Tri ân Nhà giáo

Nỗi Đau Da Cam và những suy tư làm nhói buốt tận đáy sâu tâm hồn

Nỗi Đau Da Cam, ngôn từ cuồn cuộn chảy theo dòng cảm xúc, như rút ra từ máu thịt, tâm can mình, như tiếng gọi thẳm sâu trong tâm thức của tận cùng nỗi đau chất ngất, làm nhói buốt tận đáy sâu tâm hồn.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, nhưng những di họa mà chiến tranh để lại cho đến hôm nay vẫn mãi là nỗi đau đớn đến tột cùng. Biết bao bà mẹ mất con, bao người vợ mất chồng, con mất cha... Họ mòn mỏi đợi mong trong thấp thỏm, nhớ thương... Họ đợi chờ đến héo hon và mong có tia hy vọng, mong có phép màu nhưng tất cả chỉ là vô vọng... Chiến tranh kết thúc, người may mắn còn sống sót trở về để gặp lại gia đình, người thân nhưng có người mãi mãi nằm lại ở chiến trường và không bao giờ có thể trở về được nữa. Họ đã hòa vào hồn thiêng sông núi, nơi miền cỏ hoa, mây trắng...

7lcbusv5rztc996js-xxl-1726529253.jpeg
Nỗi đau da cam chưa bao giờ chấm dứt, vẫn còn đó. Ảnh: T.L

Tấm di ảnh và nén hương cứ đốt lên vào mỗi ngày... nhất là vào các dịp lễ tết, ngày thương binh liệt sĩ, ngày Quốc khánh, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam... những người còn sống tim lại thêm lần nhói đau, mắt thẫn thờ nhớ về quá vãng...

Và trong muôn ngàn nỗi đau do chiến tranh gây ra còn có nỗi đau giày xéo tâm can con người, chà xát đến tái tê, nhức nhối đó là nỗi đau da cam. Bởi nỗi đau này nó biểu hiện rõ ràng trên thân xác những con người hiện hữu với di chứng bất thường, trở thành nỗi ám ảnh nhói buốt, thê lương.

Hàng chục năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, có một vết thương không rỉ máu nhưng âm thầm gieo nỗi đau thương cho nhiều gia đình, đó là chất độc hóa học da cam/dioxin.

63 năm kể từ ngày hàng triệu lít chất độc hóa học cực độc phun xuống nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam, cho đến nay, sự hủy diệt tàn khốc của những chất độc ấy vẫn còn hiển hiện, âm thầm phá hoại môi trường sống và cướp đi cuộc sống bình thường của nhiều nạn nhân dù đã là thế hệ thứ 4.

Những nỗi đau không thể xóa nhòa

Trong suốt hơn 10 năm (1961 - 1971), quân đội Mỹ và các nước đồng minh đã phun rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ có chứa chất cực độc dioxin xuống các thôn làng, đồng ruộng và rừng cây ở miền Nam Việt Nam, với tổng diện tích hơn 2,6 triệu héc ta. Hành động đó đã để lại những hậu quả nặng nề, dai dẳng đối với cả môi trường và con người, gây nên một thảm họa vô cùng thảm khốc” (Dương Lê).

Hơn 80 triệu lít chất độc hóa học mà Mỹ đã rải xuống trong chiến tranh ở Việt Nam, để rồi những người trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường phải mang trong mình những di chứng da cam. Người trở về sau cuộc chiến, mang trong mình rất nhiều nỗi đau. Có người mãi không bao giờ có con hoặc nếu có thì con của họ cũng bị nhiễm chất độc da cam. Những người trực tiếp tham gia chiến đấu bị nhiễm đã đành, các thế hệ nối tiếp vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đó cũng là nỗi ám ảnh khôn nguôi với biết bao nhiêu người?

