Eden Farm

Những tác phẩm nổi bật tái hiện hành trình 50 năm Thành phố Hồ Chí Minh

Độc giả có dịp nhìn lại một chặng đường 50 năm đầy hào hùng, vẻ vang của TPHCM qua các tác phẩm "Di sản Sài Gòn - TPHCM", "Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông", "Sài Gòn - TPHCM - Thành phố của tôi" và "Sài Gòn - TPHCM: Đổi thay qua những khung hình (1975-2025)".
sach-1746083159.jpeg
4 tác phẩm được NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu tới độc giả dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

1.Tập sách ảnh song ngữ Việt - Anh "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon - Ho Chi Minh City Heritage)" là tài liệu ảnh mang giá trị lịch sử nhằm tái hiện, tập hợp quang cảnh và nếp sống của con người vùng đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, sách do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay tái bản trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Với độ dày 168 trang, tập hợp hơn 300 bức ảnh quý hiếm của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, bao quát lịch sử - văn hóa - xã hội vùng đất này, qua những khuôn ảnh được giới thiệu trong tập sách, chúng ta thể thấy toàn cảnh vùng đất Sài Gòn từ trên cao. Từ những hình ảnh thành phố thuở ban đầu gắn liền với khung cảnh sông nước, cây xanh, là những công trình kiến trúc như tòa nhà hành chính, dinh thự, trường học, bệnh viện, khách sạn, cây cầu, đường xá, cảng, bến tàu, nhà xưởng, nhà máy, khách sạn, chợ truyền thống, nhà thờ, đình chùa, các phương tiện giao thông…

Đó là những nét văn hóa trong đời sống thị thành như đám cưới truyền thống, đám tang, hát bội, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian, đua ngựa… Nét đặc sắc ẩm thực Sài Gòn từ sang trọng đến bình dân từ quán cà phê sang trọng xuất hiện rất sớm như: quán Café Lyonnais, quán Café Paris, Café de la Musique, Grand Café de la Terrasse, Café des Fleurs... Những gánh hàng rong, các xe bán mì hủ tiếu, gánh hàng nước phục vụ thực khách trên lề đường… với các món ăn hấp dẫn ở miền Nam những thế kỷ trước… Tất cả hòa quện vào nhau, phần nào miêu tả lại bản sắc văn hóa của mảnh đất này.

2. "Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông" do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Trung tâm lưu trữ Quốc gia II chủ trương thực hiện, Trần Hữu Phúc Tiến biên soạn. Tác phẩm giúp người đọc nhận diện những đặc trưng lịch sử đô thị vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa và định vị được thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại. Hay tường thuật lại quá trình Thành phố bước vào thời kỳ hiện đại từ giai đoạn bắt đầu kiến tạo Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông xưa phồn thịnh và đến nay là Thành phố Hồ Chí Minh- một trong những thành phố xinh đẹp, năng động và hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và trên thế giới.

Sách dày 232 trang, gồm 7 chương chính, mở đầu là bài viết Cảm nhận vẻ đẹp của Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông xuyên thế kỷ. Từ các bài viết tổng quan về quá trình quy hoạch và xây dựng Sài Gòn từ 1862-1945 cùng các kiến trúc Pháp - Đông Dương tiêu biểu, tác giả điểm lại các công trình kiến trúc điển hình theo từng khu vực chủ yếu của Thành phố thời ấy. Các bài viết cung cấp rõ ràng, chi tiết từ lai lịch cũng như nét đẹp chính yếu của từng công trình cụ thể thông qua hình ảnh, họa đồ, hình vẽ… 

Qua những phác thảo về đặc trưng đô thị của Sài Gòn xưa - TP.HCM nay, tập sách là những tư liệu quý giúp cho các nhà hoạch định chính sách và chuyên môn tham khảo khi cần chỉnh trang, xây dựng mới Thành phố Hồ Chí Minh trong thế kỷ 21, đồng thời giúp cho các thế hệ sau nhận diện giá trị của bản sắc lịch sử để vững vàng phấn đấu trên lộ trình phát triển tương lai, sẽ góp phần đưa Thành phố vươn xa hơn đến vị thế "thành phố quốc tế".

3."Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố của tôi" là những bài viết được tuyển chọn từ cuộc thi viết "Thành phố của tôi" với sự phối hợp của Báo Phụ nữ Thành  phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm là những câu chuyện đời người gắn bó từ Sài Gòn đến Thành phố Hồ Chí Minh, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm vẫn nồng ấm tình người, thương nhau mà sống.

