Niềm đau và nỗi đam mê bất tận của người đàn bà làm thơ gốc Đước – Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

Nguyễn Văn Hoà
Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh được viết bằng cả trái tim của người đàn bà đã đi qua những niềm đau, sự chà xát và cả những hạnh phúc đời thường. Chị đã tạo nên những dấu ấn rất riêng trong thơ và tiếng thơ ấy cũng chính là tiếng lòng của trái tim một người phụ nữ đa cảm.

Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh được viết bằng cả trái tim của người đàn bà đã đi qua những niềm đau, sự chà xát và cả những hạnh phúc đời thường. Chị đã tạo nên những dấu ấn rất riêng trong thơ và tiếng thơ ấy cũng chính là tiếng lòng của trái tim một người phụ nữ đa cảm. Nhà thơ đã lắng kết, chắt lọc những cảm xúc của mình gửi vào từng câu chữ với sự chân thành, hồn hậu. Bởi thế nên tiếng thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh dễ tìm được sự đồng cảm sâu sắc với độc giả.

Sự lao động nghệ thuật cần mẫn với nhiều sáng tạo, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đã tạo nên một dấu ấn riêng, đem đến cho thơ Việt một luồng sinh khí mới. Âm hưởng chính trong thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là những giai điệu trầm lắng, buồn thương nhưng vẫn không thiếu đi vẻ đẹp trong trẻo, ngọt lành, giàu nữ tính và mang đậm sắc thái của một hồn thơ Nam Bộ. Thơ chị thực sự có sức lan tỏa và đi vào được những góc khuất, ngõ ngách tâm hồn bạn đọc, nhất là những độc giả lớn tuổi.

anh-chan-dung-nha-tho-nguyen-thi-anh-huynh-1629945182.jpg
Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

Có hạnh phúc nào lớn hơn khi mình chiến thắng chính bản thân và làm được những điều mình ao ước? Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đã làm được điều mà chị từng ấp ủ. Chị sáng tác và có thơ đăng báo từ những năm tháng ở thời trung học. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đành tạm gác ước mơ. Điều đó không có nghĩa là chị “cai thơ”, chị vẫn âm thầm và lặng lẽ viết, viết bất cứ lúc nào, có khi phải viết vội lên tờ lịch khi đang bán hàng hoặc nấu bếp ..... Mãi cho đến khi 2 con trai học xong Đại học, chị đã đi gần đến tuổi năm mươi mới bắt đầu chính thức in thơ. Với Nguyễn Thị Ánh Huỳnh thì việc in sách như vậy là quá muộn nếu tính từ thời điểm chị bắt đầu cầm bút.

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là nhà thơ người nặng lòng với mảnh đất quê hương. Cần Đước - Long An là nơi chị gửi gắm nhiều mối ân tình sâu nặng nhất. Bởi nơi đó có những người thân yêu của chị đã sống, chiến đấu một cách kiên cường. Để rồi những ký ức đó đã trở thành động lực thôi thúc chị phải viết, phải nói, phải nhắc về họ. Đó như là sự tri ân chân thành nhất của chị. Bài Cần Đước là bản lý lịch ngắn về gia cảnh của chị:
Cần Đước/ má gốc gió/ ba gốc xa từ nắng/ em/ gốc Nam Kỳ/ Cần Đước// đước ơi/ đước mang bầu ở chân/ chồm chồm/ như những chiếc nơm/ úp phù sa/ lấn biển// những kiếp người phiêu bạt/ lặn vô thân phận đước/ buồn vui với bão tố/ ngủ nghê cùng sóng khơi/ giành giật với biển cả/ từng hạt hồng cầu đất/ ăn mặn chát/ uống mặn chát/ nước mắt người/ mang linh hồn đước/ mặn mòi/ đước à/ có tiếng cười lạt lẽ/ nhưng khóc/ không lạt lẽo/ khóc mặn// một hôm/ những cây đước/ bước lên bờ// em - người đàn bà miền Nam/ gốc Đước.

