Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Người biến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành một Venice cho Sài Gòn

Nhiều du khách rất thích thú khi được thả đèn trời trên kênh, họ cầu nguyện cho hạnh phúc, bình an, may mắn, đổi đời… và họ đã đạt được thành công. Giờ họ trở lại dòng kênh này để tạ ơn. Có người thích quá còn đổi tên kênh thành “Nhiều Lộc”, nghĩa là dòng kênh đã đem lại nhiều may mắn về tài lộc.

Trong bức tranh nhiều màu sáng tối của quy hoạch TP. HCM, có thể nói công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là điểm sáng lớn nhất đáng ghi nhận.

Người biến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành một Venice cho Sài Gòn

Ông Phan Xuân Anh (bên phải) và ông Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours) cùng đoàn khách du lịch trong một tour trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh Việt Linh

Nhà tôi ngay cạnh dòng kênh Nhiêu Lộc, mỗi ngày đi qua dòng nước mát lành trong vời vợi, cảm giác như trở lại ngày xưa, thèm biết bao được trốn học đi chơi. 

Dòng kênh chứng kiến bao cuộc đổi đời của từng phận người, từng vùng đất ấy dường như mình đã thuộc nằm lòng từng mảng cỏ xanh, từng quán cóc bên đường mỗi chiều thả bước dạo chơi.

Vậy mà hôm nay, tôi và các con mình chợt bắt gặp một vẻ đẹp khác của Sài Gòn khi được thả hồn trên chiếc du thuyền ngắm hoàng hôn. Cảm giác như mình đang ở một cảnh giới khác, một ánh sáng khác, một làn gió khác.

Đời kênh và đời người tưởng chừng… đen mãi

Khởi nguồn từ quận Gò Vấp, chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, 10, 3, 1 và đổ ra sông Sài Gòn ở Bình Thạnh, đoạn giao với sông Sài Gòn ở Ba Son, toàn bộ dòng kênh dài 9.470 mét ấy chứa đựng trong lòng biết bao thăng trầm của thời cuộc, gắn liền với lịch sử phát triển của Sài Gòn.

Ngày xưa dòng nước trong xanh, ghe thuyền qua lại, người dân hai bên bờ thường bắt cá, hái rau, lấy nước từ kênh. 

Kênh Nhiêu Lộc không chỉ là nơi lấy nước, thoát nước và lưu thông mà còn là phòng tuyến quân sự quan trọng. Năm 1772, Nguyễn Cửu Đàm đắp lũy Tân Hoa (còn gọi là lũy Bán Bích) ngăn họa xâm lăng từ Xiêm La. 

Lũy này kéo dài từ chùa Cây Mai, vòng qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Mỹ, con kênh này cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh tạo nên chiến công vang dội.

Nhưng bắt đầu từ năm 1960, cùng với những biến cố lịch sử, những cuộc di dân ồ ạt, người dân các vùng khác vì bom đạn chiến tranh, vì cuộc mưu sinh đã chạy đến dòng kênh này che tạm mái lá trốn mưa tránh nắng, gầy dựng lại cuộc đời. Biết bao trang viết, tiểu thuyết, phim ảnh… đã dựng lại lịch sử của dòng kênh thông qua những phận người tha phương đầy đau xót.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn từng sáng tác bài hát có đoạn "Dòng nước đen hững hờ trôi, nhìn đâu ánh sáng cuộc đời trong xóm nghèo lao động xơ xác. Đường tối tăm quanh năm bùn lầy”.

Dòng kênh đã sản sinh ra những nghề có một không hai trong lịch sử thành phố, như nghề bắt trùng chỉ, nghề lượm ve chai, nghề nhặt rác... 

Đời sống tạm bợ, chen chúc nhau trong một mái nhà chật chội, mọi thứ rác đều thả hết xuống dòng kênh khiến cho tình trạng ô nhiễm kênh ngày càng trở nên nặng nề, dòng kênh “chết” ngày càng ô nhiễm, nước đen kịt, mùi thối bốc lên nồng nặc, không tôm cá nào còn sống nổi, chỉ còn trùng chỉ. 

