Phan Thế Anh, một kênh travel blogger “hot” của chàng nghiên cứu sinh 8x tại xứ Đài thời gian gần đây bởi những chia sẻ trải nghiệm độc đáo, bắt kịp mọi trending du lịch hấp dẫn trong hàng loạt video, hình ảnh check-in, review resort, khách sạn, homestay đẹp – sang – chảnh trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Instagram, TikTok, Facebook không thể bỏ qua.
Hoàng Trường: Là một giảng viên về marketing phải chăng là sở trường để anh tiếp cận với travel blogger?
Travel blogger Phan Thế Anh: Chuyên ngành Marketing mang đến nguồn cảm hứng và những kiến thức nền tảng, công cụ cần thiết trong việc quảng bá du lịch thông qua các sản phẩm trên mạng xã hội.
Từ nhỏ, mình ham học hỏi và thích trải nghiệm, không chịu ngồi yên một chỗ. Người ta thường hỏi mình rằng, “vì sao không chọn việc kinh doanh mà lại chọn làm travel blogger?”. Mình đã cười rồi nói: “travel blogger cũng là một ngành “kinh doanh”. Khi đồng vốn bỏ ra là công sức, đam mê, thì thứ nhận được là kiến thức về những nền văn hóa từ khắp mọi nơi trên thế giới, là những nền ẩm thực phong phú, đa dạng đặc trưng cho từng vùng miền. Đây quả là một sự giao dịch quá lời rồi ấy chứ.
Không những thế, đến với nước bạn, mình còn kết thân với vô số những người bạn từ khắp mọi nơi. Họ chính là nguồn cảm hứng chính để bản thân hướng đến những sự trải nghiệm và đem những sự trải nghiệm ấy đến với mọi người.
Hoàng Trường: Để bắt đầu là travel blogger, anh đã tiếp cận người xem như thế nào?
Travel blogger Phan Thế Anh: Khi bắt đầu vào năm 2016, mình nhận thấy được chủ yếu các travel blogger tại Việt Nam chỉ đến hướng đến các địa điểm du lịch trong nước. Từ đó, mình nung nấu ý nghĩ mình phải cần làm khác đi mới thu hút được người xem. Nghĩ là làm, mình bắt đầu cho ra những video đầu tay giới thiệu về những khách sạn 5 sao trên thế giới, về những địa điểm chụp hình “check in” cao cấp ở các quốc gia khác trên thế giới. Khi đã bước đầu thành công với những video đầu tay, mình bắt đầu làm quen và kết bạn với các travel blogger từ khắp mọi nơi trên thế giới, để học được cách các bạn tiếp cận người xem như thế nào và giới thiệu sản phẩm của chính mình để nhận được sự góp ý từ các bạn.
Hoàng Trường: Anh có thể nào chia sẻ một số “tip” để những bạn trẻ đang bắt đầu làm travel blogger có thêm kinh nghiệm?
Travel blogger Phan Thế Anh: Thật ra việc xây dựng clip cũng không quá khó, quan trọng các bạn cần dành cho nó thời gian và sự đam mê học hỏi. Khi bắt đầu với việc ra những video đầu tay, mình đã học hỏi rất nhiều Youtubers, từ những cách xây dựng, cho đến những cách canh góc máy.
Những ngày đầu làm video, mình có thêm người bạn chuyên làm travel blogger tại Hàn Quốc hỗ trợ, hướng dẫn. Mỗi lần đó mình đều rất chăm chú lắng nghe sự chỉ dẫn từ người bạn của mình; từ đó mà những sản phẩm đưa đến tay người xem dần được hoàn hảo hơn.
Bên cạnh đó, nội dung vẫn là yếu tố không kém phần quan trọng để mang đến chất lượng và dấu ấn cho video clip. Hãy thử nhìn bằng góc nhìn mới lạ, chưa có ai tiếp cận và bạn sẽ có được nhiều ý tưởng bất ngờ!
