Cô Ba Huân (hay chị Ba ) là cách gọi thân thương mà bà con, thương lái miền Tây hay bạn bè, đồng nghiệp vẫn thường nhắc về Nữ Chủ tịch 67 tuổi Phạm Thị Huân – Cái tên đúng như cung cách giản dị và tâm huyết vẫn thường thấy ở “Nữ hoàng trứng sạch” này.
Nhưng mấy ai biết đằng sau hình ảnh người phụ nữ 67 tuổi can trường ấy là một cuộc đời đầy nhọc nhằn. Nếu như không có sự hy sinh và cam chịu chắc không làm nên một Ba Huân như hôm nay.
13 tuổi, cô Ba Huân đã quảy đôi quang gánh lẽo đẽo theo mẹ ra chợ mỗi ngày mau bán trứng gà. Đên năm 16 tuổi, cô Ba thay mẹ một mình ôm đồm sạp trứng ngoài chợ quê. Từ đó, thân gái dặm trường, mình cô Ba phải lặn lội đến từng cánh đồng nuôi vịt ở miền Tây để mua tận gốc, bán tận ngọn. Chỉ vài năm, nhờ chút nhạy bén làm ăn và được bà con tin tưởng, cô Ba gom góp trứng vùng sông Tiền, sông Hậu mở vựa trứng Ba Huân, tiến lên vùng chợ Lớn Sài Gòn. Đây là khoảnh khắc, cô Ba có điều kiện để tiếp tục chăm lo cho 8 anh em mình ăn học, dựng vợ, gả chồng và trưởng thành.
Gần 50 năm theo “nghiệp” trứng gia cầm, cô Ba Huân đã chèo lái doanh nghiệp của mình trong từng bước đi táo bạo, quyết liệt và cũng đạt được nhiều kết quả mỹ mãn; đã làm thay đổi cuộc sống của cá nhân, gia đình mà còn có những đóng góp làm tích cực, thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp và chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam.
Và nay, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát dữ dội tại TPHCM, khi mà Thành phố thực hiện nhiều biện phấm giãn cách, giới nghiêm, khi nhu cầu thực phẩm người dân trở nên khan hiểm thì Ba Huân nổi lên như là doanh nghiệp hàng đầu trong việc cung cấp trứng gia cầm bình ổn trên địa bàn Thành phố và cả nước.
“Dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay... Tôi cũng sẽ không tăng và đảm bảo cung ứng”. Đó là chủ trương quyết liệt cũng như đạo đức kinh doanh mùa dịch của người phụ nữ Ba Huân 67 tuổi này.
Người ta làm từ thiện thì “đao to búa lớn” nhưng riêng cô ba Huân thì âm thầm hoạt động mà cống hiến cho đời. Từ khi dịch bệnh Covid-19 trở lại và TPHCM trở thành tâm dịch của cả nước, bà đã không vì lời nhuận của mình và giữ nguyên mức giá cho người tiêu dùng cả nước.
“Kinh doanh ai cũng cần lợi nhuận” nhưng có lẽ đối với cô Ba lợi nhuận ấy không quan trọng bằng người dân thành phố được cung ứng đầy đủ nguồn lương thực cho đợt giãn cách dài hạn. Đã có nhiều lần Sở Công thương TPHCM đồng ý với việc tăng giá trứng cung ứng ra ngoài thị trường. Nhưng với tâm thế vì người dân, cô Ba Huân đã khước từ những cơ hội, lợi nhuận trước mắt ấy.
Cô Ba Huân tâm sự rằng: “Nhiều doanh nghiệp người ta bỏ tiền tỉ tỉ ra để mua vaccine, mua khẩu trang này nọ.... Còn doanh nghiệp tôi là làm nông nghiệp, tôi chỉ trợ giá vài ngàn/chục trứng. Cứ thế một ngày tôi cũng giảm hai trăm triệu. Cái đó tôi tích lũy từ từ cũng thành hàng chục tỉ…”.
Đây có lẽ là ước muốn chân thành nhất từ “nữ hoàng trứng sạch” Ba Huân. Từ cung cách từ tốn ấy, cô Ba Huân đã cho người tiêu dùng thấy rằng: Mặc dù giữa lúc cơn đại dịch đang bùng phát dữ dội, nhưng doanh nghiệp cô vẫn luôn đứng về phía người dân và hết lòng vì người tiêu dùng.
Tuy không thể góp nhiều tiền của cho việc ủng hộ đẩy lùi dịch bệnh cho cả nước nhưng chính những đóng góp nhỏ của bà đã góp phần giúp người dân có bữa ăn tươm tất hằng ngày. Những hành động không lời của cô Ba Huân mặc dù chả ai biết và chẳng người hay; nhưng chính những điều đó làm cho lương tâm của một người doanh nhân như cô cảm thấy an lòng để san sẻ cộng đồng.
Dù năm nay đã 67 tuổi nhưng cô Ba Huân vẫn miệt mài làm việc không ngừng nghỉ, mong sao hàng hóa có thể được lưu thông và cung ứng kịp thời nguồn lượng thực cho bà con trên địa bàn thành phố.
Không dừng lại ở việc trợ giá cho người dân, cô Ba Huân còn tham gia tích cực các chương trình hoạt động từ thiện tại chính quê hương của mình. Những chương trình “Ngôi nhà ước mơ” giúp bà con nghèo có vốn làm ăn từ ban đầu để lập thân, lập nghiệp; những chuyến xe “Tặng quà cho người nghèo” giúp đỡ các bà con ở vùng sâu vùng xa cứ thế mà được diễn ra trong suốt nhiều thập kỷ dưới sự tài trợ của “nữ hoàng trứng sạch” Ba Huân.
Song song với đó là các chương trình mổ mắt cho người nghèo, phẫu thuật sứt môi – hở hàm ếch cho trẻ em… thường xuyên luôn có sự góp mặt của cô Ba Huân. Tuy những món quà bà trao tặng đến cho bà con, trẻ em không nhiều, chủ yếu là “cây nhà lá vườn”; nhưng luôn thắm đượm tấm lòng của một người miền Tây chân chất, thật thà.
Nên chăng đó là cách sống, tâm niệm cả một đời đi qua dặm dài sương gió của vị Nữ Chủ tịch Ba Huân rặt chất miền Tây này: “Cả đời tôi gắn bó với con gà, tâm huyết với quả trứng. Tôi cố gắng làm điều tốt cho cộng đồng. Sau này, khi nằm xuống, tôi mong thế hệ con em mình cũng nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng”.