Có lẽ là một người lính, từng tham gia chiến đấu trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ nên Đặng Phi Khanh nhận thấy rõ nỗi đau và sự mất mát này. Vì thế anh đã viết bài Nỗi đau da cam như một lời giãi bày thống thiết, sự cảm thông, chia sẻ nỗi thiệt thòi đến “em”/ người mẹ không hưởng trọn được niềm hạnh phúc, khi sinh con bị nhiễm chất độc da cam.

Bài thơ không trực tiếp nói chuyện chiến đấu cho lý tưởng, không trực tiếp ca ngợi sự hy sinh, không nói đến những năm tháng ác liệt ở chiến trường nhưng vẫn gợi ra cho người đọc sự mất mát, thua thiệt của người từng ở chiến trường năm nào trở về và cả “em”/ người vợ/ người mẹ, đứa con không có may mắn như bao nhiêu người khác.

Mở đầu bài thơ là một câu hỏi tu từ: Có nỗi đau nào dài mãi thế không em? Rồi sau đó nhà thơ lại tiếp tục mạch cảm xúc của mình:

Khi đất nước đã khải hoàn chiến thắng

Mà nỗi đau cứ theo em đằng đẵng

Với cuộc đời

Với người mẹ thân thương!

Mỗi trẻ sinh ra chỉ số khác thường

Thương con quá!

Là cuộc đời ngắn ngủi

Em gắng mình vơi đi buồn tủi

Vì tương lai ước...trọn một lần sinh.

Nơi chiến trường những đồng đội hy sinh

Anh may mắn được trở về quê mẹ

Em đã hiểu

nhưng lòng đau hơn thế

Mơ ôm con trong tiếng mẹ ầu... ơi...

Nỗi chờ mong ước vọng một thời

Hạnh phúc lớn đã về tổ ấm

Tháng năm qua tình thương con sâu đậm

Xin một lời nghe con gọi: Mẹ ơi!

Thao thức năm canh vất vả cuộc đời

Hai mươi tuổi con vẫn nằm một chỗ

Người bố, người mẹ nào khi sinh con, ai cũng muốn con mình lành lặn, bình thường như bao nhiêu đứa trẻ khác. Thế nhưng “em”/ người mẹ trong bài thơ này lại sinh ra đứa con không như mong muốn, bởi đứa con ấy đã nhiễm chất độc da cam. Mơ ước có đứa con là niềm hạnh phúc lớn của mỗi gia đình. Ước mơ ấy đối với một người vợ đằng đẵng chờ chồng từ chiến trường trở về lại càng lớn lao và chính đáng hơn bao giờ hết. Tận hiến cho một tình yêu, em hân hoan trong niềm hạnh phúc, cứ ngỡ sau bao đắng cay, trái chín tình yêu sẽ ngọt lành. Khao khát, ước vọng càng nhiều thì nỗi thất vọng lại càng tăng thêm gấp bội phần. Hiểu được điều đó nhân vật trữ tình “anh” đã vô cùng cảm thông và chia sẻ nỗi đau đớn đó với “em”. Sức chịu đựng của người đàn bà thật quá khủng khiếp. Chờ chồng trong khói lửa chiến tranh, ngày trở về niềm vui chưa trọn, bởi em phải làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Thiên chức ấy, người phụ nữ nào sinh ra trên đời này cũng đều nghĩ đến.

Vì tương lai ước...trọn một lần sinh.

Nơi chiến trường những đồng đội hy sinh

Anh may mắn được trở về quê mẹ

Em đã hiểu

nhưng lòng đau hơn thế

Mơ ôm con trong tiếng mẹ ầu... ơi...

Nỗi chờ mong ước vọng một thời

Hạnh phúc lớn đã về tổ ấm

Em đã đi qua tuổi mình trong những thắc thỏm, định phận, lo âu về  tình yêu và hạnh phúc vẹn tròn. Vì thế khao khát hạnh phúc, khao khát về tổ ấm lại càng mãnh liệt.

Mơ ôm con trong tiếng mẹ ầu... ơi...

