Sách – người thầy, người bạn [69]:

Một câu chuyện tình đẫm đầy nước mắt, đậm chất nhân văn!

Cùng với hai bộ tiểu thuyết đồ sộ, nổi tiếng: Chiến tranh và Hòa bình (1863-1869), Anna Karénine (1875-1877) thì Phục sinh là cuốn tiểu thuyết tình yêu buồn, đẫm đầy nước mắt, thấm đậm tinh thần nhân văn, nhân ái; làm rung động biết bao con tim bạn đọc. Tác phẩm này được đại văn hào Nga Léon Tolstoi viết trang thời gian 10 năm (1889-1899).

Từ thời thiếu nữ, tôi đã đọc nhiều lần Phục sinh, xem phim cùng tên, xúc động trào nước mắt. Năm 2015, nhà xuất bản Văn học ấn hành “Phục sinh” với bản dịch của Vũ Đình Phòng và Phùng Hưng từ bản tiếng Nga.

1-1713086338.png
Bìa  sách "Phục sinh"

Phục sinh là cuốn tiểu thuyết lớn của đại văn hào Léon Tolstoi viết trong 10 năm (1889-1899) với độ dài 645 trang, khổ 15x24cm do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2015- Bản dịch từ tiếng Nga của Vũ Đình Phòng và Phùng Hưng. Câu chuyện xoay quanh mối tình đầy buồn thương, đẫm nước mắt và hành trình “sống lại” trong tâm hồn của hai nhân vật chính. Chàng quý tộc Nekhlyudov và nàng hầu phòng Maslova xinh đẹp ngây thơ trong trắng với đôi mắt to biêng biếc hút hồn các gã đàn ông.

Thời thanh niên sôi nổi, Nekhlyudov là một sinh viên trong sáng hồn nhiên, tươi trẻ. Nhân kỳ nghỉ hè năm thứ ba đại học, chàng đến thăm gia đình hai bà cô ở nơi xa xôi hẻo lánh, yên tĩnh. Nơi đây, chàng gặp Maslova - thiếu nữ trong trắng, nửa con nuôi, nửa hầu phòng của hai bà cô. Hai tâm hồn ngây thơ trong sáng, thầm yêu nhau qua ánh mắt, nụ cười. Ngày chia tay, nàng nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Anh đi nhé... Nàng vụt chạy vào trong nhà để được khóc cho thoả lòng" (Trang 66).

Ba năm sau, chàng là sĩ quan. Trên đường về đơn vị, chàng lại ghé thăm hai bà cô. Tuy nhiên chàng đã thay đổi thành con người khác hẳn: ích kỷ, trác táng, thích hưởng thụ, nhẫn tâm. Trong đêm lễ "Phục sinh” chàng đã chiếm đoạt thể xác Maslova. Sáng hôm sau Nekhlyudov đưa cho nàng tờ Một trăm rúp bóp nhàu trong phong bì rồi chào tạm biệt. Oái oăm thay, sau 12 năm, con người ấy - người đã đẩy nàng vào địa ngục trần gian lại nghiễm nhiên ngồi trên ghế bồi thẩm để luận tội nàng - người đàn bà nhân hậu, nghèo khổ, bất hạnh triền miên. Gặp lại, nhận ra nàng, Nekhlyudov đã từng bước gột rửa, thanh lọc, loại bỏ những rác rưởi, độc ác, đê tiện trong tâm hồn mình. Sau ba lần thăm và cầu xin, Maslova tha tội, chàng đã kiên trì, nỗ lực để cứu nàng ra khỏi ngục tù với ý định kết hôn với nàng. Bởi chàng ước mơ có gia đình nhỏ ấm êm hạnh phúc.

