Ngay nhan đề tập sách cũng đã gây được ấn tượng cho người đọc, vì nó có một sức ám gợi lớn, tạo nên những liên tưởng thú vị và mang ý nghĩa biểu tượng. Cảm thức thời gian cứ trôi chảy cùng cảm thức về đời người, những hoài niệm về quá khứ và cả những gì đang diễn ra nó đã trở thành nỗi niềm khắc khoải, suy tư của chủ thể trữ tình. Ở Vết thời gian, Dương Lữ Yên đã giúp người đọc nhận thức thời gian đã cho con người ta những gì và lấy đi của con người ta những gì. Vì thế, hiện lên trong thơ anh là khoảng thời gian xanh biếc vô tư nhưng cũng chứa đầy những tiếc nuối, lo âu và cả những hoài nghi, trăn trở về dòng chảy vô định của thời gian.
Thơ Dương Lữ Yên bật lên từ những rung động trước cuộc sống và tình yêu bằng cái nhìn tinh tế, nhạy cảm của một con người từng trải. Nhà thơ khám phá ra điều mới mẻ trong cái quen thuộc hàng ngày, nhận ra cái chân lý sâu xa từ những điều giản đơn, bình thường của cuộc sống.
- Giá lạnh mùa Đông/ Có thể sưởi ấm bằng ngọn lửa hồng/ Cằn cỗi mùa Hè/ Hãy để dòng sông xanh tưới mát/ Trống vắng tâm hồn/ Lấy gì khỏa lấp tàn đêm/ Rét buốt con tim/ Tìm đâu nguồn ủ ấm/ Thiếu vắng chân tình/ Tất cả thành ảo mộng/ Mãi mãi chẳng là gì/ Lúc tầm thường len lỏi khắp đường đi (Tình đời).
- Trong âm có thiếu dương/ Trong dương có thiếu âm/ Có hữu hạn, vô hạn/ Có hôm qua, hôm nay/ Có đông, ắt có tây/ Có mưa, ắt có gió/ Có sấm, ắt có chớp/ Có đêm, ắt có ngày/ Từ Kharkiv đến bờ Tây/ Bão dông rồi cũng đến ngày nắng lên/ Hổm rày nóng ngày, nóng đêm/ Hẳn vài bữa nữa đất mềm nước mưa (Âm dương).
Thơ Dương Lữ Yên có những câu dường như viết ra không để tạo nghĩa mà tạo nên ấn tượng, lát cắt của cảm xúc vụt hiện. Sáng sớm gặm bánh mì/ Đâu thể ngăn ta ngắm biển Bali/ Ngồi vỉa hè cà phê trà đá/ Ta có quyền mơ trúng số/ Để trở về quê tậu xe hơi, villa (Sài Gòn nắng).
Bạn đọc có thể tìm thấy những câu thơ hay, bài thơ, hình ảnh, từ ngữ giàu sức gợi, biểu thị nhiều sắc thái cảm xúc.
- Em hẹn anh rồi sao em lại quên?/ Vắng em tiếng chiêng xa lơ xa lắc/ Nỗi nhớ em réo như thác Jrai Tang/ Hồ Sông Hinh đêm trăng buồn trầm mặc/ Rượu đã say rồi, dây đàn đã căng/ Ai hát đêm nay để anh ngây ngất/ Ai sẽ cùng anh nhịp Xoang A ráp?/ Ôi trái tim anh cô độc giữa đại ngàn,/ Hai Riêng ơi đêm nay thiếu nước/ Uống cả buôn làng anh vẫn khát…vì em (Hai Riêng riêng ai).
- Nhìn Sài Gòn từ trong taxi/ Buổi sáng, những con đường lầm lì chuyển động/ Mũ bảo hiểm, grab, ba lô, khẩu trang,/ Ngã ba, ngã tư, kẹt cứng/ Những toà nhà cao tầng/ Bờ kênh/ Dòng người/ Con sông cuộn chảy/ Mỗi biển số xe/ Như một loài cá tôm vùng này, chốn nọ/ Hội tụ cánh đồng mưu sinh/ Như thuở cha ông mở nước/ Từ taxi nhìn ra sau, trước/ Đâu phân biệt ai đi làm, đi phượt/ Muôn nẻo đường trần/ Bỏng rát những bàn chân (Nhìn Sài Gòn từ trong taxi)
Dương Lữ Yên thường mượn hình ảnh của thiên nhiên để bộc lộ thế giới nội tâm của mình, do vậy bức tranh thiên nhiên trở nên có hồn cốt, sinh động, gợi cảm. Một trong những biện pháp nghệ thuật để xây dựng thành công đó là nhà thơ sử dụng những hình ảnh nhân hóa.
