Không gì đáng giá hơn sự trải nghiệm

David Andrew Marks (SN 1959), người Úc, là chuyên gia tư vấn nông nghiệp; còn Trần Thị Kim Thanh (SN 1978) là nhà sáng tạo nội dung. Tuy có khoảnh cách về tuổi tác và văn hóa nhưng họ vẫn tìm thấy nhau, về chung một nhà và dành cho nhau những điều ngọt ngào nhất.
2kthanh-1707724280.JPG
Vợ chồng anh David Andrew Marks và chị Trần Thị Kim Thanh trong một chuyến du lịch

+ Chuyện tình xuyên biên giới Việt – Úc của anh chị bắt đầu như thế nào?

- Thật ra không có gì nhiều để kể vì hai đứa mình. Gặp nhau lần đầu ở Đường Sách Nguyễn Văn Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2016 khi anh ấy qua Việt Nam công tác ở ngay khách sạn Intercontinental, còn mình thì làm ở đường sách... Đến năm 2018, anh ấy qua Việt Nam làm việc hẳn thì tụi mình mới chính thức quen nhau. Hai năm sau, chúng mình về chung nhà.

+ Khoảng cách vềvăn hóa, anh chị đã học cách đồng hành cùng nhau thế nào?

- Dĩ nhiên có rất nhiều khác biệt chứ không hẳn là bất đồng. Ví dụ như là vợ chồng nhưng luôn nói lời cảm ơn khi hai đứa làm gì đó cho nhau, tối đi ngủ đều nói goodnight, sáng dậy là nói goodmorning. Ban đầu mình thấy khách sáo quá và cũng không quen. Vì anh xã cũng là người dễ chịu và hiểu về sự khác biệt văn hoá nên mình nhớ thì mình nói, không nhớ thì anh xã chẳng hề phàn nàn gì. Còn mình thấy vậy cũng tốt nên thực hành vì khi về Úc nên ứng xử cho phù hợp.

Trong bữa ăn, anh xã tập dùng đũa, mình thì tập dùng dao nĩa. Anh xã đi làm nhiều nơi nên rất dễ thích ứng với việc chia sẻ món ăn trong bàn ăn của người Việt và anh thích kiểu vậy.

Nói chung, vợ chồng mình luôn tự điều chỉnh cho phù hợp, không tranh cãi gì. Nếu trong lòng thấy không thoải mái thì cứ nói thẳng với nhau, thay vì cứ phải suy đoán này nọ.

+ Anh là kỹ sư và chị là truyền thông có trở ngại gì trong cuộc sống?

- Vì mỗi người mỗi nghề nên sẽ có những đặc thù khác nhau. Anh xã mình thiên về khoa học và kỹ thuật nên tính cách trầm tĩnh, kiên nhẫn và làm việc có kế hoạch rõ ràng. Còn mình thì linh hoạt, hay thay đổi kế hoạch. Ví dụ, khi cả hai cùng làm bánh táo, anh xã mình sẽ tuân thủ công thức, còn mình chỉ cần nắm thành phần, tuỳ ý gia giảm khối lượng và thêm vào hương vị mình muốn. Hoặc cả hai cùng lên kế hoạch làm gì đó rồi nhưng mình muốn thay đổi thì phải giải thích được lý do vì sao thay đổi và xem có tối ưu hơn kế hoạch hiện có hay không. Ở nhà thì mình là đứa ồn ào náo nhiệt, còn anh xã thì tập trung và cười thôi à.

+ Hành trình 5 năm về chung một nhà gắn với những chuyến đi?

- Mình nghĩ khi cuộc sống có tình yêu thì mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, đáng sống hơn. Vì tình yêu giúp cả hai nỗ lực mỗi ngày, người này học hỏi từ người kia, và tạo điều kiện cho nhau phát triển. Anh xã đi công tác nhiều, nêu cứ rảnh là mình đi theo du lịch, hoặc anh xã khuyến khích mình học để khám phá bản thân, nâng cao kiến thức. Cả hai cùng tự nỗ lực rút ngắn khoảng cách của sự khác biệt thì tự nhiên yêu nhau nhiều hơn.

+ Nếu sau này có con, anh chị sẽ để lại cho chúng điều gì?

- Không gì đáng giá hơn sự trải nghiệm. Vợ chồng mình không tạo ra của cải vật chất để lại cho con cái, mà mong ước nếu có con, tụi mình sẽ truyền cho con ý thức rèn luyện sức khoẻ, các ứng xử và giá trị của sự trải nghiệm.

(Cre: Tổ Quốc)