Ông Phan Xuân Anh, người biến kênh Nhiêu Lộc thành một “Venice” cho Sài Gòn

Nếu ai đã từng xem bộ phim dài tập “Xóm nước đen”, hẳn sẽ nhớ mãi những con người vươn lên trong nghịch cảnh. Có một chàng trai mà tôi quen giờ trở thành “Cha đẻ” của máy bay không người lái, ít ai biết anh xuất thân từ đứa trẻ nhặt rác, lượm ve chai và bắt trùng chỉ ở kênh Nhiêu Lộc - đó là TS. Lương Việt Quốc. Chín chị em anh từng sống chui rúc trong căn chòi 10m2 cất tạm trên rạch, lam lũ, tả tơi, trời mưa nước tuôn khắp chốn. Lạnh lẽo, bẩn thỉu, hôi thối cũng không sợ bằng cái đói!

Chính vì đói mà người ta biết thương nhau hơn. “Xóm nước đen” cũng là nơi còn giữ được tình chòm xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Cái chợ nhỏ trong xóm tôi là nơi tụ họp nhiều của ngon vật lạ từ làng quê với giá rất mềm, đi chợ sớm có thể mua được đồ tươi tốt lành cho bữa cơm đạm bạc. Nên dù hàng quán siêu thị mọc ra như nấm, nhưng người dân xóm tôi vẫn thích đi chợ nhỏ, tiền ít, mà được ăn ngon, được biết đủ chuyện trên trời dưới biển.

Nhà tôi cũng đã từng phải trải qua những mùa “nước nổi” chẳng bao giờ quên. Nước từ cống rãnh hoà với nước từ dòng kênh thúi hoắc trộn cùng nước mưa tràn vào nhà khiến cho bao nhiêu đồ đạc đều ngấm nước hư hỏng hết. Khi sáng thức dậy, một lớp bùn đen kịt cùng rác đọng lại, rửa biết bao nước cũng chẳng hết mùi hôi…

Ấy là chưa kể đến dịch bệnh, tệ nạn xã hội. Đây cũng là ổ xì ke ma tuý, ổ dịch sốt xuất huyết lớn nhất của thành phố. Con gái tôi đã từng nhiễm bệnh sốt xuất huyết, và đã trải qua một cơn nguy kịch. Do dân trí thấp, đời sống thu nhập bấp bênh, xóm “Hủ tiếu gõ” và xóm “trái cây dạo” sát nhà tôi thường xảy ra xô xát, ẩu đả, có khi tiếng chửi nhau, đánh nhau ầm ầm suốt đêm…Lúc ấy, có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến một ngày kênh đen trở thành kênh xanh!

Kênh Nhiêu Lộc bây giờ không chỉ xanh mà còn đẹp lung linh

Trong bức tranh nhiều màu sáng tối của quy hoạch TP. HCM, có thể nói công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là điểm sáng lớn nhất đáng ghi nhận. 

Nó không những chỉ trả lại vẻ đẹp vốn có của một dòng kênh đã bị ô nhiễm hàng trăm năm nay, mà cùng với đó, bao phận người đã có cuộc thay đổi thần kỳ. 

Nó không chỉ làm xanh cho thành phố, mà cùng với đó là suởi ấm niềm tin của người dân trong cơn sóng đen ngòm của hàng loạt những cuộc xét xử, bắt giam các vị lãnh đạo thành phố dính vào tham nhũng, lợi dụng chức quyền chiếm đoạt đất đai…

Từ năm 1985, Thành ủy TP. HCM đã lên chương trình khơi thông kênh Nhiêu Lộc, năm 1988 ban hành Nghị quyết về chương trình cải tạo, chỉnh trang tuyến kênh này, nhưng do thiếu kinh phí nên chỉ làm thí điểm một đoạn 50m rồi ngừng. Năm 1993, dự án tái khởi động, chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một có số vốn là 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của Ngân hàng Thế giới là 5.252 tỷ đồng, vốn từ ngân sách thành phố là 3.348 tỷ đồng, di dời 7.000 hộ dân. 