Thế giới hình ảnh trong thơ Dương Lữ Yên phong phú, đa dạng, xuất hiện lần lượt từng lớp, từng lớp chất chồng lên nhau đã thể hiện nội dung tư tưởng mà nhà thơ muốn gửi gắm. Dường như những hình ảnh của cuộc sống đời thực được anh chuyển tải vào thơ qua lăng kính chủ quan của mình. Đến với thơ Dương Lữ Yên, tâm hồn con người sẽ trở nên trong trẻo hơn, nhân hậu hơn và ấm nồng hơn.
Đọc hết tập Vết thời gian tôi lại nghĩ Dương Lữ Yên đang chép chép, ghi ghi nhật ký của đời mình, nhật ký ấy được chuyển tải bằng những dòng thơ bộc trực, giản dị, chân thành bởi những câu chữ tự nhiên, hồn hậu nhưng tạo nên ấn tượng và để lại những dư ba...
Không nhớ rõ đêm Sông Hinh hay Sơn Hoà/ Rượu thơm quá, nhạc đêm du dương quá/ Bạn cũ, mới những tình yêu quen, lạ/ Thật ngọt ngào nguồn suối sông Ba/ Xưa Lý Bạch bắt trăng ghềnh Thái Thạch/ Ta hậu sinh say sơn nữ quên giờ/ Đêm rạng sáng, trăng ngang hồ Trúc Bạch/ Đèn chập chờn ta đứng giữa thực, mơ/ Đôi khi quên, để cho ta không nhớ/ Mặc cuộc đời chối bỏ một vài canh/ Đôi khi tỉnh, dù rượu đầy quá cỡ/ Bạn tôi ơi, tôi ngược nẻo con đường/ Đêm chênh chao tình đẫm ánh trăng thuôn/ Ơi sông Ba, ơi suối nguồn tươi trẻ/ Say đi bạn, đêm nay quên hết nhé/ Sáng mai về ta lại là ta/ Đêm Sông Hinh, đêm Sơn Hoà, đêm sông Ba (Đêm sông Ba).
Khao khát thể hiện cái tôi nội cảm, Dương Lữ Yên thường so sánh tâm hồn mình với các hình ảnh cụ thể, biến cái trừu tượng thành cái có thể tri giác được. Nhà thơ đã trải lòng mình với nhân sinh với mong ước được chia sẻ, được cảm thông, được thấu hiểu. Anh không ngừng trăn trở, suy tư để rồi rút ra những triết luận về con người, cuộc đời trong một cái nhìn biện chứng, nhiều chiều, trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống. Những đúc kết ấy rất mực chân thành và giàu sức thuyết phục.
Thế giới này đâu của riêng Adam/ Eva nửa phần làm nên thế giới/ Cả bầu trời đang chịu ơn cao vợi/ Của em, của chị, của mẹ, của bà,/ Thử hỏi ngài đại hoàng đế Cesar/ Nếu không phải nữ hoàng Cleopatra/ Người có đem hòa bình về La Mã/ Để sông Nil xuôi biển cả hiền hòa?/ Xứ sở mình luôn kính cẩn Hai Bà/ Mở nước Việt, dựng xây nhà độc lập/ Nam nhi ngàn năm mải mê tranh chấp/ Ai sinh con, ai cuốc đất, trồng khoai?/ Ai người bao dung bao kẻ bất tài?/ Ai người lắng lo trong ngoài êm ấm?/ Ai người tinh mơ ra ngoài chăn ấm/ Để sáng mai cơm canh nóng, sữa tươi?/ Thế giới này đâu chỉ của riêng ai/ Một nửa chủ nhân đâu hoài hoa đẹp/ Hỡi Adam, hãy vô tư bước tiếp/ Nhưng nhớ rằng sự nghiệp có Eva (Eva).