Hoàng Trường: Hiện có rất nhiều travel blogger trong nước và ngoài nước, anh có bao giờ sợ những sản phẩm của mình khi đến tay người xem có bị nhàm chán không?
Travel blogger Phan Thế Anh: Cá nhân mình là người luôn thích những điều mới mẻ nên những sản phẩm ra mắt chưa hề có sự trùng lặp về ý tưởng. Để thu hút được nhiều lượt xem như hiện nay, mình đã nghiên cứu rất kỹ càng về xu hướng và tâm lý người xem.
Khi bắt đầu đến với travel blogger, mình đã từng ra rất nhiều video về những chủ đề khác nhau. Theo mình, quan niệm làm video cũng như nấu một món ăn vậy, phải nấu nhiều món cho người xem của mình ăn thử. Nếu như họ hợp khẩu vị với món nào, thì mình cứ theo đó mà tiến hành. Lúc này, mình biết được người xem của mình cần gì rồi, thì tha hồ mà hăng say sản xuất các sản phẩm đến tay người xem. Hơn hết, mình là người rất cá tính và thích làm mới mình. Những kênh truyền thông mà mình hướng tới đều truyền tải những nội dụng khác nhau.
Ở Facebook, mình chia sẻ cho mọi người thấy được những khoảng khắc riêng từ chính mình về những vùng đất mà bản thân đã đi qua. Instargram là nơi mình và các bạn travel blogger của mình chia sẻ về những kiến thức về những miền đất mới, góp phần mang lại kiến thức cho mọi người. Youtube chính là kênh chính để mọi người có thể theo dõi những hành trình mà mình đã đi qua. Và TikTok là nơi mình phô diễn tất cả nền ẩm thực từ những quốc gia khác nhau.
Hoàng Trường: Đến với nhiều nơi, vùng đất trên thế giới như thế, những khó khăn nào làm anh nhớ nhất?
Travel blogger Phan Thế Anh: Khó khăn nhất chính là sự rào cản về những ngôn ngữ từ các quốc gia khác nhau. Bởi, đâu phải tất cả mọi nơi trên thế giới đều có thể giao tiếp với nhau bằng chung ngôn ngữ là tiếng Anh. Nên khi đến với những nơi này, thứ ngôn ngữ mà mình sử dụng nhiều nhất là hình thể. Đây có thể nói là ấn tượng mà mình mãi không quên trong hành trình làm travel blogger.
Ngoài những rào cản về ngôn ngữ, mình còn gặp vô vàn khó khăn về không gian địa lý, sức khỏe. Bởi để đến được với những vùng đất mà du lịch còn chưa phát triển, mình đã gặp phải rất nhiều khó khăn từ quá trình vận chuyển cho đến thói quen sinh hoạt. Không phải chỉ riêng mình mà còn có những người bạn cũng đoàn. Khi đến với những nơi có độ cao chót vót đã khiến sốc nhiệt trầm trọng. Để đến được những vùng đất bí hiểm ấy, nhiều khi mình và đoàn phải mất đến cả tháng trời. Nhưng những khó khăn ấy, không thể nào làm đam mê được trải nghiệm của mình dừng đi được.
Hoàng Trường: Với những điểm đến thú vị đã từng đi qua, nơi nào để lại trong anh có nhiều ấn tượng sâu sắc nhất?
Travel blogger Phan Thế Anh: Trong suốt những nơi đã đi qua như Hàn, Thái Sing, Nhật, Ấn, Trung…, có lẽ xứ Đài (Đài Loan) là nơi mà mình nhớ nhất. Đây cũng là nơi sinh sống và làm việc của mình trong nhiều năm khi chưa xảy ra dịch bệnh. Nếu bạn chưa một lần nào đặt chân đến quốc gia này thì hãy thử một lần đến và trải nghiệm, bạn sẽ thấy được sự gần gũi và thân thiện của con người nơi đây trong từng thói quen sinh hoạt. Mặc dù là một đất nước không có nhiều địa điểm du lịch như các quốc gia châu Á nhưng Đài Loan có thể là một điểm đến thú vị hơn bao giờ hết, bởi nơi đây được xem là nơi bắt đầu của nguồn văn hóa phương Đông.