Về thi công, tổng cộng gồm 33 gói thầu, gồm lắp cống bao, lắp cống thoát nước gom nước thải từ khu dân cư vào tuyến cống bao, xây dựng trạm bơm công suất 64.000 m3/giờ lớn nhất nước, nạo vét hơn 1,1 triệu tấn bùn, đóng hơn 16.000 m kè bê tông hai bên bờ. 

Khởi công vào tháng 3/2003, giai đoạn một của dự án cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành tháng 8/2012, sau gần 10 năm thi công trong sự vui mừng của người dân thành phố. 

Từ khi hoàn thành, dòng kênh đã trở lại trong xanh, hai bên bờ cũng được chăm chút, tôn tạo, hoa tường vi rực hồng bên hoa bằng lăng tím biếc. 

Người biến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành một Venice cho Sài Gòn 1

Thả đèn cầu nguyện trên kênh Nhiêu Lộc. Ảnh Việt Linh

Mỗi năm, thành phố đều dành ngân sách để lấy mẫu nước, mẫu bùn đáy phân tích để đánh giá “sức khỏe” định kỳ cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Từ năm 2001 là mỗi năm hai lần, vào tháng Tư và tháng Chín. Từ năm 2005, số lần lấy mẫu tăng lên bốn lần mỗi năm. Đến năm 2014, số lần lấy mẫu đánh giá là mỗi tháng một lần. 

Kết quả cho thấy, các thông số như nhiệt độ, BOD (lượng oxy hóa hết các hợp chất sinh học), COD (lượng oxy hóa học cần tiêu tốn để oxy hóa hết các hợp chất hóa học), kim loại nặng độc hại trong bùn đáy,... đều từ mức vượt ngưỡng cho phép gần gấp đôi giảm xuống dưới ngưỡng cho phép. Chứng tỏ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang hồi phục rất nhanh.

Có thể quan sát rõ sự phục hồi này bằng mắt thường, trước khi dự án cải thiện môi trường được thực hiện, hầu như không tôm cá nào có thể sống được ở kênh, còn hiện nay các loài động vật thủy sinh đã xuất hiện lại rất nhiều trên kênh, dòng nước trong xanh không còn bốc mùi hôi thối nữa.

Cùng với cải thiện chất lượng nước và môi trường, chính quyền thành phố cũng đầu tư rất nhiều vào công tác chỉnh trang đô thị, thực hiện sáng tạo nhiều mô hình để cải thiện điều kiện sinh sống và kinh tế cho người dân dọc theo khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh đã bắt đầu từ tháng 3/1993. Đến năm 2000, thành phố đã di dời và tái định cư cho khoảng 9.300 hộ dân, sử dụng nguồn vốn từ việc bán hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. 

Thành phố đã chọn các khu đất công rồi huy động doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích xây dựng nhà tái định cư với chính sách giá đặc biệt tại các quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình,... Thành phố còn tạo điều kiện cho người dân bằng cách bán nhà tái định cư trả góp 10 năm. 

Kết quả là một thành công trong việc xóa nhà tạm ven kênh mà các địa phương khác trên cả nước và cả nước ngoài cũng phải thán phục, đến tham quan học hỏi.

Sau khi giải tỏa được hàng ngàn căn nhà tạm, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa dọc hai bên bờ kênh, thể hiện tinh thần hướng về biển đảo quê hương. Làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh, xây dựng công viên dọc theo hai tuyến đường này. 

Đến nay, hai con đường xinh đẹp đã rợp bóng cây xanh với vỉa hè thoáng đãng, trở thành nơi vui chơi, nghỉ ngơi hóng mát và tập luyện thể dục, thể thao cho người dân.

Cuối năm 2015, thành phố bắt đầu triển khai tuyến du lịch đường thủy nội thị đầu tiên trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là hoạt động rất được người dân quan tâm, mong đợi. Lộ trình tuyến du lịch gồm 4,5km đi qua quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận với thời lượng khoảng 1 giờ, bằng thuyền mái Quy và thuyền Phụng nhỏ chèo tay. 

