Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Sách – người thầy, người bạn [66]:

Cần tĩnh tại lại để hiểu cách yêu thương

Tôi đọc cuốn sách Không còn là con người của tác giả Izumi Kurosawa lần đầu năm 27 tuổi, tôi chỉ là con gái của bố mẹ. Lần 2 đọc sách là năm tôi 30 tuổi, đã kết hôn và đang lên kế hoạch sinh con.

Lần gần nhất khi tôi bước sang tuổi 32, đã trở thành mẹ của một em bé đáng yêu. Mỗi một lần đọc, cuốn sách cho tôi cảm xúc và suy tư khác nhau, tầng tầng lớp lớp như củ hành tây - càng bóc mắt càng cay, càng đọc càng phải tĩnh lại để thấu hiểu cách yêu thương.

Tôi đọc ngấu nghiến cuốn Không còn là con người trong lần đầu cầm sách trên tay. Cuốn sách kể câu chuyện của Miharu, một người mẹ ngoài 50 tuổi. Cô có đứa con trai tên Yuichi, 20 tuổi, mắc căn bệnh lạ “Mutant Syndrome - Hội chứng đột biến”. Cậu biến thành một “thứ” giống côn trùng, có râu, có vô số chân như loài rết.

khong-con-la-con-nguoi-1713084654.jpg
Bìa sách "Không còn là con người"

Căn bệnh Mutant Syndrome tập trung ở tầng lớp những người trẻ ăn bám, tự giam mình trong phòng - bị gọi là “hikimori” hoặc “NEET”. Người ta cho rằng Mutant Syndrome là phép sàng lọc tự nhiên của thượng đế, xã hội quyết định “khai tử” những con người này. Họ bị tước mọi quyền công dân.

Yuichi vốn là đứa con trai được cả hai vợ chồng cô Miharu kỳ vọng, khao khát và cưng chiều hết mực. Vợ chồng cô đã rất nỗ lực dạy dỗ cậu. Vậy mà đứa trẻ này lớn lên chẳng “bình thường”: bỏ ngang việc học trong năm cấp III, ở lì trong phòng, sống bám vào bố mẹ và biến thành một con sâu.

Lần đầu đọc Không còn là con người, bầu không khí đen tối của tác phẩm làm tôi giận đến mức thở gấp. Tôi khó chịu vì thái độ sống của Yuichi. Một người trẻ, khỏe, lành lặn lại chọn cách sống ăn bám. Một đứa trẻ tương lai đáng lẽ phải ngời sáng lại trở thành nỗi buồn phiền.

Theo chân cô Miharu, tôi được khám phá thêm câu chuyện của những người trẻ mắc Mutant Syndrome. Người biến thành cái cây, người biến thành con cá, người biến thành con chó với gương mặt người… Họ có hình dạng gớm ghiếc nhưng vẫn sót lại một phần “nhân dạng”, như Yuichi còn đốt ngón chân người. Tôi rùng mình vì số phận bi thảm của họ:

  • - Một người mẹ giết chết con của mình ngay khi phát hiện ra con bị biến dị.
  • - Một người mẹ vẫn chăm sóc con chu đáo. Nhưng lúc mụ mị, cô đã rán vàng con mình và ăn ngon lành đến khi nhận ra nhãn cầu trong đĩa không phải mắt cá.
  • - Một người mẹ luôn đánh con, đọc trộm nhật ký của con mà không ý thức được việc làm của mình là sai trái. Con gái của cô trong dáng hình một chú chó nhỏ đã bỏ chạy và bị xe cán chết.
  • - Một người mẹ trơ mắt nhìn con gái của mình đánh chết anh trai biến dị.

Tôi bắt đầu lo lắng cho Yuichi hơn là tức giận. Chính cha của cậu - chồng cô Miharu - chú Isao muốn buông bỏ cậu bằng những lời lạnh lùng nhất, tàn nhẫn nhất. Tôi thầm cầu nguyện cô Miharu đừng hành động như những người mẹ kia, đừng buông bỏ Yuichi và thở phào khi cô chọn đứng về phía con trai.

nguyen-thanh-ngoc-1713084654.jpg
Tác giả viết bài

Câu chuyện về mẹ con cô Miharu dần dần hé mở. Tôi có sự đồng cảm với Yuichi. Việc cậu trở thành hikimori rồi biến thành một con sâu là hậu quả của quá trình mất kết nối giữa cha mẹ và con cái. Trái tim tôi thổn thức suy nghĩ về những lần cảm thấy áp lực trước kỳ vọng của gia đình và của chính bản thân. Tôi may mắn hơn Yuichi. Bố mẹ tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ nỗi niềm cùng con, áp lực biến thành động lực và tôi vẫn là “con người”.

Không còn là con người có một cái kết mở, Yuichi khỏi bệnh biến trở lại thành người. Nhưng chú Isao - ba của cậu bị biến dị.

Cuốn sách xuất sắc khi bóc trần những quan niệm sai lầm về nuôi dạy trẻ, để giấc mơ cha đè nát cuộc đời con. Bậc cha mẹ nên một lần đọc được cuốn sách này, để thấu cảm với con cái của mình nhiều hơn.

Trong lần đọc thứ hai, tôi dần lý giải được về khoảng cách giữa cha mẹ - con cái, một bên thiếu lắng nghe - một bên thiếu độc lập. Tôi tự nhủ mình sẽ trở thành người mẹ yêu thương, tôn trọng con, dạy con cách tự đứng vững trên đôi chân của mình.

Lần gần đây nhất đọc cuốn sách, tôi bỗng nhận ra rằng: Izumi Kurosawa không chỉ đơn thuần nhắn nhủ bạn đọc cách yêu thương, ứng xử giữa cha mẹ - con cái trong gia đình. Cuốn sách còn là lời nhắc chúng ta hãy học cách “lắng nghe” và tôn trọng những người xung quanh.

Tác giả: Nguyễn Thanh Ngọc

[thanhngocnguyen0810@gmail.com]

trang

trang

21:15 15/04/2024

cám ơn em đã cho góc nhìn tích cực trong câu chuyện này. để một ngày nào đó đủ bình tĩnh và thong dong, chị cũng sẽ tìm đọc thử.