Maslova là một thiếu nữ hồn nhiên, ngây thơ xinh đẹp, quyến rũ, chăm chỉ đọc sách nhưng sớm gặp bất hạnh. Sau đêm Phục sinh, những tai họa liên tiếp giáng xuống đời nàng: Mang thai 5 tháng, bị đuổi khỏi nhà, không nơi nương tựa, không tiền bạc, tiếp tục gặp phải những gã đàn ông đểu cáng, lưu manh, chỉ muốn chiếm đoạt thân xác nàng. Nàng sinh con nhưng không được làm mẹ vì phải vào nơi "làm phúc" nhưng con đã chết. Bước đường cùng nàng sa chân vào chốn lầu xanh - bán thân nuôi miệng. Nàng căm thù cuộc đời, mất hết lòng tin. Nàng hút thuốc lá, nghiện rượu. Bảy năm sống trong địa ngục thê thảm, nàng lặng lẽ chết dần trong đau đớn tủi nhục. Bước sang năm thứ tám, nàng bị kết án khổ sai vì tội đầu độc một khách làng chơi (nhưng thực chất là bị vu cáo). Trong thời gian bị đầy đọa trong trại giam, được tiếp xúc với tù chính trị - những người kỳ diệu đã thức tỉnh tâm hồn nàng. Nàng gặp và yêu Xi môn Xơn - người bạn tù (chính trị). Dù biết, xúc động trước quá trình hồi sinh nhân phẩm, đạo đức, tâm hồn của Nekhlyudov, nàng cương quyết từ chối lời cầu hôn của chàng. Nàng thật đáng yêu, nhân hậu, bao dung biết bao. Nàng không muốn chàng tiếp tục khổ đau vì mình. Nàng cũng khước từ lệnh ân xá của Nga Hoàng. Nàng dũng cảm đi đày ở Siberia - vùng khắc nghiệt nhất của nước Nga bởi vì nàng tin những người tù chính trị trong đó có người yêu nàng chân thành tha thiết - Xi môn Xơn.

Kết thúc câu chuyện tình buồn nhưng bạn đọc không bi lụy bởi hai tâm hồn "chết" đã hồi sinh. Đại văn hào Léon Tolstoi đã khéo léo đưa bạn đọc đi khắp các vùng miền nước Nga, qua các nhà thờ, tòa án, nhà tù tàn bạo của chế độ phong kiến nông nô - tất cả phải thay đổi, phải “phục sinh”.

2-1713086485.png
Tác giả: Nguyễn Hạnh An

Bức tranh toàn cảnh xấu xa, tồi tệ ấy phải được thay đổi. Chế độ xã hội thối nát ấy phải được xóa bỏ để cho nhân dân Nga. Đặc biệt là nông dân được giải phóng, được hồi sinh như mùa xuân tươi đep. Thông qua hai nhân vật chính là Maslova và Nhekhơliuđop, ngòi bút của Léon Tolstoi đã tố cáo tội ác dã man của chính quyền Nga Hoàng; sự thống khổ cùng cực của hàng triệu người nông dân nghèo. Tác phẩm còn đặt ra vấn đề bức thiết: Ruộng đất và nông dân. Tất cả mọi người có quyền hưởng thụ bình đẳng về ruộng đất.

Xuyên suốt tác phẩm, biết bao cảnh buồn thảm, thê lương nhưng bạn đọc vẫn được  Đại văn hào Léon Tolstoi tặng những ánh trăng gắn liền với tiếng chim hót líu lo kỳ diệu. Đó là khát vọng tích cực để nhân vật muốn vươn lên cái thiện, cái đẹp, cái cao cả...

Đọc Phục sinh nhiều lần, nhưng lần nào đọc lại tôi cũng rưng rưng xúc động và thật sự trân trọng, ngưỡng mộ và yêu mến Đại văn hào Léon Tolstoi. Cùng với những tác phẩm kinh điển trong và ngoài nước, đọc sách giúp tôi nâng cao kiến thức và nuôi dưỡng tâm hồn mình. Bởi sách hay như người thầy khả kính, người bạn tốt không bao giờ phản bội ta!

Tác giả: Nguyễn Hạnh An

[nguyenan03121956@gmail.com]