Khách tham quan được phục vụ nước uống, thưởng thức bữa ăn đồng quê với món gà tre và xôi trắng tuyệt hảo, và nghe kể về lịch sử Sài Gòn, trong tiếng đờn ca tài tử và các trò chơi. Tour du lịch này đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của Sài Gòn.

Ông Phan Xuân Anh, người biến kênh Nhiêu Lộc thành một “Venice” cho Sài Gòn

Là dân sống bên dòng kênh này biết bao nhiêu năm, tưởng như đã biết, đã yêu từng góc phố, vậy mà đến bây giờ, tôi mới có dịp được đặt chân xuống thuyền, tận hưởng một tầm nhìn mới mẻ. 

Ông Phan Xuân Anh, người biến kênh Nhiêu Lộc thành một “Venice” cho Sài Gòn 1

Biến kênh Nhiêu Lộc thành một “Venice” cho Sài Gòn. Ảnh Việt Linh

Ông chủ tuyến du thuyền kênh Nhiêu Lộc dường như phải yêu Sài Gòn lắm, nghiên cứu kỹ càng lắm, mới có thể chọn đúng “điểm rơi”, cho du khách được thưởng thức trọn vẹn hoàng hôn sau một chiều mưa. Đó là một hoàng hôn chưa từng. Bởi mưa đã quét đi mọi u ám, phiền muộn, trả lại cho ánh nắng cuối ngày vẻ đẹp nguyên sơ, trong vắt, lấp lánh màu đỏ cam tươi tắn…

Lạ là thuyền lướt đi trên mặt nước không hề gây tiếng động, êm ả như ru. Bên ly rượu vang, buông xuống mọi muộn phiền tất bật, bạn có thể trầm mình vào dòng nước mát lành, tận hưởng ánh hoàng hôn lộng lẫy như thể mình đang ở trong một cảnh giới khác, một tâm thế khác… Gió thổi nhẹ, mọi cảnh sắc hai bên bờ như những bước tranh màu nước thơ mộng lướt đi, lướt đi trong ký ức, gợi nhớ bao ký ức hồi sinh.

“Biến kênh Nhiêu Lộc thành một “Venice” cho Sài Gòn”, ước mơ tưởng xa vời ấy của ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Saigon Boat nay đã thực sự trở thành sự thật. Ít ai biết, ông đã phải trả giá cho biết bao lo âu, phiền muộn, kể cả mất mát, để du khách, người yêu Sài Gòn được biết về vẻ đẹp mới này.

Thổ lộ về những gian truân mà mình đã trải qua, ông Phan Xuân Anh nói: “Đây là công trình ghi dấu ấn đậm nét của các lãnh đạo thành phố trước 2014, niềm tự hào duy nhất của người thành phố đã biến dòng kênh từng ô nhiễm hàng trăm năm, đi ngang qua đây ai cũng sợ, trở thành dòng nước sạch và xanh. Nhưng rất tiếc nhiều vị lãnh đạo thành phố hiện nay chưa bao giờ xuống dòng kênh này.

Cách đây 4 năm, tôi quyết định đầu tư tour du thuyền này. Lúc ấy ai cũng nói tôi… điên! Chỗ hôi thúi vậy chui vô làm gì? Tôi là người gắn bó với thành phố này, cũng từ đây tôi có được công ăn việc làm. Tôi muốn trả ơn thành phố này, làm sao góp phần cho thành phố ngày một đẹp hơn với chuyên môn của mình.

Năm 2004, thành phố vay được 200 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, và nhờ 1 công ty của Mỹ thiết kế cải tạo, vẽ một đường hầm theo kiểu xương cá nằm ở giữa sông, dưới cả dòng nước, với chiều cao 3,2m, ngang 3m, để thoát nước thải từ hai bên bờ kênh. 