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh cho rằng: “Thơ ca là cứu cánh, tuổi thơ đầy chất thơ, thơ ứa ra như nước mắt lúc khổ đau hay hạnh phúc bất chợt, thơ cứu tôi thoát khỏi cảm giác dồn đuổi, có khi là cơ hội để tâm hồn di cư vào thế giới khác thú vị hơn”. Chị đã xây dựng trong không gian thơ của mình một cách đầy tự tin, thể hiện bản lĩnh của một cây bút thơ biết đào sâu, khám phá và làm mới văn chương.

Người đọc dễ dàng nhận ra trong thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh sự dịu dàng, thủy chung, nỗi đau lẫn niềm đam mê của một người từng trải. Bao yêu thương, nỗi nhớ, sự lo âu, niềm hi vọng cứ bàng bạc trên từng trang thơ của chị.
có người đàn bà/ mê anh kép Út…/ hóa chim bìm bịp/ đêm đêm/ ứa/ một câu Văn Thiên Tường/ rồi chết (Vọng cổ). Tình yêu như là trò đùa của số phận nhưng vì người đàn bà yêu quá đắm say nên sẵn sàng bất chấp tất cả, cho dù đó là cái chết.

Thơ chị có sự đan cài phức hợp nhiều yếu tố, ở đó có hạnh phúc lẫn khổ đau, ở đó có vui - buồn, có sum họp - chia ly…Vì thế, thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là bức tranh đa dạng của đời sống.

Đọc bài thơ Sướng muốn chết có gì đó như lời tự thán, tự trào. Có gì đó nghe như đau đáu, tiếc nuối, xót xa. Có gì đó như là trách móc nhẹ nhàng. Nhưng hình như đâu đó cũng có niềm an ủi, xoa dịu những vết thương lòng, nỗi đời cơ cực của người làm vợ, làm mẹ, làm bà. Em đổi lấy tình yêu “có thật” với muôn vàn những cay đắng, lệ thuộc và ràng buộc chẳng khác nào làm ôsin, làm con ở mùa thu... đến nỗi cái “vui sướng” kia đã đông cứng, chai sạn với thời gian. Bất chợt nghe tiếng chim hót, “em” tưởng mình chưa có chồng!

Cái tôi trữ tình của nhà thơ thể hiện trực tiếp những xúc cảm và suy tư của mình trước hiện thực đời sống. Sự nhàn nhạt của thời gian/ Dan díu với người đàn bà/ Bằng màu mỡ gà lá bàng chớm lửa/ Cảm giác canh suông của vàng mười hoa vông/ Cảm giác đơn điệu của mái ngói nhạt rêu/ Nghe tóc chiều cay khói (Chiều nhạt).

Không ai dám lấy chị là một thơ gợi nên những ám ảnh, day dứt, ở đó có cả sự não nề, xa xót. Phải chăng nhân vật “chị” vì có nhan sắc hơn người mà cuộc đời phải lận đận và cô đơn?
chị xinh nhất làng/ có mười người yêu/ không ai dám cầu hôn/ chị lên huyện/ đẹp nhất huyện/ có trăm người yêu/ chị lên tỉnh/ đẹp nhất tỉnh/ có nghìn người yêu/ chị lên thủ đô/ đẹp nhất nước/ có triệu đàn ông yêu/ nhưng không ai dám cầu hôn/ đàn ông nhìn chị hết hồn/ họ sợ!/ chị bơ vơ/ cắt tóc vô chùa/ chùa không dám nhận/ một hôm buồn/ nhảy xuống sông/ quyên sinh/ nhưng chị vẫn nổi lên/ như phao/ cái đẹp/ không thể chìm/ chị phải sống/ để cô đơn/ vì đẹp.

Người làm thơ bên cạnh nỗi buồn vui của bản thân, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh cũng có những nỗi niềm cảm thông với đồng loại quanh mình. Do vậy trong thơ không hẳn là tất cả viết về mình, nói về mình mà chị hóa thân ở nhiều mảnh đời, nhiều số phận để tỏ bày, để nói lên nỗi lòng của chính họ.
Anh dắt tay em/ Sóng vẫn đánh giữa hai ta :/ - Sóng đôi !// Thân thể em/ Nhấp nhô/ Bởi sóng// Sóng ơi/ Em đâu phải tình nhân tuyệt vọng/ Đâu phải kẻ thù sinh tử của người/ Mà người vẫn đeo đuổi em tới huyệt mộ/ Mà người vẫn truy nã em cả lúc lên giường …// Mai sau/ Em ngủ giấc muôn đời/ Chỉ còn sóng/ Thuỷ chung/ Anh đắp lên mồ em/ Từng sóng cỏ … (Sóng).

