Tri ân Nhà giáo

Trồng dưa hữu cơ, rộng đường xuất khẩu

Với quy trình sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Sông Giá đã được nhiều đối tác ngỏ ý hợp tác xuất khẩu.

Khu vực trồng dưa lưới hữu cơ được đầu tư bài bản, hiện đại. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực trồng dưa lưới hữu cơ được đầu tư bài bản, hiện đại. Ảnh: Đinh Mười.

Với đam mê làm nông nghiệp sạch, mong muốn đóng góp sức mình cho xây dựng nông thôn mới tại địa phương, chị Đỗ Thị Thúy Hà (sinh năm 1976) trú tại xã Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã quyết định thành lập hợp tác xã và đầu tư vốn, công sức cho sản xuất các sản phẩm dưa theo hướng hữu cơ với phương châm “Sạch từ đất, chất từ tâm, đẹp tử tế”.

Nghĩ là làm, năm 2021, chị Hà bắt tay vào triển khai đầu tư các hạng mục chính để trồng dưa hữu cơ gồm nhà lưới, nhà màng, khu hậu cần, khu chế biến trên tổng diện tích gần 7.000m² để trồng hơn 8.000 gốc dưa, giống dưa được nhập khẩu từ Ấn Độ và Thái Lan như dưa kim hoàng hậu, dưa bạch ngọc…

Chị Hà chọn những giống dưa này vì được tư vấn có thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn, chỉ khoảng 70 - 75 ngày, một năm trồng được 3 - 4 vụ được và có thể đầu tư gối vụ dâu tây để quay vòng.

Để có phân bón hữu cơ chất lượng cho dưa, chị Hà đã tìm hiểu và chọn phát triển nuôi trùn quế. Đây là loài sinh vật có thể tạo ra một loại dịch để làm phân bón hữu cơ rất tốt, kích thích sự mọc rễ và tăng cường dinh dưỡng cho cây trồng. Đây đang là xu thế được ứng dụng nhiều tại các mô hình sản xuất hữu cơ.

Chị Hà giới thiệu về quy trình canh tác hữu cơ cho nông dân đến học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Hà giới thiệu về quy trình canh tác hữu cơ cho nông dân đến học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: Đinh Mười.

“Sau khi thành lập hợp tác xã để sản xuất nông nghiêp hữu cơ, điều điều tiên chúng tôi nghĩ đến là phải xây dựng một khu nuôi trùn quế tập trung. Mục đích chủ yếu là tập trung vào việc thu hoạch phân trùn để sản xuất các sản phẩm phục vụ hoạt động sản xuất của hợp tác xã và sau này là cung ứng cho thị trường”, chị Đỗ Thị Thúy Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Đầu tư - Phát triểnSông Giá chia sẻ.

Sau một thời gian triển khai, khu trang trại nuôi trùn quế của Hợp tác xã Sông Giá đã đươc mở rộng lên đến 2.000m2, trong đó trại nuôi trùn có diện tích gần 350m2, còn lại là khu vực sản xuất các chế phẩm từ phân trùn. Hiện nay, các trại nuôi trùn quế đã sản xuất được 4 sản phẩm chính liên quan đến phân trùn quế.

Theo Chị Hà, nguồn thức ăn chính cho trùn quế là các chất hữu cơ như bèo tây được thu hoạch từ sông Giá; rau, củ, quả hỏng; chất thải của gia súc… Việc tận dụng được những nguồn thức ăn đó góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.

Trung bình sau 15 ngày nuôi, 1 ô nuôi sẽ cho thu hoạch 2 tạ phân trùn. Một tháng, trang trại nuôi trùn của Hợp tác xã Sông Giá có thể thu hoạch được 7 - 8 tấn phân trùn. Sau khi trộn với các loại giá thể như đất, bột hàu, xơ dừa, trấu... sẽ sản xuất ra khoảng 10 tấn phân hữu cơ, 500 lít dịch trùn, 200kg phân trùn quế cao cấp... Đây đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường, tốt cho cây trồng.

Khu trang trại nuôi trùn quế của Hợp tác xã Sông Giá. Ảnh: Đinh Mười.

Khu trang trại nuôi trùn quế của Hợp tác xã Sông Giá. Ảnh: Đinh Mười.

“Khu vực trồng hoa, cây cảnh và 3.500m2 khu vực nhà lưới của chúng tôi trong 2 năm qua đều sử dụng 100% các sản phẩm do chính Hợp tác xã tự sản xuất như như đất, phân bón từ trùn quế, chế phẩm trừ sâu bệnh sinh học... Kết quả cho thấy cây phát triển rất tốt, chất lượng quả ngon, sạch.

Sản phẩm dưa vàng chủ lực của chúng tôi đã được Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vùng I kiểm định theo định kỳ, tất cả các chỉ số liên quan (41 chỉ số) đều đạt chất lượng tốt, có đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu” - chị Hà cho biết thêm.

Cũng theo chị Hà, thời gian qua, đã có một số đối tác nước ngoài đến tham quan mô hình sản xuất và ngỏ lời liên kết để xuất khẩu ra một số thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất chưa đủ lớn, quỹ đất còn hạn chế, sản lượng chưa nhiều nên việc hợp tác chưa diễn ra.

"Hiện tại, với 1ha canh tác, mỗi năm chúng tôi thu về khoảng 1 tỷ đồng nhưng nếu đưa quả dưa xuất khẩu thì giá trị có thể tăng từ 2 đến 3 lần. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu, Hợp tác xã cần phải tăng diện tích canh tác, tăng sản lượng để có lượng sản phẩm lớn và ổn định.

Dưa lưới được trồng theo quy trình khép kín, an toàn. Ảnh: Đinh Mười.

Dưa lưới được trồng theo quy trình khép kín, an toàn. Ảnh: Đinh Mười.

Các tiêu chí xuất khẩu đã đạt nhưng Hợp tác xã đang khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, thời gian tới, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về cơ chế để mở rộng khu vực sản xuất nhằm sớm đưa sản phẩm dưa ra nước ngoài”, chị Hà bày tỏ.

Ông Nguyễn Tiến Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Kênh Giang cho biết, Hợp tác xã Sông Giá hoạt động rất tốt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chủ đạo là sản phẩm dưa, đem lại giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình của HTX Sông Giá sản xuất theo quy trình hữu cơ tuần hoàn, hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích cao hơn hẳn so với các mô hình sản xuất truyền thống. Đây là động lực để người dân địa phương tiếp tục bám với sản xuất nông nghiệp, yên tâm khởi nghiệp vì hoàn toàn có thể làm giàu trên những cánh đồng của quê hương.

“Đây là đơn vị điển hình trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Để mở rộng sản xuất, Hợp tác xã có thể làm các chương trình, dự án theo quy định rồi xin thuê đất, xin mở rộng dự án hoặc có thể liên doanh liên kết với các hộ dân đang canh tác để kết hợp sản xuất hoặc thuê lại đất của họ. Mô hình này hoàn toàn có thể mở rộng sản xuất tại địa phương, chúng tôi luôn ủng hộ”, ông Sinh cho hay.