Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Sách – người thầy, người bạn [09]:

Học theo Bác qua một cuốn sách

Hồ Chí Minh đã kết tinh được những giá trị văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa phương Đông và phư¬ơng Tây mà đỉnh cao là học thuyết Mác - Lênin. Vì vậy, trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn thể hiện là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.

Bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia thực hiện. Tập 4 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, bao gồm những tác phẩm, bài viết, bài nói, điện văn, thư từ... (gọi chung là tác phẩm) của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ ngày 2/9/1945 đến hết năm 1946. Mở đầu tập 4 là Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên bố trước toàn thế giới về kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ thiện chí hòa bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta quyết bảo vệ nền độc lập mới giành lại được sau hơn 80 năm phải sống dưới ách cai trị của đế quốc xâm lược.

ho-chi-minh-2-1-1710774377.jpg
Tập 4 Hồ Chí Minh toàn tập

Nội dung nổi bật của những tác phẩm trong tập 4 Hồ Chí Minh Toàn tập phản ánh nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới, trước muôn vàn khó khăn về kinh tế, quân sự, chính trị, xã hội sau Cách mạng Tháng Tám. Chính ở thời điểm cực kỳ quan trọng và đầy thử thách này, ý chí độc lập dân tộc và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện và tỏa sáng. Người đã nhạy bén và sáng suốt chọn lựa những đối sách đúng đắn, giải quyết kịp thời và có hiệu quả những nhiệm vụ vô cùng phức tạp, khó khăn; bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua ghềnh thác hiểm nguy, tiến lên phía trước.

Trong tập 4 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập có rất nhiều bài viết, bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tôi ấn tượng nhất là bài: “Sao cho được lòng dân?” ở trang 47-48. Trong bài viết này với bút danh Chiến Thắng, đăng trên Báo Cứu Quốc số 65 ngày 12/10/1945, Bác viết: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.

Từ bài viết đó, chúng ta có thể hiểu Hồ Chí Minh muốn đề cập đến công tác dân vận, tư tưởng lấy dân làm gốc. Sau này, đến ngày 15/10/1949, Bác viết bài “Dân vận” gửi cán bộ đảng viên cả nước. Từ đó ngày 15-10 trở thành ngày dân vận cả nước.

Cũng theo lời Bác, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dù đúng đắn, nhưng nếu không được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thì rất khó đi vào hiện thực cuộc sống, “dễ trăm lần dân không cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhưng muốn được nhân dân ủng hộ thì phải thực hiện tốt công tác dân vận, “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Nghĩa là, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gần dân, hết lòng yêu dân, kính dân, hiểu dân, phải: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” .

ho-chi-minh-toan-tap-1710774447.JPG
 

Một trong những nội dung quan trọng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Dân vận không phải là việc riêng của một hai người, một hai ban, ngành, không chỉ là công tác của các đoàn thể vận động quần chúng mà phải là của cả hệ thống chính trị, là “tất cả cán bộ chính quyền. Phương thức đó là sự phối hợp đồng bộ nhất quán giữa quản lý Nhà nước của chính quyền với công tác tuyên truyền vận động phong trào quần chúng của các đoàn thể chính trị nhằm thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng lợi ích, quyền lợi của nhân dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Người phụ trách dân vận hay nói chung toàn thể cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận đều phải theo lời Bác dạy: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”.

Giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận chính là: Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Điều đó có nghĩa là, dân vận tốt sẽ góp phần vào thành công của cách mạng, còn dân vận kém sẽ gây chia rẽ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm tổn hại phong trào cách mạng, đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ. “Nói tóm lại, muốn được dân yên, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, tấm gương làm dân vận mẫu mực của Người luôn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam.

Gần 80 năm trôi qua, bài “Sao cho được lòng dân?” của Bác vẫn mới, vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương mẫu mực của Người về dân vận, là góp phần thiết thực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 Tác giả: Hoàng Hữu Hóa

[hoangbenbk098.com@gmail.com]