HDV du lịch: Chủ động thích ứng và khơi dậy niềm đam mê nghề trong người trẻ

Tính đến tháng 8/2021, đã trải 20 tháng, đại dịch Covid-19 đã có những tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, du lịch là ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất. Thực tế là doanh nghiệp phá sản và người lao động mất việc. Nhưng khó khăn ấy không cản trở được người trẻ bằng nỗ lực chủ động thích ứng và khơi dậy niềm đam mê nghề.

Covid-19 đến, du lịch tê liệt

Du lịch hiện là một trong những ngành kinh tế đã và đang chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, lãnh thổ. Đối với nước ta, lợi ích kinh tế của du lịch mang lại là rất lớn. Và hiện nay, du lịch trong nước đóng góp cho GDP của cả nền kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm nên đây là lĩnh vực có thể hỗ trợ cho toàn bộ ngành du lịch nói chung.

2021-nctd-cuong-xuhuongdl-1628727089.jpeg
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam luôn tăng đều qua các năm trước làn sóng dịch Covid-19. Nguồn: Tổng cục Du lịch

Trên thế giới: Năm 2019, du lịch đóng góp gần 9 nghìn tỷ USD vào tổng GDP toàn cầu. Tuy nhiên, sang năm 2020, đại dịch đến đã thiệt hại khoảng 3,3 nghìn tỷ USD (tương đương 4.2% tổng GDP toàn cầu).

Tại Việt Nam: Năm 2019, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu du khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), tốc độ tăng trưởng trung bình về khách du lịch quốc tế trong 4 năm từ 2016-2019 đạt khoảng 22%. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động xấu tới tình hình du lịch 7 tháng đầu năm 2021. Tất cả các chỉ số về khách quốc tế, dịch vụ lữ hành, lưu trú đều giảm mạnh. Cụ thể, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 95,7 nghìn lượt người. Hoạt động du lịch ở hầu hết các địa phương gần như bị tê liệt bởi lệnh cấm bay, hạn chế đi lại.

Trong khi đó, Hà Nội và TP.HCM là 2 đầu tàu về du lịch cả nước hàng loạt doanh nghiệp du lịch lữ hành phải đóng cửa, phải giải thể, thậm chí hoạt động cầm chừng, cắt giảm tối đa nhân sự. Trong tháng 7, Hà Nội chỉ ước đón khoảng 17 nghìn lượt khách (giảm 98,6% so với cùng kỳ năm 2020), doanh thu chỉ ước đạt 59 tỷ đồng (giảm 98,3% so với cùng kỳ năm trước). Tại TP. HCM, ngành du lịch cũng lao đao, hàng loạt doanh nghiệp đã phá sản; đến tháng 5/2021, TP. HCM chỉ còn 567/1049 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động.

Thống kê từ UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP, chỉ còn khoảng 50% lượng DN lữ hành đang hoạt động. Trong đó, có đến 90% DN lữ hành vừa và nhỏ, DN chuyên thị trường outbound đã tạm ngưng hoạt động. Từ 1/1/2020 đến 31/5/2021 có tổng cộng 171 DN kinh doanh lữ hành rút giấy phép hoạt động (trong đó có 152 DN outbound và 19 DN lữ hành nội địa).

bieu-do-1628727420.png
Nếu Việt Nam có thể duy trì tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp thì ngành du lịch có thể phục hồi lại vào năm 2024 nhờ du lịch trong nước. Nguồn: McKinsey

Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam cũng chỉ ra, hiện trên cả nước có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc. Song đến nay, hơn 2/3 nhân sự ngành du lịch đã chuyển hướng làm công việc khác và con số này chưa chắc đã dừng lại.

Khơi dậy niềm đam mê

Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận một chuyện rằng đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống thay đổi rất nhiều. Nhiều thứ mất đi, từ thu nhập cho đến thói quen, quan điểm, thậm chí tính cách. Nhưng có một điều mà chắc hẳn sẽ không bao giờ đổi thay được đó chính là đam mê. Nhiều hướng dẫn viên (HDV) phải làm rất nhiều ngành nghề khác nhau để duy trì như bất động sản, bảo hiểm, dạy ngoại ngữ, bán hàng online, thậm chí làm shipper,… và có người không có việc làm về quê trốn dịch.

 
hinh-6-1628728136.png
Chuỗi giao lưu trực tuyến Gen Z Zone ngành du lịch được tổ chức tối thứ bảy hàng tuần đến nay đã thu hút gần 2.500 lượt tham dự.

Tuy nhiên, dẫu làm những ngành nghề chả liên quan gì đến du lịch nhưng nhiều người trẻ vẫn không ngừng dành thời gian “giữ lửa” niềm đam mê nghề. Giữa năm 2020, Vũ Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Hữu Khánh và vài anh em HDV trẻ đã nung nấu ý tưởng thành lập CLB “Diễn đàn nhân lực du lịch”. Mục đích là để nuôi dưỡng nghề, khơi dậy, tiếp sức và tạo động lực đam mê đến người trẻ, trong đó có HS-SV đang theo học các trường ĐH – CĐ – TCCN trên địa bàn TPHCM và cả nước.

