Chỉ thị 16 tại TP.HCM: Xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng

TP.HCM đặc biệt yêu cầu tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định và không có lý do chính đáng trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Trưa 8.7, UBND TP.HCM có văn bản hướng dẫn cụ thể các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, áp dụng từ 0 giờ ngày 9.7 trong nửa tháng tới.

Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ hoặc làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở khác được quy định.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

quanbinhtan-okjy-1625744167.jpg

Các cửa hàng bán đồ thiết yếu vẫn được phép hoạt động

ẢNH: KHÁNH TRẦN

Yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện; thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24 giờ, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch.

TP.HCM đặc biệt yêu cầu tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.

TP.HCM tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, TP.HCM tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9.7.

Các mốc thời gian dừng hoạt động không thiết yếu

Trước đó, từ 18 giờ ngày 30.4, toàn bộ vũ trường, quán bar và karaoke trên địa bàn TP.HCM phải tạm dừng hoạt động.

Từ 18 giờ ngày 3.5, TP.HCM tạm dừng hoạt động massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, kịch, rạp chiếu phim, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử.

Từ ngày 10.5, TP.HCM áp dụng biện pháp hạn chế số lượng khách phục vụ cùng lúc tại các cơ sở kinh doanh ăn uống không quá 30 người; dừng hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo tập trung từ 20 người trở lên.

Ngày 21.5, TP.HCM dừng hoạt động buôn bán tại chỗ đối với quán ăn ven đường, nhà hàng ăn uống trên 10 lao động và nhà hàng trong khách sạn phục vụ không quá 20 người.

Ngày 27.5, TP.HCM tiếp tục dừng hoạt động của các nhà hàng trong khách sạn, chỉ phục vụ cho khách lưu trú trong khách sạn; các quán ăn, trà đá, cà phê vỉa hè, chỉ phục vụ cho khách mang về; tạm ngưng dịch vụ làm đẹp, tiệm hớt tóc, gội đầu; dừng các nghi lễ tôn giáo.

TP.HCM cho phép các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chừa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.
Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chổng dịch, trong đó có các biện pháp như 5K, khai báo y tế, giảm mức độ tập tập, tổ chức đưa đón người lao động chặt chẽ…; nếu không đảm bảo thì phải tạm dừng hoạt động.
Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, TP.HCM chuyển sang phương thức làm việc tại nhà thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; chỉ những trường họp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.
Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở không quá 1/3 tổng số người lao động đế đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của Thành phố; riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế đảm bảo 100% quân số.
Dừng toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan công sở; chỉ duy trì các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý các vấn đề cấp bách của đơn vị, khi tổ chức không quá 10 người tham dự.

Đến ngày 31.5, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng; riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Đến ngày 14.6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố thêm 14 ngày. Ngày 19.6, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 10 về việc siết chặt và tăng cường một số giải pháp trọng tâm để sớm kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên số ca nhiễm ngoài cộng đồng vẫn tiếp tục gia tăng mỗi ngày.