Đi qua những năm tháng gian nan, khốn khó nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh thấu rõ những mất mát, tổn thương và sự thiếu hụt nhiều thứ nhất là tình thương, sự san sẻ giữa người và người với nhau.

Qua thơ chị mới có thể chia sẻ được tất cả những gì mà đời thường khó chia sẻ, hoặc không biết tỏ bày với ai. Suốt ba mươi năm anh bảo/ em phải quên mình/ vì chồng con/ Tóc bạc rồi anh lại bảo/ em phải là chính mình/ không là mình chán lắm/ Anh ơi/ em còn mình đâu/… Chính mình của em/ là anh đó" (Chính mình).

Thời gian trong thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh luôn được đo bằng cường độ cảm tính, có khi gắn với một nỗi đau, một câu chuyện buồn hay là một ảo ảnh của quá khứ, thậm chí là những nỗi khổ đau của những người phụ nữ khác.
Không phải chim ảo/ con chim thời gian/ để lại những dấu chân thật thà/ gương mặt đàn bà/ nhầu nhĩ// chim thời gian/ như đại bàng cắp nàng trái đất/ vừa bay vừa dẫm nát mặt người/ rạn gương mặt Tây Thi/ nứt gưong mặt Dương Quý Phi/ con chim/ ăn sắc đẹp đàn bà// anh có phải chim thời gian/ đi qua đời em/ để lại những dấu chân/ biết khóc?// tình yêu/ thích lên trán em/ dấu ấn chim muông/ con cái/ chạm trổ lên mặt em/ vết hằn hoa móng rồng// em biết chạy về đâu/ thời gian tứ phía/ chim chim chim chim…/ đánh lưới em rồi…// kìa bầu trời hạn hán/ có tiếng cười nứt nẻ …/ cứu em với/ con chim thời gian/ bắt em làm tì thiếp/ anh ơi! (Con chim thời gian).

Tặng hết tuổi thanh xuân cho gia đình, để rồi bất chợt nhìn lại chính mình, chị hốt hoảng hỏi bằng một câu hỏi đầy day dứt, tái tê: anh ơi/ em còn mình đâu?/ bốn mươi năm/ em toàn làm người khác/ giờ tìm mình/ ở đâu? (Chính mình). Câu hỏi nghe nhói buốt, nghẹn ngào. Dẫu có là người thân cận nhất, cũng không bao giờ trả lời được!

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh nhiều lúc đã thành thật giãi bày: Mẹ giấu nước mắt vào thơ/ Cám ơn giọt lệ bơ vơ làm người/ Cám ơn khóc núp trong cười/ Cám ơn nước mắt chết rồi còn tuôn… (Cảm ơn khóc).

Nói như vậy để thấy độ lắng đọng, sự chân thành của cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Một cái tôi hồn hậu, nữ tính, luôn hi sinh bản thân mình cho những người thân yêu, vô điều kiện. Thời hiện đại, cuộc sống đủ đầy hơn đồng thời con người dường như sống nhiều hơn với những cảm xúc lo âu, tâm trạng đau khổ. Nên chị đã có biết bao nỗi buồn riêng trước thế thái nhân tình. Đó không chỉ là hiện thân của những nỗi đau trần thế mà còn là sự trở về của chính bản thể. gói/ hai bàn chân cất kỹ vô rương/ sao vẫn đi lạc/ vô cuộc đời nhiều người khác.

Dù có những nỗi đau buồn riêng của bản thân cũng như chị luôn nói hộ nỗi khổ đau của những người quanh chị nhưng không bao giờ đó là sự tuyệt vọng. Trong đau buồn nhưng người thơ - nhân vật trữ tình vẫn luôn vững tin, an nhiên một cách lạ lùng. Đây cũng là nét riêng ở thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Từ những mảnh vụn của đời thường với lối suy tưởng, niềm khao khát mãnh liệt nhà thơ biến những điều có thực trong thực tế thành những hành ảnh sống động, có hồn. Loài mực/ Yêu nhau/ Để chết/ Loài cá hồi/ Yêu nhau/ Để chết/ Loài củi/ Yêu lửa/ Để hóa thành than lạnh/ Người yêu người/ Để hóa/ Bơ vơ (Bơ vơ).

Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là tiếng thơ đa dạng có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Sự kết hợp ấy đã làm cho thơ chị uyển chuyển và dễ gây thiện cảm với bạn đọc. Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh chứa nhiều tầng nghĩa, tạo những hiệu ứng bất ngờ trong việc biểu đạt. Từ tiếng kêu của chim bìm bịp mà gợi cho chị bao nhiêu nỗi niềm. Có phải tiếng chim ấy cũng chính là tiếng lòng của một số phận con người phải trải qua những long đong, thua thiệt?
Ai bịp mày chim ơi/ mà bìm bịp suốt đời/ hay sông Vàm Cỏ bỏ mày/ đi lấy vợ/ hay Đồng Tháp Mười bỏ mày/ đi lấy chồng// bìm bịp/ tiếng chim kêu/ làm góa cả buổi chiều/ cho chị ngủ nốt đêm Cần Đước/ kêu thương chi cho đau lòng nhau/ bật máu cây trạng nguyên/ đốt cháy tán bàng/ cứ bíp bịp hoài/ chị không về Sài Gòn đặng/ sợ chồng ghen// có ai lại lấy tiếng chim bìm bịp làm chồng/ thôi chị phải bỏ đi/ không dám ngủ trọn một đêm với tiếng kêu thương/ tiếng chim có bùa ngải// bìm bịp bìm bịp…/ tiếng kêu vò xé bầu trời/ nghe chim/ có thể chết người/ như không ! (Bìm Bịp kêu thương).

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh làm thơ không phải để triết lý, dạy đời nhưng từ những hình ảnh của đời sống chị đã khái quát một cách tự nhiên vào thơ và nghiễm nhiên nó trở thành những điều mang tính triết lý. Đó là điều tạo nên phong cách riêng của thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Có sự im lặng làm ù tai/ Có những tiếng ồn chữa bệnh điếc/ Có khi nào cây đói chim mà cây chết/ Có khi nào trời đói chim mà trời bỏ đi? (Trời đói chim).
Có nước là có sóng/ Có gió là có sóng/ Có khói là có sóng/ Có người là có sóng/ Không có nước, không có gió, không có khói, không có người…/ Vẫn có sóng// Sóng điện từ, sóng vũ trụ, sóng âm/ Sóng lòng, sóng hư vô, sóng thần, sóng sánh/ Sóng anh đánh vào em/ Như đánh đu/ Như đánh đáo/ Như đánh đàn…(Sóng).

Chị thấy cần viết điều gì nó tuôn ra, chị thích những câu thơ xù xì, thô ráp không quá phô trương, đẽo gọt, hoa mỹ. Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh thường có kết cấu hình thức mang tính tự sự. Nhớ tối nào/ anh hôn em/ bầm dập cả trăng non/ giữa trưa nắng/ anh hôn em/ trời đất tối mù/ trong đêm đen/ không có anh/ em vẫn được hôn/ sáng thức dậy/ chẳng có ai hôn ai/ ngoài ban mai/ đang hôn từng/ giọt sương/ sắp khóc (Nụ hôn).

Khát vọng càng mãnh liệt, ý thức càng sâu sắc thì nhà thơ lại càng thấm thía nỗi đơn độc và chị trở nên hoài nghi: Chiều nhạt/ Chiều cuồng cuồng nắng/ Chiều tốc tốc xanh/ Chợt quầng mây màu bã mía…

Chắt lọc tinh chất, đạt đến sự giản dị cuối cùng là cái đích mà nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh hướng đến. Để làm được điều này đòi hỏi người làm thơ phải có vốn sống, vốn văn hóa và cả năng khiếu nữa. Và Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đã làm tốt điều này. Chị vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật trong thơ, làm bật lên những ý nghĩa đa chiều và sự liên tưởng độc đáo.