Nỗi chờ mong ước vọng một thời

Hạnh phúc lớn đã về tổ ấm

Nhà thơ lại có tiếng nấc nghẹn vì một sự thật nghiệt ngã. Đó là tiếng thở dài của lòng mình vì những hoài mong không trọn.

Chất độc Da cam gieo bao nỗi khổ

Giết đời cha

hủy hoại cuộc đời con...

Tiếng thơ nghe sao mà da diết, não nề. Đúng, chất độc da cam đã gieo bao nỗi khổ! Biết bao gia đình, bao nạn nhân chất độc da cam trên dải đất cong cong như hình chữ S này đang đối mặt với bao khó khăn thách thức. Bởi chất độc da cam khiến cho nhiều nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật; hàng trăm nghìn nạn nhân tử vong; hàng triệu người khác đang vật lộn hàng ngày với những căn bệnh quái ác...

Những đứa trẻ con nhà người khác lại tung tăng, vui nhộn đến trường, nói cười, chạy nhảy trong vòng tay của mẹ, của cô... Còn con nhà mình chỉ thấy đôi hàng mi chớp chớp. Nghe sao mà thương xót đến tái tê lòng, bởi con sinh ra đã không bình thường, con có biết nói cười, con có biết chạy nhảy, vui đùa bao giờ đâu. Tim mẹ đã nhiều lần thắt lại, và rồi mẹ cũng chỉ biết âm thầm ôm niềm đau ấy và thương con đến kiệt cùng. Bởi đó chính là giọt máu của mẹ của cha. Tiếng gọi thân thương, trìu mến, Mẹ ơi! cất lên từ con, mẹ sẽ ấm lòng và vui sướng biết bao nhiêu. Tiếng gọi Mẹ ơi! , mẹ đã đợi chờ chừng ấy năm tưởng giản đơn, dễ dàng... nào đâu mẹ không bao giờ được nghe con gọi thế. Bao nhiêu chờ đợi, bao nhiêu nỗi mong ngóng đã không thành, con vẫn chỉ là một đứa trẻ mãi không bao giờ lớn, con mãi là một đứa trẻ không bao giờ đi, không bao giờ nói; bởi:

Hai mươi tuổi con vẫn nằm một chỗ.

Nhìn trẻ thơ ríu rít tựa chim non

Vui áo mới, mẹ dìu tay tới lớp

Thấy con mình đôi hàng mi chớp chớp

Như nói lời tha thiết...tự lòng con!

Nhà thơ lại hỏi trong sự giằng xé nội tâm: Có lẽ nào lộc không có chồi non? và đi đến khẳng định nỗi đau này khốc tàn hơn bão táp. Hoàn toàn hợp logic với lẽ thường, bởi nỗi đau trên thịt da có thể theo thời gian sẽ lành, bão táp rồi cũng sẽ qua đi nhưng nỗi đau tinh thần mới là nỗi đau dai dẳng, khó lành và khốc liệt nhất.

Để phần nào làm dịu vơi đi nỗi thua thiệt của em, kết thúc bài thơ dường như nhà thơ lại có phần ưu ái bởi sự bất hạnh, thua thiệt, mất mát, hy sinh của em:

Có lẽ nào lộc không có chồi non?

Để xanh mãi giữa mùa Xuân ấm áp

Nỗi đau này

khốc tàn hơn bão táp

Đất nước dành trọn nghĩa

gửi về em...

Nỗi đau da cam của Đặng Phi Khanh, ngôn từ cuồn cuộn chảy theo dòng cảm xúc, anh viết như rút ra từ máu thịt, tâm can mình. Đó chính là tiếng gọi thẳm sâu trong tâm thức khi nỗi buồn đau chất ngất của định phận, làm nhói buốt tận đáy sâu tâm hồn.

61371034c36e65303c7f-1726529406.jpg
Tác giả bài thơ "Nỗi đau da cam" - Đặng Phi Khanh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: tác giả cung cấp