Toàn bộ nước thải từ cá ống cống của thành phố đều chui vào đường hầm này để chảy vào nhà máy xử lý nước thải nằm ở cảng Ba Son hết. Từ đó mới có thể cải tạo nước của kênh, biến thành nước mà cá có thể bơi lội tung tăng. 

Có điều đơn vị trúng thầu lại là Trung Quốc, Công ty Trung Quốc lúc đó mới bắt đầu đưa người ra nước ngoài để xây dựng, gồm toàn đảng viên, họ mất 3 con robot để dùng vệ tinh chiếu xuống lòng kênh, nền cuối cùng bị lỗ.

Đây là dòng kênh duy nhất trong cả nước chỉ cần đóng van lại phía Ba Son là có thể giữ nguyên lượng nước đầy, có thể mở lễ hội trên sông, bơi thuyền Kayak, đua thuyền trên sông thoải mái, sau đó lại mở van ra cho nước lưu thông. 

Từ đầu kênh sâu 3m, tới cuối kênh sâu 33m, tưởng tượng như một dòng thác đổ vậy, chui qua sông Sài Gòn qua đến Thủ Thiêm sâu đến 66m. Nhưng rất tiếc đến giờ Thủ Thiêm vẫn chưa xây xong nhà máy xử lý nước thải.

Nhưng sau khi cải tạo rồi, dòng kênh không được khai thác du lịch ngay. Bỏ bẵng đi mấy năm, không ai chăm sóc, người dân vô ý thức xả rác tiếp vào dòng kênh, rồi rác từ sông Sài Gòn chảy vô mỗi ngày hàng tấn khiến cho dòng kênh lại hôi trở lại. Khi tôi xuống đầu tư đau khổ vô cùng.

Ban đầu chúng tôi rất lo ngại vì sợ nước hôi. Mà hôi thiệt. Nói không hôi là nói dối. Làm sao chống lại mùi hôi này? Đơn giản thôi, cứ lựa nước thấp mà đi. Tôi không “chơi” thuyền nhỏ nữa, mà dùng thuyền to, máy mạnh, cứ nước thấp nhất mà cày, để xục bùn lên, giúp cho nước chảy ầm ầm vào sông lớn, khiến bùn rác dưới lòng kênh sạch bách. Nên bây giờ dù nước thấp hay cao cũng không bao giờ nghe mùi. Thế là mình làm được 1 công 2 việc, vừa du lịch, vừa làm sạch nước, cải tạo dòng kênh.

Tôi hỏi lại, các bạn có nghe thấy mùi hôi gì không? Không hề phải không? Tôi cố tình để các bạn đi lúc hoàng hôn, nhất là sau mưa, khi nước đang xuống, độ sâu chỉ còn hơn nửa mét. Vì càng mưa to thì trời sau mưa càng đẹp. 

Nếu các bạn đi từ mùng 1 đến ngày 14, thì mực nước khá sâu, chuyện đi chuyển trên kênh rất bình thường. Nhưng hôm nay là sau rằm rồi, nước rất cạn, để các bạn thấy được sự khác biệt của chiếc thuyền này. 

Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình lòng sông và thực địa, tôi quyết định đóng thuyền đáy bằng, chứ không phải đáy hình chữ V như kiểu truyền thống, nên đi chuyển dễ dàng cả lúc nước cạn, không bị chòng chành, lắc lư, lại chui được qua cầu thấp. Rồi đến đoạn tìm kiếm tài công, máy trưởng, người dắt dây… cũng rất vất vả. 

Một hạn chế khác là trong tuyến có hai cây cầu gầm rất thấp là cầu Điện Biên Phủ và cầu tạm Trần Khánh Dư. Khi thiết kế cầu, thành phố dường như không tính đến khai thác du lịch, nên khổ lắm, vì thuyền chui qua không được, vướng cái ống nước cũ. 

Xin mãi thành phố mới cho tháo cái ống cống, thì ra chẳng có miếng nước nào. Nên mỗi lần qua cầu, chúng tôi phải hạ mui thuyền xuống để khách xuống lòng thuyền thưởng thức bữa ăn nhẹ. 

