Tri ân Nhà giáo

‘Hỏi’ - Bài học nhân sinh trước dòng đời bộn bề, tất bật

Hạt Cát Diệu Sinh chỉ là bút danh, chị tên khai sinh là Bùi Cửu Trường, con gái của cụ đồ nho tài tử, nhà văn hóa Bùi Hạnh Cẩn.

Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống văn hóa, thừa hưởng từ gen di truyền của cha nhưng chị lại không đi theo con đường văn chương, nghệ thuật mà theo nghiệp binh và là một thầy thuốc giỏi. Điều lạ là sau khi nghỉ hưu, Hạt Cát Diệu Sinh lại bắt đầu viết, chị viết nhanh, viết nhiều, nhiều đến nỗi chỉ trong thời gian ngắn đã có mấy nghìn bài thơ đăng trên blog cá nhân. Chị làm thơ như để thỏa nỗi đam mê, để ký thác mọi cung bậc nỗi niềm của mình về đời, về người, về tình yêu và tất cả các vấn đề thế sự mà chị nhìn nhận, dự cảm...

“Mấy mươi năm cống hiến cho nghề thuốc, nghiệp binh, ngoại lục tuần, chị mới chạm cái mênh mông của cõi ảo internet, những tưởng chỉ để khuây khỏa tuổi hoàng hôn. Nào ngờ, cứ sau mỗi bình minh lại thấy một vài bài thơ xuất hiện trên trang blog Hạt Cát của chị. Chỉ sau 24 tháng, chị đã viết hơn một ngàn bài thơ trên blog của mình. Đọc những bài thơ ấy, khiến tôi ngạc nhiên bởi sự lấp lánh của ngôn ngữ, sự độc đáo của ý tưởng… Đọc Hạt Cát tôi cứ băn khoăn một câu hỏi: Phải chăng, để có hai bốn tháng viết được hơn ngàn bài thơ đầy ám ảnh kia, là năng lượng từ một cõi siêu nhiên nào đó đã tích tụ trong chị suốt mấy chục năm qua? Hay cái duyên thơ từ trời xanh đã nhập vào đời chị sau tuổi lục tuần? Thơ của Diệu Sinh Bùi Cửu Trường – Sợi chỉ căng ngang giữa đời và đạo.” (Nguyễn Thế Kiên).

hat-cat-dieu-sinh-con-gai-nha-van-hoa-bui-hanh-can-1727106297.jpeg
Hạt Cát Diệu Sinh, con gái Nhà văn hoá Bùi Hạnh Cẩn và tác giả

Như đã nói, Hạt Cát Diệu Sinh làm thơ khá muộn, khi đã ở tuổi lục tuần, chị làm thơ là để thỏa nỗi đam mê ở tuổi xế chiều của đời mình, làm thơ với chị không phải để khẳng định tên tuổi hay vì hư danh ảo nào... Thơ đến tự nhiên, lời thơ cũng tự nhiên, tự nhiên như cỏ cây, hoa lá, mây trời... Thơ chị vì thế cũng rất đời, đó là những nỗi nghiệm suy từ cõi nhân sinh mà chị thu nhận được. Đi qua hành trình của đời người gắn với bao biến cố, thăng trầm của lịch sử và của bản thân nên Hạt Cát có rất nhiều nỗi niềm gửi gắm vào thơ. Những buồn vui, được mất, rủi may... được đi vào thơ như sự trải lòng.

Con người trong thơ Hạt Cát Diệu Sinh là con người hòa nhập, nhưng dường như lúc nào cũng cảm thấy cô đơn và đầy ắp những nỗi lo âu, tự vấn. Đôi lúc, Hạt Cát Diệu Sinh cảm thấy bất lực, nhất là khi chị ở vào tuổi hoàng hôn của đời người. Bài thơ Hỏi của chị là một trong số những bài thơ chất chứa nhiều nỗi niềm của người “có tuổi”. Ở đó là sự khắc khoải, hoài nghi, khi có nhiều thứ chị phải hỏi để cho được tỏ tường. Nhưng hỏi ai? Hỏi mình? Hỏi người? Hỏi nhịp cầu? Hỏi vạn vật? Hỏi bâng quơ?...