Mình còn nhớ, khi mới bắt đầu đến với Đài Loan sinh hoạt và làm việc. Mặc dù cuộc sống không quá nhiều khó khăn nhưng mình thường xuyên gặp rất nhiều chuyện xảy đến và những con người bác ái xứ Đài đã giúp mình vượt qua những khó khăn. Khi còn là sinh viên theo học tại đây, mình đã ba lần đánh rơi ví và được hoàn trả: Lần đầu tiên được hoàn trả ở trường; lần thứ hai được hoàn trả ở nhà thuê; và lần thứ 3 nhận lại được ở trạm cảnh sát do một người đi đường nhặt được đưa đến.
Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ thấy người Đài Loan họ thiệt thà, thân thiện và gần gũi đến nhường nào. Nên mới đây, thấy được khảo sát của Internations về sự thân thiện của các quốc gia, Đài Loan đứng thứ hai trong bảng xếp hạng ấy. Mình cũng không ngạc nhiên lắm. Nhưng theo trái tim mách bảo, Đài Loan phải đứng thứ nhất mới đúng (cười).
Hoàng Trường: Từ những gì mình đã trải qua, anh có những nhắn gửi gì đến người trẻ có dự định đi du lịch nước ngoài tự túc?
Travel blogger Phan Thế Anh: Trước hết, các bạn nên tìm hiểu thật kĩ những nơi mình muốn đến để hiểu về các quy định cũng như là các thông tin cần thiết về những điểm đến và các lộ trình. Khi biết được những điểm đến rồi, các bạn cần xem bản đồ để để sắp xếp những địa điểm đó trên cùng một tuyến đường. Để việc tham quan trở nên dễ dàng hơn và các bạn có thể đến được nhiều địa điểm hơn trong một thời gian nhất định.
Nếu các bạn muốn tìm hiểu về những địa điểm tham quan hấp dẫn có thể tìm kiếm bằng những Hashtag có liên quan trên các trang mạng xã hội. Chúng là một nguồn tài liệu phong phú từ các travel blogger đã từng trải nghiệm.
Hoàng Trường: Theo anh, để góp phần định hình thương hiệu du lịch Việt, các travel blogger cần làm gì?
Travel blogger Phan Thế Anh: Thật ra đây cũng là vấn đề mình luôn ấp ủ. Là một người con sinh ra từ đất Việt, mình luôn muốn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. “Đi để trở về” – càng đi càng tìm hiểu nhiều nơi lại càng yêu đất nước, con người, quê hương. Bởi, Việt Nam vẫn là tuyệt vời nhất với nhiều tiềm năng có thể khai phá. Hiện mình đã về Việt Nam và sẽ lên kế hoạch thực hiện hóa ước mơ của mình sau khi hết dịch.
Để làm được điều đó, hiện mình luôn hăng say và làm việc hết mình. Mình cố gắng học thật nhiều ngôn ngữ như Anh – Hàn - Trung để tạo ra những sản phẩm về nét văn hóa đặc trưng và cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Nhưng không phải bằng những đoạn “sub” thông thường mà sẽ dành hết những tâm huyết của mình để giới thiệu du lịch Việt Nam đến bạn bè năm châu bằng chính thứ tiếng của họ.
Hoàng Trường: Hy vọng là sẽ vẫn luôn có cơ hội để tự hào Việt Nam về những sản phẩm quảng bá du lịch Việt ra thế giới từ chính đam mê, tâm huyết của anh. Rất cảm ơn những chia sẻ của anh!