Khác với trẻ con thế hệ GenZ, thế hệ trẻ em thời công nghệ số, bữa ăn giấc ngủ đều có sự hiện diện của ti vi, điện thoại thông minh, hay nếu sờ đến sách thì phải là những quyển sách màu đầy hình ảnh, giấy in bóng bẩy, thế giới tuổi thơ của tôi cũng như nhiều bạn trẻ thế hệ 8X là những quyển sách dày cộp đầy chữ là chữ. Những quyển sách của ngày ấy thường được kế thừa từ bố mẹ và thường là những quyển sách văn học nước ngoài, những trang giấy thô ráp, vàng sậm luôn bị phồng lên hoặc lâu lâu bị rách góc, mất trang bởi đã được chuyền qua rất nhiều người trước khi yên vị trên giá sách để đến bàn tay tôi.
Bởi đấy là những quyển sách văn học, nên nó rất khó hiểu với những đứa trẻ như tôi, chỉ đến khi mẹ dắt mấy chị em tôi đến thư viện trường mẹ thì mới có những quyển sách, quyển báo chúng tôi có thể hiểu được. Và Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng được chị em tôi thích thú, chuyền tay đọc cho nhau nghe từ ngày ấy. Tôi nhớ, Búp sen xanh chia làm hai tập, bìa ngoài nâu bình thường vẽ một bông hoa sen trắng xanh đơn giản, khổ sách nhỏ gọn khiến những đứa trẻ như tôi dễ dàng cầm đọc.
Búp sen xanh không chỉ là là tiểu thuyết đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cũng là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng. Bắt đầu từ khi Người cất tiếng khóc chào đời tại làng Chùa quê ngoại đến khi Người rời bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước. Được biết, nhà văn Sơn Tùng đã phải dày công nghiên cứu, sưu tầm, thu thập tài liệu từ năm 1948 đến năm 1980 mới có thể hoàn thiện tác phẩm.
Tiểu thuyết được chia thành ba phần: Thời thơ ấu, thời thanh niên và tuổi hai mươi. Cái khiến tôi yêu thích và nhớ kĩ nhất trong Búp sen xanh đó chính là thời thơ ấu giản dị và gần gũi của Bác. Mặc dầu là con nhà quan, nhưng cậu bé Nguyễn Sinh Côn không vì thế mà trở nên xa cách những người bạn nghèo, ngược lại cậu lại rất cảm thông và hòa đồng với bạn bè.
Cách viết gần gũi của nhà Văn Sơn Tùng khiến nhiều người như bắt gặp một phần tuổi thơ của mình vừa khó khăn, thiếu thốn lại đầy tình cảm, tinh nghịch đến quen thuộc như việc cầm đầu các anh chị học trong lớp của bố trốn học đi câu cá để rồi bị phạt roi, trốn mẹ đi lội sông đến lúc bị mẹ bắt phạt vẫn cố giải thích vì “Nhà có phúc sinh con giỏi lội/ Nhà có tội sinh con hay trèo”.
Cũng như những đứa trẻ cùng tuổi, cậu bé Côn cũng thích các trò chơi nghịch ngợm như đi chọc chó nhà hàng xóm, đến khi bị bà hàng xóm chạy qua mách bà ngoại chuyện nghịch ngợm của mình, cậu liền chạy vào nhà để bê chiếc ghế ngồi ra lễ phép khoanh tay mời bà ngồi để mắng cho đỡ mỏi chân. Có lẽ, cái chi tiết nhỏ này khiến nhiều người chẳng để ý, nhưng với tôi, nó chính là chi tiết khiến tôi thấy câu chuyện về Bác càng thêm thuyết phục. Bởi với cái suy nghĩ ngây thơ của những đứa trẻ đã biết hối lỗi, nếu mình làm một việc tốt để chạy tội, thì liệu nhờ cái ghế mà bà hàng xóm có thể mách nhẹ tội trạng của mình đi chăng? Cái suy nghĩ đó xuất phát từ bản tính ngây thơ và có giáo dục của một đứa trẻ, nhưng vô tình lại khiến bà hàng xóm tức giận hơn vì nghĩ cậu bé Côn cố công để trêu gan mình, nên thay vì giảm nhẹ tội, thì bà lại nhảy xổ lên để nói những lời nặng nề hơn với bà ngoại.
Thời thơ ấu của Bác hiện lên trong khung cảnh yên bình của làng quê Việt Nam, thấm đẫm lời ca của ông xẩm, rồi đi vào đời thường với những người thân yêu như bà ngoại, bố, mẹ,... đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn cũng như sự hình thành lòng yêu nước, thương người. Thời niên thiếu nhiều xáo trộn với những bước đường quan lộ đầy thăng trầm của cha khiến cậu bé Nguyễn Sinh Côn tuy tuổi nhỏ mà đã phải gánh vác nhiều việc từ chăm em, đỡ đần mẹ, giúp việc nhà đến tự học. Mặc dầu vất vả, nhưng cậu bé Côn vẫn vừa học tập tốt, vừa kết giao thêm nhiều bạn bè, lại tự mình có thêm cái nhìn sâu sắc về tình hình rối ren của đất nước trong những ngày nước mất nhà tan. Chính những ảnh hưởng của các điều kiện xung quanh đã tạo nên những nỗ lực học tập, đấu tranh của cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành và dẫn đến hành trình tìm đường cứu nước đầy gian khổ.
Búp sen xanh khiến cho những đứa trẻ như tôi ngày ấy không thấy xa lạ hay khó hiểu, bởi cách viết giản dị, đi sâu vào đời thường khắc họa sống động một cậu bé Nguyễn Sinh Côn được kì vọng từ cái tên được ông ngoại đặt cho từ tích cá hóa chim bằng "có chí vùng vẫy bốn biển", cho đến quá trình trưởng thành trở thành một thanh niên đầy lòng yêu nước và bước chân xuống bến Nhà Rồng như một lẽ tất nhiên chẳng hề khiên cưỡng. Có lẽ, chính tính thiếu nhi và đời thường đấy đã khiến Búp sen xanh trở thành quyển tiểu thuyết được nhiều bạn trẻ tìm đọc, yêu thích và trở thành một biểu tượng của thời gian...
Tác giả: Lê Thị Kim Sơn
[sonlee09@gmail.com]
Thanh Tuân
10:11 22/03/2024
Một bài viết sâu. Thể hiện sự cảm nhận tinh tế về tác phẩm. Cảm ơn chị
Thuỵ Lê
14:53 20/03/2024
Một cuốn sách rất hay! Cảm ơn bạn đã giới thiệu.
Thuý Nguyễn
08:39 20/03/2024
Mình sẽ tìm thử cuốn sách này
Nguyễn Thu Hương
21:24 19/03/2024
Cảm ơn chia sẻ thú vị của tác giả.
Li Phan
19:02 19/03/2024
Cảm ơn chia sẻ về sách của tác giả. Đáng để tìm đọc
Phạm đức long
18:56 19/03/2024
Hay quá!
Phạm đức long
18:55 19/03/2024
Ok quá bạn ơi!
Lê Thị Kim Sơn
13:16 16/03/2024
Cảm ơn BBT đã duyệt bài ❤❤❤