“Trong tu viện của tôi ở nước Pháp, có một cây hoa đào Nhật Bản.
Cây hoa này thường nở rộ vào mùa Xuân, nhưng có một năm, mùa Đông ấm áp hơn nên hoa nở sớm hơn thường lệ. Rồi một đêm trời trở lạnh, nhiệt độ xuống tới điểm băng giá. Sớm hôm sau khi đi thiền hành, tôi nhận thấy những nụ hoa đều bị héo hết. Tôi nghĩ “vậy là đầu năm nay sẽ không có hoa cúng Bụt”.
Vài tuần sau, trời ấm áp trở lại. Khi tôi đi bộ trong vườn, tôi lại nhìn thấy những nụ hoa đào thuộc thế hệ mới đang hiện ra”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mở đầu Chương 1 trong quyển sách thiền Không diệt không sinh đừng sợ hãi của mình như thế. Thực ra, tên tiếng Anh của quyển sách dịch sát nghĩa phải là: Không chết, không sợ hãi: Trí tuệ an ủi cho cuộc sống. Có lẽ ý muốn của Thiền sư là nêu lên một chân lý: Nếu chúng ta có trí tuệ (trí huệ), nhìn thấu suốt mọi quy luật của vũ trụ, của đời người thì bản thân sẽ đạt được sự bình yên trong thân, tâm và ý, để thấy rằng cuộc đời giống như một vòng luân hồi, không gì là mất đi và không gì được sinh ra, vì thế đừng quá sợ hãi. Khi được chuyển sang Việt ngữ, dịch giả Chân Huyền đã dịch thoát nghĩa để dễ tiếp cận với đại chúng hơn chăng? Tựa đề của quyển sách làm tôi liên tưởng đến định luật bảo toàn năng lượng của vật lý học: Năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi mà nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác hoặc từ vật này sang vật khác. Mở rộng ra, mọi hình thái vật chất không tự nhiên sinh ra và cũng không mất đi mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, kể cả con người. Vạn vật trên đời nếu ta quán chiếu kĩ đều là như thế. Đó là những điều mà từ quyển sách này, Thiền sư đã điểm hóa cho chúng ta.
Trở lại với câu chuyện về hoa đào mà tôi đã đề cập ở trên. Nó làm ta nhớ đến bài kệ Cáo tật thị chúng (Có bệnh, bảo mọi người) của Mãn Giác thiền sư:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận.
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Có một kế thừa của Thích Nhất Hạnh với tư tưởng triết học Phật giáo trong bài kệ của Mãn Giác nhưng không hoàn toàn giống. Bài kệ của Mãn Giác chỉ ra một hiện tượng dị biệt của tự nhiên: xuân đã đi qua nhưng nhành mai vẫn nở như những giá trị vĩnh hằng, những cái đẹp trường tồn vẫn bất chấp quy luật của đất trời, sự khắc nghiệt của thời gian. Nhành mai ấy như tinh thần của những bậc chân tu khi đã thấu suốt được mọi lẽ đời đã ung dung vượt qua sinh tử, vượt qua những quy luật hóa sinh của đời người, cái chết không làm mảy may đến tâm ý của họ. Ở Thích Nhất Hạnh, tất nhiên ông có tiếp nỗi những triết lý đó nhưng đã làm rõ hơn về tư tưởng của đạo Bụt thông qua chi tiết hư cấu vì sao hoa đào vẫn nở: “Chúng tôi không phải những bông hoa đó, mà cũng không khác những bông hoa đó. Khi nhân duyên đầy đủ chúng tôi hiển hiện ra, và khi thiếu nhân duyên thì chúng tôi ẩn tàng. Giản dị vậy thôi!”.
