Ngôi nhà đầu tiên của tôi nằm ở vị trí cách xa trung tâm thành phố và tôi cũng chẳng còn biết nó thuộc Sài Gòn không nữa. Vì ngày đó tôi còn chẳng rõ Thành phố Hồ Chí Minh và Sài Gòn là một nữa kìa.
Hầu như người thành thị chính gốc ít ai sống ngoài mặt đường lắm, thậm chí mấy đời người qua đi họ vẫn sống trong căn nhà nhỏ xíu ở cuối hẻm. Nhưng cũng có nhiều người do làm ăn thất bát nên mới dọn vào, người nghề này , người nghề kia lại tạo thành hẻm làng nghề: đánh bóng, sửa giày dép, bán hủ tíu gõ, bán lồng đèn, xe nhang, bán nước giải khát,…
Sài Gòn ngày đó chỉ phảng phất vài ba bóng đèn từ các con hẻm chằng chịt, thứ sáng nhất lúc đấy là chắc là cột đèn giao thông. Tôi từng nhớ trong bài "Sài Gòn vẫn thế" – Nguyên Hà từng hát thế này
"Dù lòng xôn xao có khi lạc bước chân
Ai đã gửi vào từng góc nhỏ thân quen
Mùi hương vấn vương một thời…"
Đã đôi lần ngồi lê la cà phê hẻm nhỏ, tôi bất giác lại hít một thật sâu vì mùi cà phê phin sáng đậm đà nức sống mũi, tai tập trung nghe từng giọt cà phê rơi ra khỏi từng lỗ nhỏ của chiếc phin nhôm rỉ nhẹ, xen lẫn vài thông tin thời sự phát ra từ chiếc TV Sony CRT. Đây là chiếc TV từ những năm 1950 với kết cầu dày và cồng kềnh nhưng người ta lại chẳng muốn bỏ đi vì muốn ôm chút kỉ niệm về Sài Gòn những năm tháng đó.
Sài Gòn những câu chuyện kể vội
Những câu chuyện tình dang dở
Thời ấy, kinh tế còn khó khăn, lắm lúc đi hẹn hò chỉ cầm 10 nghìn đủ cho hai li nước. Rồi cũng đến ngày vô tình gặp họ ở một cửa tiệm trang sức nhỏ mua cặp nhẫn cưới trị giá chưa tới 100 nghìn thời ấy. Tôi từng mê câu chuyện tình của anh àng xóm- nhà sát bên, vì anh từng theo đuổi cô bạn cùng lớp năm cấp 2 suốt 4 năm và đợi cô trở về từ Mỹ thêm 5 năm nữa. Mối tình kéo dài gần một thập kỉ tưởng chừng có kết thúc viên mãn nhưng gia đình nhà gái phản đối kịch liệt vì gia cảnh anh không xứng tầm. Từ đó, cả cô và anh không cho phép ai khác bước vào cuộc đời của chính mình. Sài Gòn là thế, khoảnh khắc bạn đánh rơi một nửa đời mình, những mảnh kí ức sẽ mãi nằm đó khiến bạn nhớ thương dai dẳng. Những đoạn văn lũng cũng không chấm câu, những câu chuyện dang dở vẫn đang chờ hồi kết.
Loay hoay với những giấc mơ
Ngày bé tôi từng mơ mình là ca sĩ – cái nghề mà thời ấy bố mẹ một mực ngăn cấm vì thị phi, tai tiếng. Tôi từng cáu gắt và hỏi rằng "Tại sao lại cho tôi tham gia học đủ loại nhạc cụ, múa hát trong nhà Thiếu nhi Thành phố nhưng lại cấm tôi làm nghề đấy?". Thế là tôi quyết tâm đi ngược với định kiến của gia đình. Tôi bắt đầu đi hát nhiều hơn, ai mời tôi cũng nhận, lắm lúc tiền cat-xe là ổ bánh mì 15 ngàn ở lề đường Hai Bà Trưng. Bố mẹ đến nhức cả đầu vì suốt ngày phải nghe tôi hát từ phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp và thậm chí là phòng tắm. Họ cũng chấp nhận, mặc kệ cái đam mê hát hò của tôi suốt một năm trời. Nhưng không may cho tôi sự nghiệp không mấy chuyển biến, ngày cô tôi về nước cũng là ngày tôi phải chia tay Sài Gòn. Mọi thứ gấp gáp đến mức tôi còn chẳng kịp học chữ Tây chữ ta gì nữa. Ngày đấy chữ tiếng Anh tôi biết duy nhất là "Xin chào" và "Tạm biệt". Thế là phải dùng luôn hai chữ đấy để "Bye bye Sài Gòn". Tôi sang Úc với con đường kinh doanh siêu thị rộng mở. Miền đất hứa của sự màu mỡ, sung túc. Sài Gòn lấy đi ước mơ, đam mê của tôi thế đấy.
Ở Sài Gòn là thế, có những chiều tôi loay hoay vô định ở mấy con hẻm nhỏ để tìm cho mình một góc riêng. Có vui có buồn, nhưng buồn ít hơn vui vì tôi gặp được những cô chú già ngồi vắt vẻo ở chiếc ghế nhựa màu đỏ kế bên cái bàn màu xanh trò chuyện với nhau rôm rả. Tôi nghĩ những điều trên chẳng có gì đặc sắc thế mà lại khiến tôi vui. Có lẽ tôi đã yêu mất rồi…