Banh Trung Thu Windsor

Nơi đây yên nghỉ – Nếp nhà Huế qua lăng kính của Hồ Đắc Túc

Cố đô Huế và con người Huế trong bạn sẽ như thế nào? “Nơi đây yên nghỉ” của Hồ Đắc Túc sẽ mang đến cho một điểm chạm rất khác lạ, giàu xúc cảm về vùng đất, về nếp nhà gia phong của người Huế.

Cố đô Huế và con người Huế trong bạn sẽ như thế nào? “Nơi đây yên nghỉ” của Hồ Đắc Túc sẽ mang đến cho một điểm chạm rất khác lạ, giàu xúc cảm về vùng đất, về nếp nhà gia phong của người Huế.

nơi đây yên nghỉ - hồ đắc túc

Là một đứa con của Huế sống xa quê, dù bận rộn thế nào, tôi vẫn luôn cố gắng sắp xếp để có thể về nhà vào dịp giáp tết. Chẳng hiểu vì sao, nhưng tôi yêu vô cùng khoảng thời gian ấy, tết chưa đến nhưng đó là lúc tôi thấy xuân ngập tràn trong lòng nhất. Tôi có thể chứng kiến và cảm nhận mọi sắc thái, từng cung bậc của mọi người xung quanh; nào là tất bật mua mua bán bán, gấp rút hoàn tất việc này việc kia, hối hả kết thúc chuyện ni chuyện nớ để có thể yên tâm ăn tết. Tôi có thể thong thả gặp một vài người bạn thân, đôi ba người quen cũ lâu ngày không chuyện trò.

Một buổi sáng chỉ trước tết có vài hôm, tôi có buổi hẹn cà phê với anh Võ Ca Dao (con của nhà thơ Võ Quê) – một người anh mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, chưa kịp uống ngụm nước nào thì anh đã tặng ngay cho tôi chuyển sách có tựa “Nơi đây yên nghỉ”, hình như lúc nào gặp anh thì tôi đều có quà là sách. Tay đưa sách thì anh đồng thời nói “Gần tết mà tặng cho chuyển sách nơi đây yên nghỉ thì nghe cũng kỳ hè, nhưng quyển này hay lắm, anh nghĩ em sẽ thích!” Anh lại tiếp, “Quyển này thú vị lắm nhưng không hiểu sao ít người biết và lại bán không chạy lắm, có lẽ là do cái tựa nó có vẻ buồn nhưng nội dung thì không hẳn vậy.”

Quả như anh Ca Dao “cảnh báo”, tôi đã rất thích quyển sách này ngay từ những trang đầu tiên. Do quyển sách này liên quan đến đất và người nơi tôi sinh ra và lớn lên ư! Không phải! Tôi tin rằng, những người miền khác cũng sẽ thấy thú vị, sẽ hiểu và thêm yêu vùng cố đô ấy khi đọc “Nơi đây yên nghỉ”.

Tôi sinh ra ở thời chiến tranh đã qua rồi nhưng cuộc sống vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng bởi hậu quả và hệ quả của nó. Bức họa chiến tranh chỉ phô diễn ra trước mắt tôi trong các bài học lịch sử ở trường, qua lời kể của ông bà cha mẹ. Và khi đọc “Nơi đây yên nghỉ”, tác giả Hồ Đắc Túc lại cho tôi thêm một không gian cảm xúc khác khi sống giả tưởng trong ấy vào thập niên 1960.

Chiến tranh của những năm 1960 vô cùng ác liệt phút chốc bỗng như tạm ngưng trong mảnh vườn với hàng nguyệt quế, cây nhãn, …; như để yên cho người mẹ không học cao nhưng nhiều chữ và thấu tình đạt lý, tinh tế chạy chợ lo cơm nước cho ông chồng văn vở, đám con tinh nghịch nhưng hiểu chuyện.

Cái nghèo bủa vây căn nhà sau rặng chè xanh, nó còn len lỏi theo nắng theo gió vào mọi ngóc ngách trong căn nhà nhưng tuyệt nhiên không xâm phạm được sự tôn nghiêm của nếp nhà dòng dõi. Dù bữa ăn có thiếu thốn nhưng văn chương, văn hoá cùng phong thái phong lưu vẫn nguyên cốt cách trong từng nếp sinh hoạt. Ấy là Huế, ấy là người Huế!

Một sự thanh lịch trong hành xử, ngôn phong sâu sắc tự nhiên toát ra như một hơi thở. Mỗi con người dù là quý tộc thất thế hay dân thường sa cơ thì vẫn “cố chấp” giữ tường thành tôn nghiệm về chữ nhân trong lòng dù bằng cách này hay cách khác, dù sớm hay muộn đôi chút. Chất Huế hoá ra đã có từ xưa đến nay, vẫn thế dù thời cuộc có biến động, văn hoá có du nhập thế nào.

Nếp sống rất Huế ấy cứ vậy, “khiêu vũ” với chiến tranh trong một thời gian dài, khi thì mượt mà lãng mạn như điệu waltz, có lúc thăng trầm như tango, rồi vô cùng dữ dội như pasodoble trong những cuộc rượt bắt truy đuổi, …

Sức mạnh của chiến tranh là không thể đo lường, hàng chè mong manh không chắn được đạn, ngôi nhà gạch cũng chẳng trụ nổi trước bom rơi, tâm hồn người Huế có mạnh mẽ có kiên cường đến đâu thì thân xác vẫn nát tan dưới hố bom sâu thẳm. Đối diện với khó khăn, biến cố cũng không thể chống đỡ được những lúc yếu lòng, con người dù thời chiến cũng biết tê dại trước sự phản bội của tình yêu, thậm chí những vết thương ấy mãi mãi chẳng lành bởi niềm tin bám víu duy nhất để vượt qua hòn tên mũi đạn đã không còn. Rất con người!

Cuốn sách dù không dày nhưng câu chuyện lột tả được nhiều góc cảm xúc của ba bốn thế hệ, từ sự thâm trầm khó hiểu của ông già, nỗi băn khoăn âm ỉ của người đàn ông trung niên trụ cột, sóng lòng lúc dữ dội lúc dịu êm của thanh niên trai gái, sự nhí nhố ngây ngô pha lẫn hài hước của đám trẻ con, … Tất cả cho ta thấy sự phong phú, đa sắc về sự truyền nối văn hoá, răng dạy nếp nhà, rèn dũa cốt cách của người Huế.

Ấn tượng nhưng cũng khiến tôi như lạc lối giữa khoảng không gian vô định của suy nghĩ miên man nhất có lẽ là đoạn kết. Chiến tranh đột ngột đến gần, đổ ập xuống đan xen với những ngày xuân đến tết về đầy ấm áp. Sự hoà quyện tương phản này khiến tôi ngậm ngùi, cảm được nỗi buồn hiu quạnh và cả đớn đau pha lẫn tiếc nuối, cũng thấy được sự niềm vui và sự hạnh phúc đã từng có của các nhân vật. Cái kết mở không ranh giới cho độc giả suy ngẫm theo cách riêng của mình.

Dù là quyển sách viết về bối cảnh cuộc sống của một xóm nhỏ ở Huế vào thập kỷ 60s nhưng nó không lỗi thời, đây như là một cánh cửa kết nối thời gian và không gian với một lăng kính rất khác. Tôi cảm thấy biết ơn duyên lành mà anh Ca Dao mang đến cho tôi quyển sách này!