Tảng đá ngáng đường
Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, trong giai đoạn 5 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020, ngành thương mại điện tử Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc.
Đến năm 2019, có 42.976 tài khoản doanh nghiệp đăng kí trên cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử; 29.370 số lượng website, ứng dụng thương mại điện tử đã được đăng kí và có tới 999 sàn giao dịch điện tử đang được cấp phép hoạt động.
Giai đoạn 2015-2019, số người thạm gia mua sắm trực tuyến tăng từ 30,3 triệu người lên 44,8 triệu người. Doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam giai đoạn tăng từ 4,07 tỷ USD lên 10,08 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, sự việc phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử hiện đang bị cản đường bởi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng gia tăng.
Riêng năm 2019, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, trong đó có tới 2.213 vụ vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.
“Như vậy đa phần cứ kiểm tra vụ việc về thương mại điện tử là có vi phạm. Điều này rất đáng quan ngại. Khi tham gia giao dịch mà quyền lợi bị vi phạm, đương nhiên người tiêu dùng sẽ thiệt hại đầu tiên, sau đó đến doanh nghiệp sở hữu thương hiệu chân chính, nhà nước bị thất thu về thuế và chính bản thân sàn giao dịch điện tử bị ảnh hưởng uy tín”, ông Minh cho biết.
Cũng theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2020, có tới 72% người tiêu dùng cho biết, trở ngại khi mua hàng trực tuyến là do sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo.
“Ví dụ về chương trình khuyến mại 1.000 đồng trong ngày 9/9 vừa qua của các sàn thương mại điện tử, rất nhiều người tiêu dùng bị lừa khi bỏ ra 1.000 đồng để mua hàng nhưng nhận lại là viên sỏi. Đương nhiên số tiền 1.000 đồng không đáng để họ khiếu nại nhưng chắc chắn họ sẽ đặt câu hỏi về trách nhiệm của sàn giao dịch”, ông Minh cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết, hiện các sàn thương mại điện tử như Lazada đều phải đầu tư rất nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống rà soát các sản phẩm vi phạm và kết hợp với cơ quan quản lý để xử lý các tranh chấp, khiếu nại nhằm giữ niềm tin với khách hàng.
Tuy nhiên, đại diện Lazada cũng thừa nhận, hiện các đối tượng bán hàng có rất nhiều chiêu trò để ‘lách’ qua cửa rà soát và kiểm duyệt của cơ quan chức năng hay của các sàn thương mại điện tử.
“Ví dụ việc buôn bán các sản phẩm cấm như súng, thay vì bán cả khẩu súng, họ có thể tách ra bán từng bộ phận của sản phẩm. Hoặc khi mô tả thông tin về sản phẩm, họ cố tình viết lệch chữ “súng” thành “súngggg” hoặc “s.ú.n.g”… để ‘thoát thân””, bà Tú chia sẻ.
Siết chặt trách nhiệm của các bên
Hiện, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử không chỉ làm đau đầu cơ quan quản lý nhà nước mà còn gây khó khăn cho sự phát triển của các sàn thương mại điện tử.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, hiện nay, bất cập khi mua hàng qua sàn thương mại điện tử là khi sản phẩm có vấn đề, người mua khó có thể khiếu nại và đòi quyền lợi từ các gian hàng, bởi mối liên kết giữa sàn giao dịch và gian hàng rất lỏng lẻo.
“Hiện nay rất nhiều người tiêu dùng khiếu nại về Cục Quản lý cạnh tranh, Cục gửi cho các sàn thương mại điện tử nhưng nhận lại chỉ là thư điện tử trả lời tự động, rất ít trường hợp được giải quyết. Nếu được giải quyết thì sàn cũng chỉ khóa tài khoản, gỡ gian hàng vi phạm, không hề có quy định về bồi thường cho người mua. Người mua cũng không biết tìm thông tin người bán ở đâu để khiếu kiện”, ông Tuấn cho hay.
Ngày 7/10/2020, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52 về thương mại điện tử.
Trong đó, Nghị quyết đã thông qua 4 chính sách lớn: Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; Quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.
Theo ông Tuấn, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo sửa đổi nghị quyết 52 cần làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia vào các giao dịch thương mại điện tử, trong đó có cả sàn giao dịch và đơn vị vận chuyển.
Về phía doanh nghiệp thương mại điện tử, ông Tuấn cho rằng, việc đầu tư kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn sẽ phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí đầu tư kiểm soát hàng hóa sẽ rẻ hơn rất nhiều chi phí theo đuổi các vụ kiện tụng với khách hàng khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Vì vậy, doanh nghiệp nên nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa để giữ niềm tin với khách hàng.