Sách – người thầy, người bạn [84]:

Chúng ta sẽ sống thế nào? – Nếu tất cả rồi sẽ chết

Cần học về cái chết để sống đẹp hơn - Đây là điều quý giá nhất mà tôi đã học được từ cuốn sách

Ở thế kỷ 21 này, khi mà cuộc sống bắt đầu đầy đủ hơn, sự phát triển của y học nâng cao tuổi thọ của con người, cái chết dần dần bị lờ đi theo cái cách chúng ta lờ đi một nỗi xấu hổ hoặc một nỗi sợ tai quái. Cái chết sẽ đến nhưng người ta bắt đầu ít nhắc về nó hơn, dù sợ hãi nó hơn và cố gắng trốn tránh nó trong nỗi kỳ vọng mơ hồ rằng nó sẽ đến với mình chậm hơn mọi người khác.

z5332340948536-466972b7eb290b9d4e6a58b604b69ed9-1713856093.jpg
Bìa sách  "Điểm đến của cuộc đời"

Thế nhưng, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã chọn đi trên một hành trình ngược lại. Thay vì trốn tránh, tác giả nhìn sâu vào cái chết, học về cái chết với tất cả đớn đau trần trụi mà nó mang lại. Bác tìm đến những người cận tử để đồng hành cùng họ trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời. Một cuộc hành trình gian khó và kỳ lạ với những trải nghiệm quý giá về tình yêu thương giữa người với người, tình yêu cuộc sống, nghị lực phi thường và phẩm giá cao cả của những người ngày đêm chênh vênh trên bờ vực tử vong. Một cuộc hành trình như ống kính quét qua khung cảnh của cái chết với nhiều bản dạng khác nhau. Dưới góc nhìn của người thứ ba, cảm xúc của người cận tử được quan tâm hơn, một bức tranh toàn diện hơn về các chết được mở ra, không chỉ trên bình diện đau đớn thể xác thường thấy mà còn trên cả bình diện tinh thần. Tất cả được ghi lại trong cuốn sách Điểm đến của cuộc đời.

Thế giới từng có bao nhiêu người sống thì có từng ấy cách đối mặt với cái chết, không cuộc chiến nào giống cuộc chiến nào. Nhưng có lẽ giống như bác Giang nói, trong tất cả các cuộc hành trình ấy, họ đều có một điểm chung - nhận ra điều gì là quan trọng.

Cái chết như lưỡi cưa, cắt ra biết bao nhiêu đau thương nham nhở cho cả người bệnh và người nhà. Thế nhưng sự chết, trên một phương diện nào đó, cũng làm sắc ngọt thêm những góc cạnh thường bị che lấp mất của tình thương, sự nhẫn nại và kiên trì, tình yêu và sự hi sinh cho nhau.

Trong câu chuyện đầu tiên, đồng hành cùng con vượt qua bệnh tật chị Hà đã cố gắng kết nối và tâm sự cùng con trai nhỏ hằng ngày hàng giờ. Liệu trong hoàn cảnh bình thường ta có bao giờ dành trọn tâm trí lắng nghe mọi lời của con như thế chưa? Thật khó để cam đoan. Hay trong câu chuyện thứ hai, Liên đã cố hết sức để có cho mình một khoảnh khắc ra đi đẹp đẽ không chỉ vì phẩm giá của chính mình mà còn vì lòng thương đối với gia đình bè bạn. Điều cô đau đáu không phải là làm sao để người ta có thể nhớ đến mình mà chỉ là đến bao giờ thì ba má sẽ nguôi ngoai.  “Mọi người rồi sẽ quên đi sự mất mát, dù có thương em nhiều. Trừ ba má em”. Câu nói của cô làm mắt tôi ướt nhòe. Người ta đau lòng cho người ở lại hơn cả sự ra đi của mình. Và có lẽ sự đau lòng là một sợi dây buộc chặt hai phía. Nó khiến cho chồng của Vân, một người đàn ông đầy nghị lực và kiên nhẫn vừa bảo sự ra đi có lẽ là tốt cho vợ thì chỉ vài ngày sau đã tan nát cõi lòng bảo không muốn mất cô một chút nào.

Đứng trước cái chết - sự chia lìa vĩnh cửu - con người ta yếu đuối và hỗn loạn trong từng phút từng giây. Nếu là chồng của Vân có lẽ tôi sẽ bối rối như thế, sẽ vô cùng trân trọng thực tại và yêu nhiều hơn từng phút giây bên cạnh vợ. Thế nhưng tại sao, tôi chợt nghĩ, mình không yêu cuộc sống ngay từ bây giờ?

Có lẽ, tôi còn quá trẻ để ý thức về cái chết trong đời sống thường nhật. Kể cả khi được đọc, được nghe, cái chết vẫn xa lạ và dường như chẳng có chút liên quan nào đến đời sống. Nó không rõ ràng, mơ hồ và thiếu sức nặng. Và biết đâu trong xu hướng né tránh nhắc đến tử vong hiện tại, cái chết sẽ luôn được định hình như thế.

z5370321272016-1fb90444a449a23933d01f41a8d58abd-1713856093.jpg
Tác giả bài viết - Thanh Ly

Thế nhưng, khép lại câu chuyện của tác giả, của chị Hà và bé Nam, của Vân, của Liên, tôi nhận ra hầu hết những cái chết đều chẳng nhẹ nhàng. Chúng ta rồi có thể sẽ phải chết đi trong đau đớn bất lực sau khi chứng kiến người thân gục ngã trước khi ta gục ngã. Có những cái chết đau đớn đến chậm. Nhưng cũng có những cái chết đầy khổ sở tra tấn đến tận phút cuối. Cái chết là kinh khủng và ác liệt vô cùng.

Thiết nghĩ, ngoài học dạy con, làm giàu,... có lẽ chúng ta cũng cần học về cái chết. Nó còn cần thiết hơn những cái trước vì tử vong là không tránh khỏi. Thiết yếu phải có sự chuẩn bị đầy đủ, một sự nghiên cứu và đối diện nghiêm túc. Khi mỗi phút giây sống đều ý thức được sẽ chết ta sẽ càng thêm trân trọng những gì ta đang có, dốc sức yêu thương, dốc sức theo đuổi đam mê, dốc sức để tô điểm cho cuộc đời.

Cần học về cái chết để sống đẹp hơn - Đây là điều quý giá nhất mà tôi đã học được.

Tác giả: Thanh Ly

[thanhly13077@gmail.com]