Có mặt tại gia đình cụ bà Hoàng Thị Chuốc trong tiết trời se lạnh của buổi cuối chiều cũng là lúc cụ vừa đi mò ốc ngoài đồng về. Không kịp thay bộ quần áo dính đầy bùn đất, cụ Chuốc vội vàng rót chén nước mời chúng tôi cũng như nhanh chân vào buồng để chăm sóc vệ sinh cho cô con gái Đinh Thị Sen (SN 1974 ) nằm liệt giường suốt 8 năm qua.
Ngồi trên chiếc giường cũ ọp ẹp, cụ Chuốc một tay đỡ ngực chặn cơn ho như xé họng kéo dài cùng với những tiếng thở rít lên một cách khó nhọc đặc trưng của căn bệnh hen xuyễn mãn tính, một tay đút cơm cho con gái bị nằm liệt giường suốt 8 năm qua. Mỗi tiếng ho bật lên thì những hạt cơm lại bắn lên tung tóe. Nhìn con gái, nước mắt người mẹ già lại đầm đìa trên gương mặt già nua nhăn nhúm.
Nhìn mâm cơm của 4 mẹ con, bà cháu chỉ có bát cơm với đĩa muối trắng, chúng tôi không khỏi cảm giác xót xa. Dường như hiểu được cảm xúc của khách, cụ Chuốc phều phào nói: “Hôm nay tôi kiếm được bát canh mồng tơi cho nó ( chị Đinh Thị Sen – 47 tuổi ) dễ nuốt nhưng tôi làm đổ mất rồi, thành thử phải ăn cơm không vậy, biết như vậy là tội nghiệp cho con gái lắm nhưng biết lấy tiền đâu mà mua thức ăn cho em nó và các cháu bây giờ....”
Trong giọng nói ngắt quãng khó nhọc, chị Sen trải lòng về gia đình mình. Năm 2002, chị Sen kết hôn với anh Phạm Văn Cương (sinh năm 1961) trong sự chúc phúc của 2 bên nội ngoại và bà con lối xóm. Không lâu sau, niềm vui nhân đôi khi đôi vợ chồng trẻ chào đón 2 thiên thần đủ nếp đủ tẻ bụ bẫm, kháu khỉnh: Phạm Kiến Thiết (sinh năm 2003) và Phạm Thị Bích Ngọc (sinh năm 2007).
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi vào cuối năm 2008, anh Cương đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh. Không lâu sau đó, vào năm 2013, cơ thể chị Sen xuất hiện những cơn sốt, chứng đau vai gáy kéo dài không rõ nguyên nhân. Phát hoảng, gia đình tất tả đưa chị Sen ra bệnh viện Y học cổ truyền thăm khám, điều trị. Sau hàng loạt những xét nghiệm, các bác sỹ kết luận do phát hiện bệnh muộn nên chị Sen đã bị mắc chứng bệnh liệt toàn thân. Sau một thời gian chữa trị ở bệnh viện quá tốn kém, chị Sen đành ngậm ngùi xin bệnh viện trở về nhà và nằm liệt giường từ đó cho đến nay.
Đưa vạt áo lên chấm những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo, cụ Hoàng Thị Chuốc tội nghiệp nghẹn lòng chia sẻ: “Sau trận sốt, đau vai gáy định mệnh, con bé Sen xinh xắn, khỏe mạnh năm nào, giờ đây chỉ còn là hình hài tiều tụy, nằm liệt giường co quắp, miệng thì biến dạng méo xệch, hai bàn tay cứng đơ với các ngón tay không duỗi ra được”. Chính vì vậy, từ miếng cơm, ngụm nước, cho tới vệ sinh thân thể.....của chị Sen trong suốt 8 năm qua, đều do một tay cụ Chuốc và 2 đứa con của chị Sen chăm sóc.