Từ vài chục người tham gia, qua nhiều “Chuỗi giao lưu trực tuyến Gen Z Zone ngành du lịch” cũng như nhừng hoạt động của CLB, đến nay, CLB đã thu hút gần 2.500 lượt tham dự đến từ 30 đơn vị doanh nghiệp, trường ĐH-CĐ-TCCN có đào tạo ngành du lịch trên toàn quốc. Các buổi giao lưu có chủ đề đa dạng, khách mời là chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực, nội dung gần gũi, hấp dẫn với “dân trong nghề” như chuyện nghề HDV nội địa/quốc tế, tổ chức sự kiện trong du lịch, kinh doanh và điều hành tour, đến chủ đề “bắt trend giới trẻ” giao lưu cùng Travel blogger để có góc nhìn mới về trải nghiệm du lịch.

HDV Vũ Nguyễn Minh Trí, sáng lập viên cho biết, mùa dịch làm mọi người “mất kết nối” với thế giới bên ngoài. Qua các buổi giao lưu trực tuyến là một cách để mọi người xích lại gần nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách thức hoạt động cùng như nuôi dưỡng đam mê nghề.

hinh-7-1628727287.jpg
Từ khi còn là sinh viên , Vũ Nguyễn Minh Trí luôn nung nấu những ước mơ về việc "truyền lửa" cho thế hệ sau.

“Đặc biệt, thông qua các hoạt động giao lưu trực tuyến, giúp mọi người thấu hiểu trước tình trạng gần 02 năm này nhiều anh em HDV đã chuyển đổi nghề, các bạn sinh viên chuyên ngành du lịch vừa ra trường chưa kịp vào nghề và sinh viên đang theo học đều khá lo lắng trước tình trạng du lịch “đóng băng”, chúng mình xây dựng sân chơi bổ ích với các nội dung trao đổi được chọn lọc sao cuốn hút, gần gũi, sát với đời sống và công việc để người tham dự đều thấy hào hứng.”, Vũ Nguyễn Minh Trí tâm sự.

Theo những người sáng lập, tâm niệm của CLB ra đời là mong muốn tụ họp, gặp gỡ, giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm trong nghề và những chuyện buồn vui mùa dịch. Nhưng sau đó là tiếng nói của sự quan tâm, ủng hộ từ quý anh chị đồng nghiệp, quý thầy cô, chuyên gia trong nghề cũng như các bạn sinh viên tham dự. Đây là nguồn động lực to lớn để tạo nền tảng không gian uy tín để “dân trong nghề” giao lưu, trao đổi học thuật, kinh nghiệm thực tế, tiếp lửa cho người trẻ, HS-SV.

Trong khi đó, HDV Hoàng Nhật Linh đã tự mày mò trong việc sử dụng các phần mềm trên di động, học cách quay, dựng video, chèn các hiệu ứng và các kỹ thuật biên tập khác để video sản xuất ra ngày càng sinh động và thu hút để chia sẻ đến các buổi giao lưu của CLB. “Là người đam mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc, mình mong muốn thông qua các vblog chia sẻ kiến thức để giới thiệu, quảng bá các địa danh, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam đến người xem. Đây cũng là dịp để mình trau dồi và vận dụng kiến thức tích lũy được.”, Hoàng Nhật Linh cho biết.

hinh-1-1628727177.png
Dịch bệnh, dẫu có những khó khăn nhất định nhưng Hoàng Nhật Linh cũng có thời gian mày mò và vô tình trở thành một Youtuber "hot".

Còn với Đào Duy Thắng, Nguyễn Hữu Khánh và nhiều HDV trẻ khác lại tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch, đóng góp sức trẻ cùng thành phố. Các bạn cũng dẫu biết tham gia hỗ trợ khu cách ly tuy vất vả nhưng mình rất vui khi được đóng góp một phần công sức với hy vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh và tất nhiên nếu kiểm soát được dịch sớm thì chúng mình sẽ sớm quay lại với nghề đam mê.

Trước những ảnh hướng của dịch Covid-19, để hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch có thể phục hồi được, tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đã đưa hướng dẫn viên (HDV) du lịch vào diện được hưởng hỗ trợ.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là HDV du lịch quốc tế, HDV du lịch nội địa, HDV du lịch tại điểm có thẻ HDV du lịch còn thời hạn sử dụng, không phân biệt vị trí chức vụ trong doanh nghiệp hoặc tổ chức quản lý khu du lịch, điểm du lịch, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khác quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chính sách hỗ trợ tại địa phương năm 2021.

Khó khăn là vậy nhưng tin rằng bằng nỗ lực chủ động thích ứng và khởi dậy niềm đam mê nghề cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước thì những khó khăn ấy không cản trở những người trẻ/HDV trẻ yêu nghề, giữ nghề và lan tỏa những giá trị của nghề đến với người khác, nhất là đối tượng HS-SV.

Hiện nay cả nước có hơn 27.000 HDV quốc tế và nội địa, trong đó các Sở Du lịch quản lý đội ngũ hướng dẫn viên lớn nhất nước là Hà Nội (5.846 HDV), Đà Nẵng (4.728 HDV), TPHCM (6.105 HDV). Trong khi đó, mỗi năm có thêm 15.000 sinh viên/học viên ra trường (2020) và ước tính có khoảng 2.600 HDV được cấp thẻ.