Tập sách gồm 28 câu chuyện đậm đà hơi thở cuộc sống như: Sài Gòn trong tôi; Cảm ơn vì đã để tôi bước vào trái tim bạn!; Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh; Sài Gòn cho tôi sống một thời tuổi trẻ tươi đẹp; những bông hoa kiên cường trên đất thép; Đất và người chưa bao giờ bớt hấp dẫn; Sài Gòn - nhìn nhau mà sống; Dễ thở như ở Sài Gòn; Những nhịp đập yêu thương; Thành phố này lạ quá chừng; Những người lo bữa ăn, mái ấm cho người nghèo…

Đôi khi phải cần một đời người để mới có thể cảm nhận đầy đủ hết cung bậc cảm xúc, trải nghiệm nhân sinh ở thành phố này. Cuốn sách này chính là lời kể dành cho bạn nghe về những câu chuyện tình người ấm áp, những cuộc đời đáng sống. Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - một thành phố phát triển không ngừng, thành phố của những hoài bão và khát khao cống hiến của thế hệ đi trước, thế hệ bây giờ và thế hệ mai sau.

4."Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Đổi thay qua những khung hình (1975-2025)" của nhiếp ảnh gia Tam Thái là tác phẩm ghi dấu những khoảnh khắc đổi thay của Thành phố Hồ Chí Minh trong 50 năm qua, gồm 6 chương: Sài Gòn, qua miền ký ức; Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi; Sài Gòn đổi thay; Sài Gòn: Lướt qua vài phố thị mới; Sài Gòn, đô thị đồng quê; Hồn đô thị. Lời đầu tiên, tác giả Tam Thái dành để bày tỏ tấm lòng tri ân và kính dâng các bậc Tiền nhân, đã đến vùng Gia Định - Bến Nghé khai mở đất đai, để cháu con hôm nay hưởng lộc nơi này. Có thể nói, anh là người bền bỉ đi tìm hình bóng thành phố bằng những hình ảnh chân thật, đến nay vừa đủ để tập hợp thành sách.

Bằng những hình ảnh đời thực, tác giả đưa người đọc trở về quá khứ khoảng 50 năm kể từ khi đất nước thống nhất. Khi thành phố vừa bước ra khỏi thời kỳ chiến tranh, chính thức sống trong bầu không khí hòa bình độc lập, hòa mình cùng non sông thống nhất. Sài Gòn chính thức đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, để tượng trưng sự chiến đấu, hy sinh và cương quyết trở về với Tổ quốc của dân Nam bộ, hơn hết là ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam trở thành đất nước độc lập và thống nhất.

Việc làm của thế hệ đã qua, là ký ức của thế hệ hôm nay và việc lưu giữ hình ảnh để kế thừa ký ức là thật sự cần thiết, tác giả tập sách luôn tâm niệm và làm như thế từ nhiều chục năm nay. Nhiếp ảnh, trước hết phải thực hiện và đi vào cuộc sống. Đứng trước đổi thay vũ bão của cuộc đời, làm nhiếp ảnh là làm chứng nhân lịch sử, kịp thời lưu giữ những giá trị hiện hữu trước khi nó biến mất. Hình ảnh đó, là bóng hình quá khứ, gắn kết cho hiện tại và kết nối với ngày mai. Thành phố hôm nay là một quả cầu sinh khí. Quyển sách này góp nhặt những góc nhìn riêng, dẫn chứng qua hình ảnh của tác giả, như một viên gạch, xin được kết nối cùng đại công trường thành phố.

Cuốn sách ảnh về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh được nhiếp ảnh gia Tam Thái thực hiện, nơi ông đã sống từ gần nửa thế kỷ nay. Với sự kiên trì qua nhiều năm, những bước chân đã sải dài cùng những con phố, hẻm để ghi nhận. Đó là những hình ảnh về thành phố mà tác giả muốn cho chúng ta cùng xem để hồi tưởng, khám phá nhiều mặt của quá khứ như còn xa lạ. Đặc biệt hơn, đó là sự quan sát tinh tế, suy ngẫm về sự tiến triển. Tác giả mong muốn mang đến những thông điệp ẩn chứa trong từng hình ảnh giá trị đến với người xem, dành cho những ai yêu quý thành phố, cũng là như là tấm lòng của người con yêu Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.