Đừng kỳ thị F0, họ là bệnh nhân, không phải là tội đồ

Hoàng Trường
Từ khi bùng dịch đến nay, nghe đến F0, nhiều người nghĩ rằng đó là mối nguy hiểm, và đôi khi còn hơn thế nữa, xem họ như tệ nạn.
cach-ly-f0-tphcm-1626930963.jpg
Cách ly F0 tại TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Xin chia sẻ câu chuyện của một đồng nghiệp chúng tôi tại TPHCM. Bạn rất muốn đi xét nghiệm để biết tình hình sức khỏe, nhưng vẫn chưa dám quyết định. Đơn giản vì, nếu mình dính F0 thì coi như "tiêu đời".

Một chuyện khác, trong nhóm bạn đồng nghiệp của tôi ở Cần Thơ có một bạn bị bệnh phải nhập viện, các bạn khác đều sẵn sàng vào bệnh viện chăm sóc. Nhưng khi bệnh viện bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2 thì không ai dám nhận lời. Ai cũng sợ nếu như mình là F0 thì coi như "tiêu đời".

"Tiêu đời" ở đây không phải là sợ tử vong vì COVID-19, mà vì sự kỳ thị của cộng đồng.

Năm trước, khi mới bùng dịch, những người F0 bị kỳ thị đã đành, nhiều trường hợp là người nhà, thân nhân của bệnh nhân F0 cũng bị kỳ thị. Có không ít hàng xóm muốn xua đuổi họ, lấy các loại vật dụng che chắn cửa sổ nhà mình vì sợ F0 và người nhà F0 đi ngang qua có thể truyền bệnh.

Thậm chí, y sĩ, bác sĩ làm việc ở các bệnh viện, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng bị hàng xóm xa lánh, sợ hãi, không dám nhìn.

Đối với các trường hợp F0, tuy không bị nêu tên, nhưng bị "truy sát". Ở đâu, làm gì, từ chỗ đi chơi, nơi ăn uống, thăm hỏi bạn bè. Thế là tất cả những người liên quan đều bị ảnh hưởng. Không chỉ F0 bị kỳ thị, mà những người liên quan cũng trở thành nạn nhân của sự kỳ thị.

Về sự kỳ thị này, cách chữa trị là thay đổi nhận thức của cộng đồng. Muốn thay đổi nhận thức của cộng đồng thì phải truyền thông đúng hướng, tích cực, có hiệu quả.

Trước tiên, F0 là nhiễm virus SARS-CoV-2, cần cách ly, không tiếp xúc với họ. Họ không phải là tội phạm, không phải là người gây ra tệ nạn xã hội. Nếu họ được điều trị khỏi bệnh, thì là người có sức khỏe bình thường.

Ai cũng có thể là F0, vì bất cứ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của dịch, không ai có lỗi trong chuyện này. Trừ người cố tình lây bệnh cho người khác.

Còn một việc nữa, liệu có cần thiết phải thực hiện mỗi ngày 3 bản tin sáng, trưa, chiều về số ca dương tính. Những bản tin liên tục này sẽ gây lo lắng thêm cho cộng đồng. Chúng ta có thể thay đổi cách thông tin, đó là thông báo vùng dịch, số ca được chữa trị. Số ca lây nhiễm và tử vong cũng cần được tổng hợp như các quốc gia khác, nhưng đó không phải là thông tin được tập trung chú trọng.

Đừng để cho người dân mặc cảm, sợ hãi sẽ bị kỳ thị khi mình là F0, thì mọi người sẵn sàng tham gia xét nghiệm, chính quyền sàng lọc được các ca nhiễm, kiểm soát được dịch tễ.

Để cho F0 bị kỳ thị, nhiều người giấu giếm, che đậy, không dám khai bệnh, không dám xét nghiệm, thì dịch bệnh càng lây lan trong cộng đồng.