Vì vừa phải chăm sóc cho con gái nằm liệt giường suốt 8 năm qua, 2 đứa cháu ngoại đang tuổi đến trường; vừa phải bươn chải để trang trải chi phí cuộc sống khiến cụ Chuốc vất vả, chật vật vô cùng. Nguồn sống duy nhất của 4 mẹ con, bà cháu hiện nay đều dựa vào cả tiền hỗ trợ tuổi già của cụ Chuốc, tằn tiện hết mức thì cũng chỉ đủ đong gạo cho cả gia đình sống qua ngày. Chính vì vậy, dù mỗi khi bệnh tuổi già do trái gió trở trời, người mẹ già vẫn phải cắn răng chịu đựng không dám mơ tới bệnh viện. Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những cơn ho tưởng như không dứt của người mẹ già.
Với ống thuốc xịt liên tiếp vào họng, cơn ho tạm dứt, sau một hồi ngồi thở dốc, cụ Chuốc thều thào: “Mỗi lần lên cơn hen xuyễn là tôi không thở nổi, tôi định mặc kệ cho xong chứ sống thế này khổ quá. Không vì nó (chị Sen) và các cháu thì chắc tôi cũng đi theo ông nhà tôi rồi. Tôi chết đi thì sướng cái thân tôi rồi, nhưng còn con gái và các cháu ngoại, ai sẽ lo cho chúng nó đây? Bây giờ tôi chỉ mong ước, ông Trời còn cho sống ngày nào thì được khỏe mạnh, không phải thuốc thang gì, để còn dành dụm tiền trợ cấp mua cho nó và các cháu chút thịt cá là tôi mãn nguyện lắm rồi....”
Tuy hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng thành tích học tập của 2 cháu Kiến Thiết và Bích Ngọc rất đáng nể. Hiện cháu Kiến Thiết đang học lớp 12, cháu Bích Ngọc đang học lớp 9. Suốt nhiều năm học vừa qua, cháu Bích Ngọc luôn đạt thành tích học tập xuất sắc, toàn diện được thầy cô và bạn bè yêu mến, cảm phục. Tuy nhiên, 2 cháu có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng khi sức khỏe của bà ngoại, mẹ đang ngày một yếu đi và tài sản gia đình không có gì đáng giá.
Nhìn về phía hai con đang chăm chú ngồi học nơi góc nhà, chị Sen thều thào khó nhọc: “Mẹ con, bà cháu chúng tôi sống được đến ngày hôm nay là đều nhờ vào người thân, họ hàng cùng lối xóm người cho mớ rau, người cho lon gạo. Nếu một ngày, bản thân tôi có mệnh hệ gì thì không biết hai đứa nó (cháu Kiến Thiết và cháu Bích Ngọc) sẽ nương tựa vào đâu. Hai đứa nó học giỏi và ngoan ngoãn nghe lời mẹ và bà ngoại lắm nhưng chúng nó đang có nguy cơ bị dang dở con đường học tập vì không có tiền đóng học. Nghĩ mà thương chúng nhưng phận làm mẹ như tôi không còn cách nào khác. Đành chịu thôi anh ạ”
Hình ảnh cụ Chuốc lưng đã còng chống gậy dẫn 2 cháu ngoại hàng ngày ra các bờ mương, bờ máng bắt từng con cua, con cá và rau dại về nấu canh đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với người dân xóm 4, xã Đốc Tín. Nhiều hôm thời tiết nắng nóng như đổ lửa 37, 38°C, 3 bà cháu bị người dân nơi đây “đuổi về nhà không cho làm” vì mọi người lo cụ Chuốc say nắng ngất giữa đồng.
Chúng tôi đang ngồi nói chuyện với cụ Chuốc thì cháu Phạm Thị Bích Ngọc (sinh năm 2007) – con gái thứ 2 của chị Sen tần ngần đứng nấp sau cánh cửa nghẹn ngào ngấn lệ: “Nhiều hôm trái gió trở trời, mẹ và bà ngoại lên cơn đau kéo dài mà cháu thấy buồn và thương lắm chú ơi. Những lúc đi học thấy các bạn được bố mẹ đưa đón trong khi thấy mẹ nằm liệt giường nhiều năm qua mà cháu thấy tủi thân, mặc cảm lắm. Cháu chỉ mơ ước học thật giỏi để sau này lớn lên trở thành bác sỹ chữa bệnh cho mẹ và mọi người”.