Theo Phật, mọi sự biểu hiện trên đời là do nhân duyên tạo thành. Khi hội đủ nhân duyên thì mỗi chúng ta và mọi vật hiển hiện trên thế gian. Khi nhân duyên không còn thì mọi thứ tạm ẩn tàng đi hoặc hiển hiện trong một hình thái khác. Thực ra, bông hoa đào không phải không có mà do ta không thấy thôi. Lúc chưa nở, nó ẩn tàng trong từng chiếc lá, trong nhựa sống của thân cây. Khi nở, nó hiển hiện ra vì đã hội tụ đầy đủ điều kiện. Khi hoa đào rụng, nhân duyên kết thúc nhưng nó không mất hẳn đi mà chuyển hóa thành đất và có thể từ đó vun bón lại cho thân cây tươi tốt rồi sau này từ thân lại trổ ra bông hoa mới. Hiểu được điều đó, ắt hẳn mọi người chúng ta sẽ thấy cái tâm an yên hơn nhiều.
Tôi biết đến Thích Nhất Hạnh từ sáu năm trước, khi có một số đồng nghiệp chuyền tay nhau đọc quyển Đường xưa mây trắng của Ngài. Trong những đêm mất ngủ, tinh thần hoảng loạn, tôi đã bật audio (sách nói) để nghe trọn bộ sách để tâm mình tĩnh lại. Từ đó, tôi đã tìm đọc thêm quyển Không diệt không sinh đừng sợ hãi của Thầy. Có những câu nói từ quyển sách mà tôi coi như phương châm sống cho mình. Chẳng hạn như câu: “Trăm triệu hạt mưa không hạt nào rơi nhầm chỗ, những người ta gặp không ai là ngẫu nhiên” – giúp tôi nhận ra rằng mọi người chúng ta gặp trong đời sống đều do nhân duyên tạo thành nên dù có thích hay không thích người đó, hãy hoan hỉ đón nhận. Người xấu hay tốt thì họ cũng mang lại cho ta những trải nghiệm và bài học bổ ích. Hay câu: “Chúng ta lo lắng về tương lai vì chúng ta sợ hãi. Nếu chúng ta sợ hãi hoài thì chúng ta không thể biết giá trị của sự sống và hạnh phúc của hiện tại”: dạy cho tôi biết tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống ở hiện tại và trân quý những gì đang có để mỗi giây phút qua đi phải thật trọn vẹn, để sau này không phải hối tiếc.
Trước đây tôi thường lo nghĩ viển vông chuyện tương lai, rồi so đo với những người giàu có hơn, hạnh phúc hơn mình nên lúc nào cảm giác cũng không thỏa mãn và đầy bất an. Nhưng khi tiếp xúc sâu hơn với Phật giáo qua quyển sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi cảm thấy lòng mình an yên đến lạ thường. Không phải tôi không lo nghĩ đến tương lai mà vì tôi ngộ ra rằng mọi thứ cần thuận theo tự nhiên, đừng cố cưỡng cầu điều không thuộc về mình, bình thản đón nhận mọi thứ, kể cả cái chết. Chỉ khi nào sâu trong lòng thực sự tĩnh tại, an nhiên thì cuộc sống chúng ta mới hạnh phúc, yên vui được!
Tác giả: Lê Minh Giang
[leminhgiang219@gmail.com]
Me Trần
08:29 05/04/2024
Quá hay, tài năng! Tác giả viết bài giúp tôi có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Hữu duyên mới gặp, mọi thứ trên đời không phải ngẫu nhiên, bạn bè gặp nhau không phải tự nhiên thân thiết. Đều tuân theo luật Nhán Quả. Hôm nay ta hạnh phúc cũng bởi gieo nhân lành từ trước.... Nguyện tất cả chúng sanh đều thân tâm an lạc, hạnh phúc vẹn toàn. Mọi người nên hành thiện bố thí trong khả năng có thể... Chúc mọi người vui vẻ, đẹp xinh. Chúc cho tác giả bài viết đạt giải cao!
Nga Tạ
05:40 05/04/2024
Hay lắm ạ, thích nhất câu lấy làm phương châm sống: "Trăm triệu hạt mưa không hạt nào rơi nhầm chỗ, những người ta gặp không ai là ngẫu nhiên”
Ngọc Thảo
22:35 04/04/2024
hay quá thầy ơi, em cũng có mua cho mẹ em một quyển sách giống thầy ă~~