Bài thơ dung chứa cảm xúc mãnh liệt thông qua những hình ảnh, sự viện dẫn đối sánh, lý giải có lý có tình trên những nguyên lý cơ bản của triết học hiện sinh.
Từ hình ảnh chiếc đồng hồ và nhiệm vụ của các cây kim giây, kim giờ, kim phút; nhà thơ dùng thủ pháp ẩn dụ để nói đến vấn đề mang tính phổ biến đã và đang hiện tồn trong xã hội thời anh đang sống.
Đồng hồ có 3 kim/ Kim giờ, kim phút, kim giây/ Thằng vất vả nhất/ Là thằng ốm gầy/ Công to/ Mà không là gì sất/ Là thằng mập đầy/ Khi có sự cố/ Dĩ nhiên cả 3 đều khổ/ Không ai trách thằng kim phút, kim giờ/ Chỉ nhè thằng kim giây/ Vừa trách, vừa chê (Đồng hồ).
Điều dễ nhận thấy trong thơ Dương Lữ Yên là anh không câu nệ chuyện dùng câu chữ, không cố tình làm dáng, làm điệu hay sử dụng những ngoa ngữ trong thơ. Và chính điều này lại làm nên bản sắc thơ riêng của anh.
Những vùng đất anh qua, những nơi anh đến bao giờ cũng để lại những dư vị và cảm xúc riêng. Vì thế các địa danh đi vào thơ theo cấu trúc không gian và mang nhiều dáng vẻ, tâm trạng, nỗi niềm riêng... Không gian ấy mang tính vô hạn, vĩnh cửu vì nó được khắc sâu vào ký ức để nhà thơ Dương Lữ Yên luôn hướng về.
Một Sài Gòn hoa lệ, một Đà Lạt diễm tình, một Kon Tum đượm màu thương nhớ, một cố đô Huế ảo diệu, trầm tư...
Nếu người đọc tinh ý sẽ nhận ra dù đi đâu, về đâu thì quê hương Phú Yên trong thơ Dương Lữ Yên vẫn được nhắc đến với tần số cao. Các địa danh: Tuy Hòa, Sông Cầu, Sông Hinh, Tuy An, La Hai, Chớp Chài, Đồng Cam, Đà Diễn ... hiện lên với những nét đặc trưng riêng từ lịch sử, cảnh vật, văn hóa, lễ hội, con người...
Tôi ghé thăm Đồng Cam/ Tiếng nước reo vui kênh Nam, kênh Bắc/ Lòng ấm êm lòng/ Những làng quê miền Trung/ Thuỷ chung son sắt/ Cơm trước mặt, cá sau lưng/ Bạt ngàn đồng mía đỏ rừng bò sin/ Câu ca khoan nhặt trăm năm/ Chóp Chài mây trắng, núi Sầm khói lam/ Réo rắt trong tim/ Tiếng đàn đá Tuy An trầm sắc/ Ai đó bài chòi Đà Diễn, Đà Nông/ Lại nhớ Cổ Lũy, Tiên Châu một thời xa lắc/ Tích xưa nay đã mơ mòng/ Chiều nay ra tới biển Đông/ Tan vào mênh mông sóng nước/ Đôi bờ lau sậy Đà Rằng/ Tự tôi đã thành ký ức (Con sông lau sậy Đà Rằng).
Quê hương Phú Yên trong thơ Dương Lữ Yên không chỉ là tên gọi một địa danh mà nó tồn tại như một biểu tượng, gợi nhắc những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất miền Trung đầy nắng gió, mưa bão nhưng rất đỗi anh hùng.
Quê hương đã nằm sâu trong tâm khảm, gắn bó máu thịt với nhà thơ. Đất mẹ đã nuôi anh bằng bầu sữa mát lành trong trẻo. Ở đó là tình cảm thân thương, nồng hậu và sẽ theo nhà thơ trên mọi nẻo đường đời.
