Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Món nợ ân huệ

Thầy ơi, em xin lỗi! Ra trường đi dạy, em đã làm ra gấp trăm ngàn lần số tiền em nợ thầy nhưng em đã không hoàn trả. Em muốn mang món nợ đó để cảnh tỉnh mình trước những cám dỗ - nó là bài học xương máu về lòng tự trọng, về lương tri nhà giáo mà em có ân huệ nhận được từ thầy.
img-2423-1628914369.jpg

Một hình ảnh về thầy mà đến nay vẫn còn lưu giữ.  Nguồn: Tác giả cung cấp

Mùa thu năm 1999, tôi hớn hở đi hiện thực hóa giấc mơ làm cô giáo. Gom hết đồ đạc vào túi, nhét tới mức chật bung, đem cột sau ba ga rồi lọc cọc đạp chiếc xe không thể tàng hơn, vượt gần 20km xuống thị xã nhận trường nhận lớp. Khệ nệ bước vô hành lang nội trú, mấy anh chị nhìn tôi như nhìn một sinh vật ở hành tinh khác tới. Ngay lúc đó tôi không nghĩ gì nhưng sau mới biết, té ra mấy anh chị cười vì trông bộ dạng cô sinh viên năm một rất chi… "Hai Lúa".

Thiệt may, thầy đã đến với tôi như “vị cứu tinh”. Tiết lịch sử thế giới đầu tiên, khi thầy bước vào lớp, con bạn ngồi bên bảo, “mày được diện kiến ông thầy nổi tiếng… nông dân đấy” (“ông thầy nông dân” - rất nhiều sinh viên gọi lén sau lưng thầy như vậy). Tôi không “công kích”, ngược lại vui mừng như kẻ cô đơn gặp người tri kỉ vậy. Từ hôm đầu tiên được học thầy, tôi tự tin khác lạ, tôi thách trêu “sinh viên gốc rạ” đấy. Nông dân thì sao, nông dân mà chăm chỉ, say mê học thuật. Giỏi thì làm “ nông dân” như thầy đi. Rất tự nhiên, thầy đã cho tôi niềm tin, bộ dạng bên ngoài không thể hiện được giá trị của một con người.

Nhìn vẻ ngoài và cách nói năng, ai cũng nghĩ thầy thủ cựu nhưng không, thầy rất cấp tiến. Thầy dạy Sử nhưng sinh viên phát âm không chuẩn, vẫn giữ cái giọng Nẫu rặt trong lớp là thầy chỉnh liền. Tôi cố chấp tự nhủ “chửi cha không bằng pha tiếng”. Như biết được ý nghĩ bảo thủ lầm lạc đó, thầy giải thích: “Níu giữ cội nguồn không phải khư khư ôm hết cả tốt lẫn xấu. Phương ngữ thì vùng miền nào cũng có nét đẹp riêng, cũng đáng trân trọng, bảo tồn nhưng khi giao tiếp với người ở địa phương khác sẽ rất bất tiện nên đừng lạm dụng, đặc biệt khi các em là thầy cô giáo”.  

Nhớ năm đó, trường tổ chức cắm trại, Hà phòng tôi làm thủ quỹ. Ban ngày thu, tối lấy tiền ra đếm, hí hửng bàn tính món này món kia cho lớp. Sáng sớm hôm sau ngủ dậy lấy tiền đi chợ, xấp tiền không cánh mà bay. Mất tiền, Hà khóc thống thiết. Bác bảo vệ nội trú và thầy cô hết lời giảng giải, đề nghị bạn nào lỡ lấy thì im lặng gửi tiền lại ở phòng trực nội trú hoặc trực tiếp đưa cho thầy cô, sẽ không ai biết việc này, thời hạn là hết buổi trưa. Ăn cơm trưa xong vẫn không thấy động tĩnh gì. Chiều hôm đó, có yêu cầu nhất định khám phòng, cô trưởng khoa bảo trường làm không ra thì báo công an điều tra luôn, chuyện này không nhỏ.

