Sách – người thầy, người bạn [[48]:

Có tuổi hai mươi thành sóng nước...

Gấp lại trang nhật ký đầy hào hùng với những vần thơ không ngừng vang vọng trong tâm thức, tôi tự hỏi, có bao nhiêu tuổi mười tám đôi mươi đã để lại người thương yêu, để lại gia đình quê hương để vào Nam chiến đấu cho một mùa “thép nở hoa”. Có bao nhiêu tuổi mười tám đôi mươi đã cởi áo thư sinh mặc áo lính, tay cầm vững súng để thế hệ hậu sinh được cầm bút mai sau.

Mỗi độ tháng Tư về, trong lòng tôi, và tất thảy những người con đất Việt đều hướng về cội nguồn lịch sử để rồi quặn lòng nhớ về “một thời hoa lửa” đầy đau thương. Kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ đã trở thành ký ức nhưng miền đất lửa Quảng Trị chưa bao giờ thôi thổn thức bởi những nhịp đập trong lòng đất thiêng thì thầm qua năm tháng. Chỉ mới cách ta vài ba thế hệ, mùa hè đỏ lửa 1972 năm ấy đã có muôn vạn thanh niên mười tám đôi mươi lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc. Như bao chiến sĩ cùng trang lứa, người con Thủ đô Nguyễn Văn Thạc cũng tràn đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến, để rồi anh dũng hy sinh và để lại cho đời một áng văn đẹp đẽ được cất lên từ tiếng lòng một người lính binh nhì nhiều xúc cảm - Mãi mãi tuổi hai mươi. 

anh-bia-mai-mai-tuoi-hai-muoi-1712020048.jpg
Bìa sách 'Mãi mãi tuổi hai mươi'

“Mười tám hai mươi sắc như cỏ”

Dạt trôi theo những dòng ký ức của người trai Hà thành Nguyễn Văn Thạc, tôi cố gắng hình dung những gương mặt thanh xuân can trường thời máu lửa ấy. Các anh, hẳn độ ấy đang tuổi đôi mươi như tôi bây giờ, đang “quen màu áo xanh da trời tháng nắng” đã vội trút bỏ để “trìu mến” khoác lên mình quân phục xanh màu lính. Ánh mắt ngày nào còn tươi lên câu hát, nay đã hằn lên ánh lửa hờn căm. Đôi tay ngày nào còn mải miết trên trang sách, nay đã vội siết chặt căm hờn nơi nòng pháo “bóp nghẹt cổ quân thù”. 

Ngọn lửa sục sôi tuổi 20 của thế hệ thanh niên trí thức Thủ đô năm ấy cháy sáng lên sự hòa quyện của biết bao tình cảm đẹp đẽ chất chứa trong tim. Đó là tình yêu quê hương, đất nước ánh lên trong lòng chàng trai trẻ Hà Nội, đó là tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa - nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao để anh can trường dấn thân nơi trận mạc. Tuổi hai mươi xanh ngát như đất trời, “tuổi hai mươi làm sao không tiếc”, nhưng người trai trẻ ấy đã vượt qua những sợ hãi, tiếc nuối thường tình để “có cái niềm vui mãnh liệt của người chiến thắng, để cắm cờ Tổ quốc trên cả nước thân yêu.” Trong gian nan khói lửa trận mạc, những tuổi hai mươi can trường ấy vẫn ngân vang khúc hát niềm tin về một ngày trở lại Thủ đô yêu dấu, về một ngày đất nước trọn niềm vui.

“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”

Xuyên suốt dòng chảy cuốn nhật ký chiến trường không chỉ là những suy tư sâu sắc về cuộc sống và con người mà còn là những tình cảm cùng những nỗi niềm thầm kín nơi anh gửi đến người bạn gái hậu phương. Tình yêu của anh dành cho người bạn gái chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, có cả nỗi nhớ da diết, có cả lý tưởng và triết lý sống của thế hệ thanh niên trong những năm tháng chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đó là những tiếng lòng, những lá thư “ở hai đầu nỗi nhớ” khi người Bắc người Nam chẳng hay biết có ngày trở lại. Xa nhau lâu ngày có ai mà không nhớ, có chia ly nào mà không thổn thức, nghẹn ngào. Thế nhưng, chia ly lứa đôi để nối liền đất nước, họ sẵn lòng gạt nước mắt, gác lại những tình cảm riêng tư để chiến đấu vì hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng. Tình yêu của một thế hệ “thép nở hoa” ấy dẫu dở dang vì bom đạn kẻ thù nhưng đã trở thành minh chứng đanh thép cho tinh thần nhiệt huyết của lớp thanh niên thời kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại năm ấy: “Khi Tổ quốc cần, ta biết sống xa nhau.”