Con người đương đại càng văn minh thì càng hoài nghi về lý trí, ý niệm về không thời gian có sự trùng lắp lên nhau. Dương Lữ Yên thường lấy thời gian làm nhan đề cho những bài thơ của mình: Sông Cầu tháng Hai, Đêm sông Ba, Chạp, Một ngày, Tuy Hòa mùa thu...
Thời gian hiện thực tri nhận, thời gian lịch sử, thời gian hoài niệm... có thể quy về kiểu thời gian thực tại và thời gian tâm tưởng. Tuy Hòa mùa thu là một bài thơ hay khi nhà thơ đã xây dựng biểu tượng thời gian đi liền với không gian tâm thức tâm thức, hàm chứa những ẩn nghĩa...
Đã quá lập thu/ Nam sáng, Nồm chiều, cộng trừ thay đổi/ Nắng vẫn chói, bầu trời chiều nóng hổi/ Cơn giông đổi mùa ẩn hiện đằng Tây/ Trong xào xạc lá rơi là cánh kiến bay/ Hơi đất nồng cay, côn trùng gọi bầy da diết/ Sấm đi trước, theo sau là ánh chớp/ Mưa thu về cùng ước hẹn heo may/ Mưa mấy chiều cho thơm gió thu say/ Sân vườn đó đây bông giờ bày tim tím/ Bụi sim già, trái ủ sầm ngọt lịm/ Khói lam chiều quyến luyến ngoại ô/ Thu Tuy Hoà đâu có lá vàng mơ/ Không có gió se se lành lạnh/ Nên câu thơ không sang, không cánh/ Mật ngọt đất trời ủ chồi, nhánh chờ xuân/ Trống múa lân giục giã chiều hôm/ Trung thu mấy đêm thơm bánh dẻo/ Phố phường như nêm, trẻ em khắp nẻo/ Đèn xanh, vàng thơm thảo người, xe/ Tiếng trống tựu trường giòn giã tiễn tiếng ve/ Cành phượng cũ sót chút hè cháy đỏ/ Những ánh mắt nôn nao, bỡ ngỡ/ Những vòng tay hớn hở học trò/ Thu Tuy Hoà vừa quen vừa lạ/ Chợt nắng, chợt mưa, chợt gió, chợt mây/ Ta lơ đễnh, thu về không gõ cửa/ Sáng thu gọi hạ trưa, chiều đông bủa mưa đầy,/ Bạn tôi tha phương, mấy bữa rày thăm phố/ Thèm cà phê quán Nhớ đi tìm/ Tôi tiễn bạn cút rượu thơm Quán Đế/ Lại chùng chình nhớ “Mùa Thu cho em”/ Thu trung phần - cô gái làm duyên/ Ta chờ đợi, lại quên không đến/ Có một đận giữa Sài Gòn kiều diễm/ Ta nhớ mưa nửa đêm lem ướt ánh trăng huyền/ Nên dù bây giờ nồm đang thôi miên/ Ta đoán chắc mai thu duyên, chắc lắm.
Cái tình với quê hương, bản quán của Dương Lữ Yên ít khi bộc lộ trực tiếp mà thường ẩn sau những câu chuyện của con người quê hương, những tâm sự, quan sát, ghi chép, cảm nghiệm của anh trong mỗi chuyến đi hay những lần giao lưu, gặp gỡ...
Dương Lữ Yên đã trải lòng mình trước cuộc sống bằng sự yêu thương, cảm thông sâu sắc. Giờ đây con người được nhìn từ nhiều phía, nhiều chiều, đặt trong nhiều mối quan hệ, khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Tiếng vọng trong thơ hôm nay đa dạng, mang tính chiêm nghiệm, suy tư, đau đáu và nhân bản hơn nhiều.
Học trò ơi xin chớ vô tình/ Ví thầy cô như người lái đò vĩ đại/ Qua sông rồi mấy ai trở lại/ Thoáng chút giật mình cám cảnh bến sông? (Tự vấn 1).
Là người từng có thời gian gắn bó trên bục giảng (sau đó anh chuyển sang làm công tác quản lý) nên những vẫn thơ viết về nghề dạy học và các vấn đề liên quan đến giáo dục đều chân thật, ngập tràn cảm xúc, thấm đẫm niềm tin yêu và khát vọng. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn những điều xót xa, nuối tiếc, trăn trở và bất an...