Đó là chưa kể đến bãi đỗ xe, thành phố chỉ cho chỗ làm bến thuyền, mà không cấp cho bãi đỗ xe, nên khách đến tìm chỗ đỗ xe rất vất vả. Ý của tôi là muốn làm bến tại toà nhà Landmak, nhưng thành phố lại chỉ cho làm ở Thị Nghè. 

Thành phố quan niệm bến là chỉ chở khách từ chỗ này qua chỗ khác, chúng tôi quan niệm khác, bến để làm du lịch mà, phải trên bến dưới thuyền chứ, phải có ăn uống, cà phê, vui chơi hội tụ chứ. Chính vì thế 7 bến trên sông Sài Gòn thành phố bỏ tiền đầu tư rất nhiều mà không khai thác được. Mấy cái bàn trên bến kia chỉ là thùng đựng dụng cụ kỹ thuật thôi à, vì chúng tôi không được phép để bàn ghế trên bến.

Công ty có tất cả 44 chiếc thuyền gồm cả thuyền Phụng và thuyền Quy, tức là thuyền lớn và thuyền nhỏ, để di chuyển được cả thời điểm nước nhỏ và nước lớn, ứng với hai bên bờ của dòng kênh là bên Phụng và bên Quy như vẻ đẹp Sài Gòn xưa. Khi giặc Pháp tấn công vào Sài Gòn, họ cũng bắt đầu từ dòng kênh này, với hai loại thuyền là thuyền Phụng và thuyền Quy. Bên Phụng và bên Quy giờ đã trở thành Trường Sa và Hoàng Sa, hai phố ẩm thực bình dân lớn nhất Sài Gòn. Bên cạnh phố ẩm thực cao cấp lớn nhất Sài Gòn là Phan Xích Long.

Ông Phan Xuân Anh, người biến kênh Nhiêu Lộc thành một “Venice” cho Sài Gòn 2

Biểu diễn nghệ thuật trên du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc. Ảnh Việt Linh

Hiện nay đang mùa Covid-19 nên chúng tôi chủ trương hạ giá xuống 50% để tạo điều kiện cho người dân thành phố và quanh vùng có thể thưởng lãm tour du thuyền này. Còn tour này chủ yếu thiết kế cho khách nước ngoài. Sắp tới, hậu Covid-19, chúng tôi sẽ bán tour này rất tốt cho khách Âu và khách Mỹ. 

Covid-19 mang lại nhiều đau thương cho nhân loại, nhưng cũng khiến cho bầu trời xanh hơn, con người thèm được ra thiên nhiên hơn là ngồi trong máy lạnh, nên khách nước ngoài đang yêu cầu chúng tôi thiết kế tour du lịch mới, đến những nơi đã từng ô nhiễm nhất mà con người đã sửa chữa lại, để dùng tốt nhất. Chúng ta có kênh Nhiêu Lộc và Cần Giờ, một nơi đã từng trải qua chiến tranh, đó là hai điểm đến tốt nhất biểu trưng cho xu hướng này.

Người biến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành một Venice cho Sài Gòn 4

Hoàng hôn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh Việt Linh

Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rất ít người thành phố đi tour du thuyền này, đa số chỉ toàn khách nước ngoài và khách miền Bắc. Nhiều du khách rất thích thú khi được thả đèn trời trên kênh, họ cầu nguyện cho hạnh phúc, bình an, may mắn, đổi đời… và họ đã đạt được thành công. Giờ họ trở lại dòng kênh này để tạ ơn. Có người thích quá còn đổi tên kênh thành “Nhiều Lộc”, nghĩa là dòng kênh đã đem lại nhiều may mắn về tài lộc.

Tôi rất tiếc là nhiều người Sài Gòn lại không biết đến vẻ đẹp này của dòng kênh này. Điều đó với tôi thật sự… đau khổ lắm”.

Nếu bạn muốn ngắm hoàng hôn đẹp nhất vào mùa này, hãy đi lúc sau mưa, khoảng 17h30 phút.