Điệp khúc “Mãi mãi tuổi hai mươi”

Điệp khúc Mãi mãi tuổi hai mươi sẽ mãi áng ngự trong lòng thế hệ hậu sinh và lớp thanh niên được thừa hưởng nền hòa bình bởi lòng mến yêu và kính phục, bởi sự gặp nhau về hoài bão, sự gần nhau về tấm lòng. Những lời bộc bạch giản đơn và chân thành ấy chứa đựng cả một bầu trời lý tưởng, hoài bão và tình yêu với cuộc sống, con người của lớp thanh niên trí thức Thủ đô lên đường năm ấy. Họ gác lại ước mơ tuổi đôi mươi nơi giảng đường Đại học và để lại một phần tuổi trẻ nơi chiến trường ác liệt, dẫu chỉ một phần thôi, nhưng đó là phần đời tinh hoa nhất, để rồi hóa thân thành hồn thiêng sông núi, sống mãi tuổi hai mươi.

“Đò xuôi Thạch Hãn... ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi, mãi ngàn năm”.

(Trích thơ Lời người bên sông - Lê Bá Dương)

Gấp lại trang nhật ký đầy hào hùng với những vần thơ không ngừng vang vọng trong tâm thức, tôi tự hỏi, có bao nhiêu tuổi mười tám đôi mươi đã để lại người thương yêu, để lại gia đình quê hương để vào Nam chiến đấu cho một mùa “thép nở hoa”. Có bao nhiêu tuổi mười tám đôi mươi đã cởi áo thư sinh mặc áo lính, tay cầm vững súng để thế hệ hậu sinh được cầm bút mai sau. 

anh-ca-nhan-1712020048.jpg
Tác giả bên cuốn sách yêu thích

Mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã chỉ còn là ký ức. Sông Thạch Hãn vẫn cần mẫn làm việc hằng hữu của mình là mang phù sa về xuôi, bến sông Thạch Hãn vẫn còn đó tựa như lời nhắc nhở về “một thời hoa lửa” ác liệt mà ở đó, mỗi tấc đất, mỗi bến sông đều là một cuộc đời có thật, đớn đau, dữ dội mà vang danh đến muôn đời.

Đất nước chúng ta “rũ bùn” đi lên từ những máu lửa đau thương không bút mực nào có thể tả xiết. Chúng ta biết đau thương để biết giữ gìn hòa bình, biết đau thương để trân trọng hơn quá khứ và kế thừa sao cho xứng đáng xương máu cha anh. Lịch sử đối với những người được thừa hưởng sự hòa bình là thế hệ chúng ta, có thể được gác lại, nhưng tuyệt đối không bao giờ được phép lãng quên. Học sử, đọc  sử cũng như một cách để thế hệ hậu sinh quay về quá khứ, để tìm thấy giấc mơ cháy bỏng về một Việt Nam độc lập của lớp người đi trước, để khát khao về một Việt Nam mạnh mẽ, phồn thịnh trong tương lai. Mải miết đôi mắt trên từng trang sách sử, tôi cũng như tìm thấy giấc mơ về một Việt Nam hào hùng của riêng mình.

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Mai

[ngocmai.livevn@gmail.com]

Katie Hoang

Katie Hoang

08:56 16/04/2024

Rất ý nghĩa ạ

Katie Hoang

Katie Hoang

10:40 15/04/2024

Rất ý nghĩa

Vo Giap

Vo Giap

10:39 15/04/2024

sap toi la ngay Giai phong mien nam, doc bai viet thay that xuc dong va biet on

Long Hoang

Long Hoang

10:35 15/04/2024

Một cuốn sách thời chiến rất hay và ý nghĩa dành cho thế hệ trẻ

Văn Đạt Nguyễn

Văn Đạt Nguyễn

19:35 09/04/2024

Mình đã đọc và cũng rất thích cuốn sách này

Hoàng Anh

Hoàng Anh

11:20 08/04/2024

Bài viết rất cảm động và sâu sắc. Cảm ơn tác giả !