Không nhà giáo, anh viết tặng các chuyên viên của Sở Giáo dục - Đào tạo nơi anh đang công tác. Bài thơ như lời tự trào, lời an ủi, động viên chính mình và những người đồng nghiệp. Đằng sau lời bộc bạch chân thành là những lời khẳng định, đằng sau những lời khẳng định là những câu hỏi tu từ đặt ra như cắt cứa vào tâm can, nghe nhói buốt, rưng rưng...
Tôi đâu phải nhà giáo/ Chỉ là chuyên viên thôi/ Xưa dạy học, cố gắng/ Sếp khen, nên tin lời/ Thế là thành công chức/ Tám giờ làm mỗi ngày/ Dạy học sinh, ít lắm/ Toàn tập huấn cô thầy/ Mỗi khi về trường học/ Được gọi cô, gọi thầy/ Vui lắm, sung sướng lắm/ Nghề ta yêu bấy nay/ Thấm thoát mấy mươi năm/ Trò cũ thường ghé thăm/ Thầy trò không khoảng cách/ Tóc ai cũng hoa râm./ Mỗi năm, tháng Mười một/ Nhìn quà mừng hoa hồng/ Của cô giáo cùng xóm/ Đôi khi chút chạnh lòng/ Hai mươi tháng Mười một/ Ta đi làm bình thường/ Như ba trăm ngày khác/ Đi làm là có lương/ Đôi khi thấy vô tình/ Ngày Hiến chương giáo giới/ Đâu phải ngày của mình/ Có gì mà bối rối/ Hạ tuần mưa lung linh/ Tháng sau là Giáng sinh/ Tôi bạn, người hổng dạy/ Tự làm tiệc cho mình/ Lấy ngày ba mươi mốt/ Tháng cuối cùng của năm/ Cùng nhau ta tổng kết/ Những yêu thương âm trầm/ Bạn, tôi là nhà giáo?/ Cũng có khi là không?/ Miễn sao sống xứng đáng/ Không hổ thẹn trong lòng/ Đã trót yêu nghề giáo/ Giờ không còn là thầy/ Thì ta yêu cô giáo/ Người ta gặp sáng nay.
Điểm sáng làm nên nét riêng trong thơ Dương Lữ Yên đó là anh quay về trò chuyện với chính mình, tự vấn, tự thoại để tìm ra câu trả lời phù hợp nhất. Chạp, Đếm, AI, Chỉ cần, Đoản khúc zalo, Đồng đội ơi, Không nhà giáo... là những bài thơ biểu hiện rõ tâm thế đối thoại, xác nhận những quan niệm, giá trị, các tiêu chí khác nhau trước bản thể của cuộc sống.
Cái tôi trữ tình trong thơ Dương Lữ Yên bàng bạc, man mác, nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu lắng. Đó là hành trình đi tìm chân lý cuộc đời, gieo mầm cho những khát khao, hy vọng ứa tràn nhựa sống cho tình yêu, cho cuộc đời và cả cho thi ca.
Nguyên Sa có người yêu mặc áo lụa Hà Đông/ Nên đi trong nắng Sài Gòn phiêu bồng gió mát/ Ta, gã lang bạt trung phần/ Đi tìm bình yên chốn đô thành náo nhiệt/ Tự cách chọn đã là dị biệt/ Thì nắng Sài Gòn có dịu ngọt gì đâu/ Sáng mở mắt ra nắng đỏ trên đầu/ Chính ngọ nắng đục ngầu khói bụi/ Giữa chiều nắng xiên khoai hun khói/ Nắng Sài Gòn vẫy gọi taxi/ Đêm về nắng chửa chịu rời đi/ Lưu trú, lầm lì, sân si tường vách/ Thương bạn grab/ Tội chị hàng rong/ Nắng nung chia đều khó nhọc,/ Cảm thông cháu sinh viên/ Chia sẻ chị công nhân/ Đêm ngủ vùi nóng rực,/ Vẫn mơ về miền Tây, miền Trung/ Những cha, mẹ, chị, em và những tờ tiền có được/ Cuộc đời dài hối hả bước đi (Sài Gòn nắng).