- Không phải khám xét gì hết, có một bạn ở lớp thấy Hà bỏ quên xấp tiền trên hộc bàn. Cứ sợ mất nên hay lấy ra xăm soi rồi quên cất. Bạn gửi thầy trả lại em đây, cẩn thận khi giữ tiền nha!!

Cả phòng thở phào nhẹ nhõm. Cách ứng xử này của thầy, chắc chắn sẽ cảm hóa được “ thủ phạm”. Tôi tin chắc vậy.

Còn một chuyện nữa, câu chuyện là bài học đường đời đầu tiên của tôi, bài học về lòng tự trọng.

Sự là cuối học kì I năm nhất, mấy bạn đi nhận học bổng về  bảo: “ Thấy tên cậu cũng có, học bổng loại giỏi, mau lên nhận đi!”. Tôi lắc đầu. Mấy bạn kêu cứ đi nhận đại, trường cho mình mới nhận chứ bộ, mình có sai đâu mà sợ! Tôi liều mạng đi nhận, tay run run khi nhận được một quý học bổng. Ngay hôm sau, tôi có chiếc áo ấm mới, quần rin, áo thun và một bộ áo dài mới đang đợi may chứ không phải rầu rĩ khi mặc bộ áo dài cũ mà mẹ xin lại từ một cô giáo trong xóm nữa.

Tuần sau, tôi bị Phòng giáo vụ gọi lên. Cô phụ trách phát học bổng la : “Tại sao biết nội quy xếp loại học lực rồi mà vẫn cố tình vi phạm? Bị khống chế vì điểm liệt vẫn ung dung đi nhận học bổng loại giỏi. Em như vậy mai mốt dạy được ai!? ”. Trời ơi, tôi xấu hổ tê tái, ngồi cúi gằm mặt xuống đất và khóc. Thấy tôi ngồi khóc sướt mướt, lo lắng vì nghĩ, tiền đâu để trả lại trường đây, nỗi lo đó làm tôi như muốn ngất. Thầy lại ngồi bên cạnh, rất nhẹ nhàng bảo: “Em sai, nhà trường cũng sai. Thầy mong rằng, đây là bài học mà em cần phải nhớ. Chỉ nên hưởng những gì mình xứng đáng được nhận! Thầy sẽ giúp em đưa lại số tiền này cho trường!”. Tôi lắc đầu ngồi khóc, thầy bảo: “Thầy cho mượn, sau này đi làm có tiền trả thầy sau!

Năm 2002, tôi đã trở thành cô giáo, bàng hoàng và xót xa khi nghe tin thầy đã ngủ một giấc dài. Tôi thả rơi viên phấn, chỉ muốn bỏ lớp để đi tiễn thầy một đoạn. Nhưng lời thầy đã thức tỉnh tôi. “Em sẽ là cô học trò không biết nghe lời khi không làm tốt nhiệm vụ người cô đúng không thầy?

Thầy giáo tôi đang kể là thầy Đặng Thái Vân, cựu giáo viên Trường CĐSP Phú Yên (nay là Đại học Phú Yên). Nếu tôi nhớ không nhầm thì thầy là thạc sĩ Lịch sử đầu tiên của đất Phú Yên. Thầy là ông giáo nông dân chính gốc, thầy hay nói như vậy. Không chối bỏ xuất thân rơm rạ, thầy luôn giữ cho mình nét chân chất, mộc mạc của một “trí thức nông dân”. Thầy dặn chúng tôi, những sinh viên nhà quê, đừng chạy theo cái mới, đừng đua đòi mà chối bỏ cái gốc rạ rơm.

Xin mượn mây nhờ gió, mang dùm đến thầy tôi những lời này: “Thầy ơi, em xin lỗi! Ra trường đi dạy, em đã làm ra gấp trăm ngàn lần số tiền em nợ thầy nhưng em đã không hoàn trả. Em muốn mang món nợ đó để cảnh tỉnh mình trước những cám dỗ - nó là bài học xương máu về lòng tự trọng, về lương tri nhà giáo mà em có ân huệ nhận được từ thầy”.

Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.

Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.

Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY