Lúc trước, những ngày còn làm thầy, trước khi lên bục giảng, tôi có thói quen không thể nào bỏ là ngồi nhâm nhi một ly cà phê cùng bạn bè để lấy nguồn sống cho ngày mới. Và cũng nhiều lần như thế, tôi có may mắn được nghe những người bạn đồng nghiệp kể những câu chuyện một đời đi dạy mà đau đáu lòng, trong đó, có câu chuyện "cơm áo, gạo tiền".
Quê tôi miền Trung - miền quê còn lắm nghèo khó. Chuyện lo cho miếng ăn qua ngày vốn đã nhọc nhằn huống chi là chuyện học hành. Ấy vậy mà, con em họ đến trường phải chịu bao áp lực, phải "oằn lưng" còng gánh chịu. Nhưng có lẽ kham khổ nhất là những người nông dân nghèo với mấy sào đất ruộng cằn cỗi trậm trầy trậm trật.
Như chuyện gia đình anh chị tôi đến với nhau đã gần 20 năm và có được 2 đứa con. Cháu lớn năm nay vào lớp 10, cháu còn lại sẽ vào lớp 6. Ngoài bát cơm qua ngày, vợ chồng anh còn lo thêm 2 đứa con ăn học. Anh chị nghề nghiệp không có, hai con lại thường xuyên đau ốm. Vì thế, để có tiền chữa bệnh cho con, lo cho cả nhà, những ngày vụ mùa nông nhàn, anh phải lặn lội vào tận Sài Gòn để mưu sinh với nghề bán bánh mỳ đêm. Còn chị ở nhà ngoài chuyện lo cơm nước cho 2 đứa con đi học còn đi cấy lúa thuê cho người ta. Hai vợ chồng làm như vậy nhưng đến đầu năm học phải chạy "quắn đít" lo tiền trường cho con. Mỗi lần đi họp phụ huynh về, anh chị đỏ mặt khi biết mới đầu năm học phải nộp cả khối tiền khiến anh chị tôi nhiều đêm trăn trở. Nhưng vì tương lai các con, anh chị cũng cố ngậm đắng nuốt cay đi vay mượn về đóng tiền trường cho con.
Hay chuyện nhà chú hàng xóm của tôi cũng là một hoàn cảnh tương tự. Chú cũng có 3 đứa con. Hai đứa lớn đang học đại học ở TPHCM. Đứa nhỏ đang là học sinh cuối cấp 3. Cứ đến cuối tháng, vợ chồng cô chú lại lo chạy đôn chạy đáo khắp nơi "lạy vạ" kiếm tiền gửi cho con yên tâm ăn học. Càng ngày số tiền gửi lên phố huyện và gửi vào Nam lại tăng theo cấp số nhân. Nhưng cô chú chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà dặn lòng phải gắng "gồng lưng" dậy sớm hơn và thức khuya một tí để có thêm vài đồng bạc chắt bóp, được đồng nào hay đồng đó.
Một câu chuyện khác đắng lòng hơn. Ông anh bạn tôi có đứa con đang theo học lớp 11 ở một trường điểm trên huyện, nhưng chỉ vì không đi học thêm mà bị cô giáo "trù dập", phân biệt đối xử. Năm lớp 10, cháu là học sinh giỏi, học đều các môn. Sang năm 11, mặc dầu tổng kết điểm trung bình đều cao nhưng duy chỉ có một môn văn là bị khống chế, không đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hỏi ra mới biết, con anh bạn tôi không đi học thêm nên bị thiệt thòi, thường xuyên bị cô giáo "quan tâm", đề kiểm tra dường như không được biết trước...
Còn nhiều lắm những câu chuyện như thế!
Ai cũng biết, trồng người là một nghề cao cả và vinh quang: "Tiên sinh văn học bác nhã, hạnh kiểm thuần chính, chung thủy giáo chức, nhân hàm dĩ mô phạm suy"; "Nếu anh không đốt lửa, nếu tôi không đốt lửa, cuộc đời sẽ ra sao?... Hay cuộc đời sẽ tăm tối ngay cả khi mặt trời chói lọi ở trên đầu."
Đó như một lần nữa khẳng định vai trò của nghề dạy trong việc "truyền lửa" cho học sinh làm sống lại quá khứ hào hùng, cháy bùng ngọn đuốc đam mê và gieo niềm tin tươi sáng vào ngày mai, soi đường, dẫn lối cho các em đi đến ngày vinh quang.
Và cũng từng là một người thầy, tôi lại cảm thấy chạnh lòng về cái nghề mà mình đã từng trót "trao thân gửi phận", chợt canh cánh một niềm trăn trở rằng đến khi nào thì người dân nghèo mới quẳng đi gánh lo "cơm áo, gạo tiền, bạo lực" cho các con đi học, nỗi lo vẫn chồng chất nỗi lo!