Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Hẹn gặp nhé, Sài Gòn sẽ đón bà con trở lại

Thất nghiệp lâu dài, cạn kiệt tiền bạc, cuộc sống bí bách không thể trụ nổi là lý do để người lao động kéo nhau về quê bởi ở đó có cha mẹ, con cái, người thân; có chỗ ở, có cọng rau, con cá, hạt gạo quê nhà.

Chiều 30/9, ngày cuối cùng của đợt giãn cách, nhiều người dân ở miền Tây bám trụ tại Sài Gòn hơn 4 tháng qua đã lũ lượt kéo nhau về quê.

Mong muốn trở về không còn là tâm trạng mà trở thành nỗi khát khao cháy bỏng với bất kỳ ai phải sống cảnh xa quê trong thời điểm này, nhất là với người dân phải rời quê đi làm công nhân hoặc kiếm sống bằng các công việc lao động chân tay như phụ hồ, bốc xếp… hay buôn bán nhỏ lẻ. Họ là những đối tượng có thu nhập thấp, “làm bữa nào xào bữa nấy”. Ngoài đồng tiền chắt chiu gửi về quê để nuôi con, phụ giúp gia đình, họ còn bao nhiêu thứ phải trang trải, trong đó áp lực lớn nhất là tiền nhà trọ, tiền điện nước.

243730891-611280823570198-2955940783689225058-n-1633178388.jpeg
Nhiều người dân miền Tây bám trụ tại Sài Gòn hơn 4 tháng qua nay lũ lượt kéo nhau về quê. Ảnh: Dân Trí

Dịch bệnh hoành hành, xã hội giãn cách kéo dài; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đóng cửa. Với những người lao động tạm cư, rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống bị đe dọa bởi dịch bệnh và cạn kiệt tiền bạc, về quê là phương án khả thi nhất, là mong muốn, nhu cầu cấp bách. Xa quê kiếm sống, mỗi khi rơi vào hoạn nạn, khó khăn, nơi đầu tiên họ nghĩ đến, điểm duy nhất để họ nương tựa chính là quê nhà.

Bạn ở nhà vì giãn cách nhưng tiền trong tài khoản vẫn còn nhiều, hay chí ít vẫn có thể làm online kiếm tiền, có nhà để ở mà không phải thuê trọ… thì nỗi lo lớn nhất của bạn là sợ nhiễm bệnh. Nhưng khi số tiền ít ỏi trong túi vơi dần vì không còn thu nhập, khi bạn đói, bụng quặn thắt cùng tiếng sôi ùng ục của chiếc bụng rỗng…, khi ấy nỗi lo trở thành F0 lùi về phía sau nỗi sợ đói, giống như một người bị đau chân chỉ nghĩ tới vết thương và luôn lo sợ bị ai đó giẫm phải.

Thấu hiểu được điều này, thời gian qua, chính quyền địa phương và hội đồng hương các nơi đã tổ chức nhiều chuyến xe rước đồng bào mình về quê. Tuy nhiên, rất nhiều người không thể chờ đợi để được về theo đường “chính thống”, họ buộc phải “tự phát” về quê bằng xe máy.

Vừa hết thời gian giãn cách đợt trước là đoàn người hướng về phương Bắc, lần này là làn sóng người tràn về phương Nam, cảnh tượng không khác biệt. Vẫn là cảnh nhiều người dân, trong đó có trẻ nhỏ, phải ngủ vạ vật trên đường, bên vỉa hè, gieo vào lòng những ai chứng kiến nỗi niềm không nói hết. 

Dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ tư quá khốc liệt, Sài Gòn rơi vào tâm dịch kéo theo các tỉnh thành lân cận cũng lao đao. Thất nghiệp lâu dài, cạn kiệt tiền bạc, cuộc sống bí bách không thể trụ nổi là lý do duy nhất để người lao động kéo nhau trở về quê, bởi ở đó có cha mẹ, con cái, người thân, có chỗ ở, có cọng rau, con cá, hạt gạo quê nhà… Với những người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và các em nhỏ, quê nhà còn là nơi an toàn nhất.

Mặc dù từng bước thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh, chính quyền cũng nêu ra nhiều lý do để đề nghị và động viên bà con ở lại, nhưng theo nhiều người, họ vẫn muốn về vì không biết chắc những ngày sắp tới sẽ ra sao, khi những gì họ vừa trải qua còn nguyên nỗi ám ảnh. Bất an và không có điều gì chắc chắn là tâm trạng chung của đa số người dân đang lũ lượt kéo nhau về quê. Nhiều người còn thốt lên: “Có chết cũng mong được chết tại quê nhà”.

Cuối cùng, nguyện vọng của người dân cũng được giải quyết. Công an TP.HCM tổ chức đưa người dân về quê bằng xe khách; xe máy cá nhân của họ sẽ được vận chuyển bằng xe tải. Lúc biết tin này, người dân ở chốt kiểm soát huyện Bình Chánh reo hò, yên tâm, trật tự nghe theo sự sắp xếp của lực lượng chức năng. 

Sợ dịch bệnh, sợ thất nghiệp, sợ đói khiến người dân muốn trở về quê nhưng trong thâm tâm nhiều người “buồn lắm, mong thành phố hết dịch để lên đi làm lại”, vì hầu hết họ đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Sài Gòn.

Mong bà con mình về quê an toàn, tuân thủ các quy định cách ly để bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh; bảo vệ sự yên bình cho quê hương.

Sài Gòn sẽ vượt qua cơn nguy biến, từng bước trở lại bình thường. Sài Gòn lại giang rộng vòng tay đón đồng bào các nơi đổ về để cùng nhau học tập, làm việc, phục hồi kinh tế và kiến tạo cuộc sống, bởi không có người nhập cư, cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở thì đâu phải Sài Gòn.