc đời anh đã đi qua. Ở đó là những kinh nghiệm, bài học đắt giá, rất có ý nghĩa với cuộc đời. Trương Phú Thiện đã đưa ra 10 suy niệm và đúc kết có ý nghĩa thực tiễn và giàu giá trị nhân văn:

1/ Không có tình yêu thương thì mọi thứ trở nên vô nghĩa!

2/ Sách là bạn, là thầy, là kho tàng kiến thức.

3/ Thành công nhỏ ắt sẽ có thành công lớn!

4/ Tiền bạc, danh vọng như áng mây, có ích gì khi ta đã mất.

5/ Cuộc sống là món quà kỳ diệu chỉ khi trái tim ta tràn đầy tình yêu thương và lòng trắc ẩn.

6/ Càng cho đi thì tâm hồn càng được thanh tẩy và thanh tịnh.

7/ Càng học cái tôi càng nhỏ lại nghĩa là bạn đang sống.

8/ Tâm hồn tĩnh lặng là bạn đang bước vào cánh cửa của tự do.

9/ Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi luôn lắng nghe, ngắm nhìn những tia nắng của ánh bình minh, tôi nở nụ cười cảm ơn, đón chào ngày mơi. Đây là những giây phút bình an

10/ Cuộc sống hiện thời của bạn chính là kết quả của những hành động bạn đã và đang làm, nó biểu lộ giấc mơ của chính bạn.

Tập sách là cả chân lý nhân văn và đầy tinh thần trách nhiệm. Trong xã hội hiện đại thì sự thức nhận của một người trẻ như Trương Phú Thiện thì thật đáng quý và đáng trân trọng biết bao. Tôi tin tập sách Tình yêu kì diệu – Giải mã bí mật ba nguồn vốn…! sẽ là món quà quý cho các bạn trẻ và cho cả những ai quan tâm đúng nghĩa đến con người – sự sống và cuộc đời.