Bài thơ Những vàm sông đêm là một ví dụ: Hoàng hôn xắn quần/ lội qua ngày/ những vàm sông se sẽ/ ngồi lên/ nghiêng mình/nước chảy// Những vàm sông sồn sồn/ không mảnh trăng suông/ làm y phục// Đêm/ là người tình bất lực/ nằm ê chề/ bên những vàm sông// Không bờ đê để níu kéo/ không một mái dầm để thở than/ không con cá kèo để lí lắc/ không còn ai ngoài vàm// Anh về phố lấy vợ/ vàm sông ế…/ em theo chồng bỏ quê/ vàm nằm không…// Những vàm sông/ vật vã nuôi từng con tép/ đêm đêm/ đi biển một mình/ sinh nở phù sa/ thành châu thổ// gió thở dài/ đêm ngáp ngáp/ những vàm sông/ ôm buồn tênh/ mà ngủ// Những người đàn bà xứ Nam Kì
chết đi rồi/ hóa những vàm sông đêm?

Hình ảnh, biểu tượng được chắt lọc đến tinh nhất và mang ý nghĩa. Chị đã tạo dựng, xâu chuỗi với những liên tưởng mang tính trùng phức khá ám ảnh. Điều đặc biệt là Nguyễn Thị Ánh Huỳnh không chuộng dùng những câu chữ bóng bẩy mà dùng cách biểu đạt ngắn gọn nhưng lại dung chứa nhiều thông tin.
Có những những câu thơ đầy ám gợi: Người đàn bà và cây cơm nguội/ Cố níu lấy chiều/ Đang nhạt Nhưng/ Đám mây màu bã mía/ Đã hắt chiều đổ đi (Chiều nhạt).

Lời tỏ tình của chị với thế giới, mượn hình ảnh hoa cỏ, cây lá, đồ vật, con người... để gửi vào đó những nỗi niềm trắc ẩn của lòng mình, hồn mình.
Trăng trầm mình/ xuống giếng/ mà trăng không chết/ em gọi nỗi buồn/ là giếng nước/ múc từng gàu nỗi buồn/ em tắm/ tìm vui (Đừng múc cạn nỗi buồn).

Không gian trong thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là không gian mở, đó là không gian của làng quê, thành phố, ruộng đồng, ngôi nhà, khu vườn... Với những khoảng không gian đó nhà thơ đã ký gửi vào đó nỗi niềm, cái nhìn có tính riêng biệt của cá nhân. Nhìn chung, tất cả đều toát lên sự trong trẻo, hồn nhiên, da diết, nặng mối ân tình.
má chôn cuống nhau em/ vào tiếng cuốc/ chiều miệt vườn gió lạc trong cây/ đêm bị thương bởi tiếng đờn cò/ chú Tư vuốt/ ánh trăng thành tiếng nấc/ miệt vườn/ gan ruột ai xuống xề câu vọng cổ (Miệt vườn).

Thơ chị chủ yếu được sáng tác theo thể thơ tự do, không chịu sự ràng buộc của các quy tắc về luật thơ. Do vậy, lời thơ tuôn ra thể hiện sức sống mãnh liệt với nhiều cung bậc, sắc thái tình cảm lúc vui, lúc buồn, khi cô đơn trống vắng, lắm lúc đau đớn, quắt quay.
em đã bắc một trăm cái thang/ mà không trèo lên được đời anh/ tâm hồn anh xa hơn trời”, “anh đã bắc một ngàn cái thang/ mà không trèo lên được tình yêu em/ tình yêu em không ở trên trời/ dù em/ đang ở Đà Lạt” (Bắc thang lên Đà Lạt).

Hạnh phúc và khổ đau, bình yên và lốc xoáy là những đối cực tồn tại trong thơ. Thế nhưng dù ở trạng huống nào người đàn bà trong thơ chị cũng bình tâm, thản nhiên ứng phó. Cách ứng phó của người đã chịu nhiều những va đập của đời. Nhân vật trữ tình em/ người đàn bà trong thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là người biết chấp nhận vượt qua những bất trắc. Tuy vậy, cũng không sao tránh khỏi những giằng xé trong bi kịch nội tâm của nhân vật trữ tình em. Bởi đôi lúc, những lời hứa, lời thề hẹn của “anh” chỉ như là cơn gió thoảng, đám mây bay qua đỉnh đầu!
thời xanh trẻ/ bao lời rủ rỉ/ bao rộn ràng/ ngọt ngào hú hí/ thôi chị nhờ vách núi/ trả lời dùm// rồi từ đó hai người mất tiêu/ dù ai khản cổ kêu/ không một lần vọng lại...// mai này khuất bóng/ chị sẽ biến thành/ vách núi/ để khi các con kêu/ má ơi má ơi/ chị hồi âm/ ời ời ời… (Hồi âm).

