Giữa một thành phố không một bóng người qua lại, nhưng đâu đó vẫn xuất hiện những con người vô gia cư, không chốn dừng chân. Trong khi nhà nhà người người đang nơm nớp lo sợ dịch bệnh thì đối với họ dịch bệnh này cũng chả đáng lo là bao. Vì nếu như muốn lo họ cũng chẳng biết lo như thế nào? Và lo ra sao nữa…
“Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay…” Đôi bàn chân kia là những đôi bàn chân không mỏi. Cho dù có dịch bệnh xảy đến hay không đi nữa, thì chúng vẫn hàng ngày sải bước không ngừng nghỉ trên những con đường Sài Gòn. Nhưng hôm nay thì khác, không có những chướng ngại nào cản bước đôi bàn chân kia. Mà thay vào đó là những sự lo toan trong thời kỳ giãn cách.
Rồi đâu đó, vẫn có những đứa trẻ hồn nhiên, chúng chưa biết gì về ngày mai ra sao, chúng chưa biết được thực tế hiện tại đang khắc nghiệt chừng nào. Chúng vẫn cứ sống trên những hoài bão trong những đêm dài ngon giấc trên thành phố đầy ánh đèn đường… Chỉ có người phụ nữ kia là có dáng đi ảm đạm, chắc hẳn còn lo chuyện cơm ăn, áo mặc hôm nay.
Vẫn con phố nhỏ giữa lòng Sài Gòn. Nhưng hôm nay sao lạ quá, không còn bóng hình nào của những chiếc xe máy nối đuôi nhau chạy quanh khắp phố phường, những quán xá đông đúc tiếng rao bán nay cũng lặng im. Chỉ còn mình chú đơn độc ngồi chiễm chệ giữa vệ đường… Liệu những tình cảm của chú lúc này sẽ ra sao, khi cứ một mình cô đơn trong thành phố. Và cũng chẳng biết rằng hôm nay, chú đã ăn gì chưa?
Những cơn mưa chiều như hối hả lắm, hối hả ướt cả những vệ đường. Nhưng vẫn không làm cản được bước chân những con người vô gia cư. Bởi họ xem mái hiện chính là ngôi nhà của mình. Dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp như thế nào, họ vẫn xem nơi nay chính là nhà. Vì đối với họ như lúc này, có tháo chạy đi chẳng nữa, họ cũng chẳng biết rằng mình phải đi đâu và về đâu…
Đồng hành trên con đường Sài Gòn lấm tấm mưa cùng những người con vô gia cư là những anh, những chú giao hàng xuất hiện trên khắp nẻo đường Sài Gòn. Có lẽ các anh, các chú chính là những anh hùng trong mùa giãn cách như thế này. Vì chính nhờ có các anh mà những người dân đang thực hiện theo chỉ thị của chính phủ được cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, không phải lo sợ cơn đại dịch.
“Nín đi em, mai rồi sẽ khác…”. Trên mái hiên nhà của một khu xóm trọ, là hình bóng của những bạn trẻ sinh viên đang có những khát khao cháy bóng, nhưng họ phải chùn bước trước nổi nhớ nhà. Khi nghe thông tin những ca nhiễm ngày càng trở nên phức tạp hơn và số người tử vong ngày càng tăng, khiến cho những bạn trẻ không khỏi đau lòng, suýt xoa. Vì đa số những người mất do Covid-19 đều đáng tuổi những người đấng sinh thành. Làm cho các bạn sao có thể thôi khôn nguôi nghĩ về cha về mẹ. Khi nhìn thấy họ đang sống trong nổi lo sợ của cơn đại dịch nguy hiểm trên toàn cầu. Đến lúc này ta mới thấy được rằng, khi những người thân yêu đến gần hơn giữa ranh giới sự sống và cái chết, ta mới thấy trân trọng họ biết chừng nào. Qua đây ta cũng thấy được một nghịch lý trong cuộc sống mà ai cũng từng mắc phải, đó chính là lúc có thì ta chẳng hề muốn giữ, nhưng khi mất rồi thì ta lại tiếc nuối không nguôi. Đừng để mọi chuyện trở nên quá muộn và đau thương. Hãy bắt máy lên và gọi cho cha mẹ, bởi chính bạn là nghị lực cho họ thêm yêu cuộc sống này.