Hỏi mình... Mình chả biết đâu

Ra sông mà hỏi nhịp cầu chông chênh

Bụi mưa sớm rớt lạnh tanh

Hững hờ chiều gió quẩn quanh gai rào

Nhà thơ hướng vào khám phá thế giới nội tâm của chính mình. Ngôn từ dâng trào cảm xúc.

Tại làm sao? bởi làm sao?

Chỉ biết hỏi? Nhưng còn câu trả lời thì thế nào? Tự ngẫm, tự tìm câu trả lời cho chính mình mà thôi. Trải nghiệm của cả một đời, chị nhận ra trong cõi trần gian này với bao nhiêu vàng thau lẫn lộn, bao gian dối lọc lừa, và có những sự thật là như thế này đây.

Dại khờ cánh nhạn sa vào lưới giăng

Thượng huyền ngơ ngác ngóng rằm

Hạ huyền nín dấu đăm đăm bóng vàng.

Để rồi chỉ biết than thân, trách phận, đổ lỗi cho hoàn cảnh? Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nhân hóa nhằm làm cho thế giới khách quan ấy mang tâm trạng của con người, thấm đẫm những cảm xúc của con người.

Trách khuya mờ mịt đường sang

Trách đêm con sóng vặn ngang mái chèo

Thuyền mui trơn nhẫy màng rêu

Dám đâu sầm sập cố liều một khi.

Lần thứ tiếp theo, lại hỏi mình nhưng Mình có biết gì... Khi cuộc đời với bao xoay vần, phức tạp. Lời thơ nhẹ nhàng nhưng chứa đựng sự hoài nghi, khi nhà thơ nhận ra mọi thứ diễn ra không mấy tốt đẹp, khi lòng người dường như đã “giá băng”. Có gì đó thất vọng, có gì đó nhói đau, chua chát.

Hỏi mình, Mình có biết gì...

Chát chua dây dớt, ngãi nghì bâng quơ...

Là trung trinh? Là dối lừa?

Lang bang nào thiếu, nào thừa... Ai hay?!

Cái nghi ngờ của người đã dạn dày sương gió, đi qua bao chặng đường chông gai, giông bão để rồi phải thốt lên:

Này trời tỉnh, này đất say

Phẩy tay... Năm tháng đêm ngày.

Thế thôi!

Nhà thơ cảm nhận rõ về bước đi của thời gian và sự hữu hạn của kiếp người. Sự sống con người thật mong manh, ngắn ngủi trước bước đi của thời gian. Ở đó là sự khắc khoải, nuối tiếc, bâng khuâng nhưng có điều là chị đã sẵn sàng đón nhận và biết trước được điều đó. Chắc chắn rồi ai cũng phải trở về với hư không, cát bụi sẽ trở về cát bụi!

Hạt Cát Diệu Sinh, lặng lẽ nghe và ngẫm nghĩ về thế thái nhân tình, tự lắng lòng mình theo từng bước đi của đời sống ở ngoài kia.

Câu thề sặc trắng bụi vôi

Gập ghềnh tròn méo Thiên thai ...

Liệu rằng...! ...

Hạt Cát Diệu Sinh đã nói lên được những điều vi tế nhất, sâu kín nhất của lòng mình ẩn đằng sau những ngôn từ bình dị nhưng lại mở ra trường liên tưởng mới đối với người đọc, người nghe.

Cái hay của Hạt Cát Diệu Sinh đó là lời thơ tự nhiên như cuộc trò chuyện, nhưng đọc kỹ sẽ thấy được thông điệp tình cảm của nhà thơ ẩn giấu sau bề mặt của ngôn ngữ.

Bằng những thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa và câu hỏi tu từ trong bài thơ Hỏi, Hạt Cát Diệu Sinh đã phần nào nhận ra sự hư ảo, bất trắc, cô đơn của kiếp người. Và để rồi nhà thơ luôn thao thức nỗi niềm trắc ẩn, ngậm ngùi, xót xa.

Thơ Hạt Cát Diệu Sinh là sự ám ảnh khôn nguôi về thời gian, về thế sự nhân sinh với bao nhiêu trăn trở, buồn vui lẫn khuất...

Đào văn Lượng

Đào văn Lượng

08:03 25/09/2024

Một bài bình luận Thơ của Nhà thơ Hạt Cát Diễu Sinh thật sâu săc! Chúc mừng Nữ Thi sĩ đầy sáng tạo với những triết lý về cuộc đời gửi gắm vào thơ! ❤❤❤