Đừng múc cạn nỗi buồn để lại trong lòng người đọc ấn tượng với tứ thơ độc đáo, ám ảnh và đầy da diết bằng lời khẩn cầu của “em”: “Xin anh, đừng múc cạn nỗi buồn”.
Trăng trầm mình/ xuống giếng/ mà trăng không chết/ em gọi nỗi buồn/ là giếng nước/ múc từng gàu nỗi buồn/ em tắm/ tìm vui/ đôi mắt anh/ còn buồn hơn cả giếng/ tình yêu/ ban đầu vui như gàu/ kết thúc buồn như nước/ em đi đâu/ giếng cũng theo đi/ trăng cứ tìm mắt em/ đòi tự tử/ chúng ta lấy nhau/ vì khát/ giếng nước yêu/ đứt sợi dây gàu/ ôi nỗi buồn/ trăng múc lên từ giếng/ em ngó trời/ thấy giếng mọc thành sao/ xin anh/ đừng múc cạn nỗi buồn/ trong đôi mắt em/ để em còn là giếng nước.
Hay có thể là lời trách móc nhẹ nhàng nhưng cũng không khỏi đau đớn, ngậm ngùi:
Anh để quên bên đường/ mùi lá cà độc dược/ em vấn cho mình bao điếu đắng/ rít hoài không giảm cơn đau (Anh là sợi khói).

Hoàn cảnh gia đình có những tác động không nhỏ đến hành trình sáng tạo thơ ca của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Nhà thơ cho biết: Tuổi trẻ của chị sống trong gia đình trí thức gặp nhiều biến động của thời cuộc nhưng cũng đầy chất thơ. Ông nội chị kháng chiến chống Pháp bị kêu án tử hình. Ông và bà nội đã để lại những ấn tượng rất đặc biệt trong đời chị. Và chính người cha rất mực thương yêu các con đã truyền lửa thơ cho chị. Khi mẹ qua đời, lúc này Nguyễn Thị Ánh Huỳnh nghĩ thời gian của đời mình không còn nhiều. Con cái cũng đã trưởng thành, bớt đi gánh nặng gia đình nên chị quay lại niềm đam mê bị bỏ dở. Và những bài thơ đầy chất suy tư, phác họa một cách đa dạng, đa thanh bức tranh đời sống qua cái nhìn của một người thơ đã nếm trải bao vị cay đắng, thăng trầm thời cuộc lần lượt được ra đời.
Ôm trọn vào lòng những vui buồn, khắc khoải, chị tìm đến những góc khuất của tâm hồn và sự sống của tha nhân để cho ra đời những vần thơ đầy da diết, đậm chất trữ tình. Một mai ta thôi bước/ tuổi trẻ dừng phía sau/ xin gởi hồn về cũ/ là gặp ngõ ban đầu (Ngõ nhỏ)

Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là hiện thực cuộc sống, là thân phận con người với nhiều cung bậc: đau đớn, yêu thương, ngột ngạt, đắm say; lúc dữ dội, lúc dịu dàng với một khát vọng sống và khát vọng yêu thương mãnh liệt.
sáng thức dậy/ chẳng có ai hôn ai/ ngoài ban mai/ đang hôn từng giọt sương/ sắp khóc// anh ơi/ đôi môi anh giờ cất đâu/ khi gió cồn cào hôn nước/ ước gì trời rét/ để em được gói đôi môi mình/ vào chiếc khăn len (Nụ hôn).

Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh mang đậm nét nữ tính, bình dị, gần gũi nhưng cũng rất hiện đại. Bằng năng khiếu, vốn sống và cả vốn văn hóa chị đã tổng hòa nhiều phương thức để tạo ra những hình tượng độc đáo trong thơ. Vì thế, thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đã tạo được chỗ đứng của mình trong dòng chảy của thơ nữ đương đại.