‘Chiều Nghĩa trang Trường Sơn’ dễ đi vào lòng người bởi sự cô đọng, giàu cảm xúc

Thơ Trần Ngọc Phượng cô đọng cảm xúc và ý tưởng, dễ đi vào lòng người đọc. Nhất là anh viết về những người đồng đội, những chiến sĩ đã hy sinh.

Điều đặc biệt Trần Ngọc Phượng có nhiều bài thơ viết về người lính, về tháng Tư và tháng Bảy.

Bởi khi nhắc đến đề tài người lính và những tháng ngày đó, nhà thơ có nhiều hoài niệm, lòng dậy lên bao khắc khoải thương nhớ, đau đáu, tiếc nuối, xót xa... Đó còn là tiếng thở dài, tiếng khóc nấc nghẹn của một người cựu binh đa cảm như anh. Kỷ niệm xưa như phù sa đọng lắng/ Nước cứ trôi cỏ vẫn mọc xanh đồng/ Anh vẫn là anh của bão giông/ Mũ tai bèo băng qua lửa khói/ Em vẫn là em tóc tỏa hương bồ kết/ Lao mình trong chớp lửa bom rơi/ Thời gian nhuộm trắng tóc ta rồi/ Bao nhiêu điều để quên để nhớ/ Anh với em một quãng đời cất giữ/ Có lẽ nào ta lại quên nhau (Có lẽ nào).

7de0a03d-bda6-4d94-87ed-0c8af10b6b8e-1726759785.jpeg
Tác giả bài viết I(bên  tráii) và Nhà thơ Trần Ngọc Phượng

Đất nước hòa bình, sau 41 năm trở lại thăm Nghĩa trang Trường Sơn, người cựu binh Trần Ngọc Phượng không khỏi rưng rưng với bao buồn vui lẫn lộn. Tất cả đã trở thành quá vãng nhưng giờ trở lại thăm những đồng chí, đồng đội ở tại nơi này nhà thơ phần nào cũng cảm thấy ấm lòng. Thắp nén hương bên hàng mộ chí, chỉ biết cầu mong cho mọi người sống khôn thác thiêng và luôn được bình yên ở chốn rừng xanh, sông nước, mây trời...

Chiều Trường Sơn

Lặng ngắt

Các anh nằm

ngay hàng thẳng tắp

nghe tắc kè kêu*

khắc khoải

Sắp về

Tiếng tắc kè kêu, gợi nhớ một thời đã qua, nhắc nhớ người cựu binh về một thời đạn lửa, về ký ức của những người lính thuở nào. Họ tham gia chiến đấu và nghĩ rằng rồi cũng đến ngày chiến thắng, rồi sẽ được trở về với gia đình, người thân... Nhưng đáng buồn thay, trong số đó có người đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường... Vì thế, giờ đây, những người may mắn còn sống sót trở về sau cuộc chiến như Trần Ngọc Phượng khi trở lại nghĩa trang Trường Sơn, anh không kìm nén được sự xúc động, nghẹn ngào. Nhà thơ bồi hồi nhớ lại, thời tuổi trẻ, ngày từ biệt gia đình lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Và giờ đây, khi nhìn những hàng bia mộ xếp ở nghĩa trang càng làm cho trái tim anh quặn thắt. Thời gian đồng hiện và đan cài giữa quá khứ và hiện tại làm cho lời thơ có sức lay động, có điều gì đó nuối tiếc, xót xa...

Về đây

Những đội hình

Xếp theo tỉnh, theo thành

theo làng, theo xã

Như buổi giao quân

Trống reo rộn rã

Mẹ và em đẫm lệ nhìn theo

Các anh đã nằm lại nơi này, nơi heo hút núi đèo. Vâng! Thật đáng thương. Bởi các anh đã nếm trải bao khổ ải, thương đau nhưng chưa hưởng được ngày hạnh phúc. Những hy sinh, mất mát của đồng chí, đồng đội đã có sức lay động sâu xa trong tâm khảm của bao thế hệ. Nhà thơ bồi hồi, thương cảm với mong ước được chia sẻ, vỗ về để lấp đầy khoảng trống hư vô.

Anh nằm đây

Heo hút núi đèo

Vài nén nhang

Không đủ ấm ngàn ngôi mộ

Mẹ cha ta đã thành thiên cổ

Em ta tất bật mưu sinh

Còn mấy lính già

Chống gậy ngồi bên

Còn mấy người lính già chống gậy ngồi bên? Những người đồng chí, đồng đội của các anh giờ cũng không còn nhiều. Bởi thời gian, tuổi tác, di chứng của chiến tranh làm cho họ yếu ớt và thưa vắng dần. Rồi thời gian, rồi tương lai, những người lính già ấy cũng sẽ lần lượt về với tiên tổ...

Đất nước hòa bình, trở về cuộc sống bình yên nhưng tận trong sâu thẳm tâm can người cựu binh Trần Ngọc Phượng vẫn còn nhiều nỗi lo lắng, bất an. Tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân của người luôn quan tâm, dõi theo những gì đang diễn ra quanh mình, thời đại mình đang sống; nhà thơ trăn trở, day dứt không yên trước những thực trạng đáng buồn của hôm nay:

Đất nước hòa bình/ Nhưng nào đã bình yên/ Giặc ngoại xâm, nội xâm đe dọa/ Biển trước mặt/ Phơi đầy xác cá/ Rừng sau lưng/ Trơ trọi gốc cây/ Trẻ đến trường/ Phải lội suối, đu dây.

Trần Ngọc Phượng cảm nhận rất rõ những mất mát và tổn thương. Khát vọng đan xen với nỗi buồn, hoài niệm đồng hiện với thực tại khi có những sự thật không hay đang diễn ra từng ngày từng giờ. Nạn tham nhũng, những bất công ngang trái, bao bất cập của đời sống vẫn ngày một nhiều; giặc ngoại xâm luôn lăm le và có ý đồ xâm lấn biển đảo...

Thuyền ngư dân/ Bị đâm từ “tàu lạ”/ Anh nằm đây/ Có lúc nào yên ả/ Sóng biển Đông/ Rung động chỗ anh nằm!// Hương khói bay/ lồng lộng gió ngàn/ Đang bật dậy/ Những linh hồn/ Bất tử.

Chiều Nghĩa trang Trường Sơn, với những ý thơ đứt mạch, vắt dòng tạo nên ấn tượng về nỗi nghẹn ngào, thổn thức, bâng khuâng, sâu lắng của nhân vật trữ tình. Nhịp thơ nhanh - chậm, đứt - nối tạo cảm giác như đang tự giằng xé trái tim nhói buốt của chính mình.

Người cựu binh Trần Ngọc Phượng giờ đây đã ở vào tuổi bát tuần, ông từng nếm trải bao đắng cay, thăng trầm của cuộc đời và thế sự. Vì thế, nhớ về những ngày tháng cũ và cả những tháng năm của hiện tại, những dự cảm về tương lai... có điều gì đó làm cho ông giăng mắc, có điều gì đó làm cho ông rưng rưng...