Nghệ sĩ Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết (SN 1945), là nữ nghệ sĩ cải lương danh tiếng, được mệnh danh là “Cải lương chi bảo” và cũng là tiến sĩ Nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam tại 2 Viện Hàn lâm Anh Quốc và Viện Hàn lâm Bulgaria.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết sinh ra và lớn lên ở “vùng đất tứ linh” An Giang, được tiếp xúc với những ngày hội truyền thống dân tộc từ những ngày còn cắp sách đến trường, nên từ nhỏ Nghệ sĩ Bạch Tuyết đã sớm bộc lộ tài năng ca hát của mình qua những buổi trình diễn văn nghệ của trường.
Mồ côi mẹ từ năm 9 tuổi, cô thiếu nữ mang tên Bạch Tuyết càng ý thức được thân phận cuộc đời mình. Cô luôn chăm chỉ học hành nhưng cũng không quên nung nấu ước mơ nghệ thuật. Không lâu sao, cái tên nghệ sĩ Bạch Tuyết bắt đầu xuất hiện ở những nhà hàng ca nhạc bằng những bài tân nhạc như “Nắng đẹp miền Nam’’, “Làng tôi’’.
Vào những thập niên 60, 70 của thế kỉ trước, loại hình nghệ thuật cải lương chưa bao giờ trở nên sôi nổi và nhộn nhịp như lúc này. Hàng ngàn cái tên được nổi lên như Thành Được, Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Vương, Út Bạch Lan…Và Nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng là một trong số đó. Nghệ sĩ Bạch Tuyết có tiếng hát da diết, truyền cảm lúc bấy giờ như thổi một nguồn gió mới vào nền giải trí cải lương lúc bấy giờ. Cái tên Bạch Tuyết như một viên ngọc sáng được phát hiện giữa bầu trời nghệ thuật.
Thời ấy, mặc dù còn rất nhỏ nhưng Nghệ sĩ Bạch Tuyết được rất nhiều đoàn hát miền Nam săn đón, bởi theo trào lưu văn hóa người dân miền Nam lúc này hễ chiều vừa buông là lui đến các rạp hát như Thống nhất, Quốc Thanh, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo…để nghe hát cải lương.
Do tính ham học từ nhỏ, năm 1960, Bạch Tuyết vào học trường nội trú của các ma – sơ Công giáo. Trong giai đoạn này, bà được dịp tiếp xúc với rất nhiều giới văn nghệ sĩ, trong đó có soạn giả Điêu Thuyền. Như có duyên từ kiếp trước, Bạch Tuyết được soạn giả nhận làm con nuôi của mình. Đây của chính là bước ngoặc góp phần tạo nên “Cải lương chi bảo’’ Bạch Tuyết.
Không lâu sau, Nghệ sĩ Bạch Tuyết được soạn giả Điêu Thuyền cho gia nhập đoàn Kiên Giang. Khi mới bước chân vào đoàn hát, Nghệ sĩ Bạch Tuyết chỉ giữ vai trò những vai đào ba, đào nhì. Nhưng do sự nhiệt tình học hỏi, một phần cũng vì cơ may trời ban, trong một hôm đoàn hát vỡ “Lá thắm chỉ hồng’’, cô đào chính tới trễ, khiến Nghệ sĩ Bạch Tuyết bất đắc dĩ được giao cho vai đào chính Lệ Chi. Do có năng khiếu từ nhỏ cộng với những lần mài dũa, học hỏi từ những anh chị trong nghề, Nghệ sĩ Bạch Tuyết đã diễn xuất một cách xuất thần khiến khán giả không khỏi trầm trồ, khen ngợi.
Cái tên Bạch Tuyết nổi lên như một hiện tượng, bà được Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất với vở “Tiếng hát Muồng Tênh’’. Thành công từ vỡ diễn này khiến cho cái tên Bạch Tuyết đi sâu vào trong tâm trí người yêu thích loại hình nghệ thuật cải lương lúc bấy giờ.
Để mang được niềm vui cho đời, người nghệ sĩ phải phiêu bạt nay đây mai đó. Năm 1962, Nghệ sĩ Bạch Tuyết gia nhập đoàn Bạch Vân. Từ đây, Nghệ sĩ có “đất diễn” và thể hiện hết đam mê và tài năng của mình. Đến năm 1963, khi mới 18 tuổi, Nghệ sĩ Bạch Tuyết nhân giải thưởng diễn viên triển vọng Thanh Tâm. Đây cũng là một trong những giải thưởng danh giá đầu tiên của Nghệ sĩ Bạch Tuyết. Vài năm sau, Nghệ sĩ Bạch Tuyết lại đoạt thêm giải Kim Khánh và được phong tặng “Cải lương chi bảo” – một danh hiệu danh giá cho người nghệ sĩ như Bạch Tuyết.
Những năm 1964 - 1965, Nghệ sĩ Bạch Tuyết về hát cho đoàn Dạ Lý Hương, cùng hợp tác với nhiều soạn giả nổi tiếng lúc bấy giờ. Lúc này, ở Sài Gòn ai ai cũng kéo đến đoàn Dạ Lý Hương để nghe Bạch Tuyết hát. Đặc biệt hơn, nếu có sự diễn xuất kết đôi của nghệ sĩ Hùng Cường thì hôm đó đoàn cháy vé...
Năm 1988, Nghệ sỹ Bạch Tuyết được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2012, Nghệ sĩ Bạch Tuyết tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Đây là những ghi nhận về sự cống hiến không mệt mỏi của Nghệ sĩ Bạch Tuyết cho nền sân khấu cải lương của nước nhà.