Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Bên hiên nhà thơm hương giấy hẩm

Thời gian trôi đi! Từ đời Nội, ba đến đời tôi dù có thế nào cũng vẫn luôn gìn giữ nếp sống này. Nên những ngày cuối năm, dù bận nhiều việc nhưng tôi cũng phải sắp xếp để cùng con, cháu trong nhà dọn sách ra phơi.

Phơi sách. Không biết tự khi nào và đã bao nhiêu năm gia đình tôi làm việc này. Tôi chỉ nhớ ngày Nội còn sống - lúc ấy tôi mới học lớp 2, vào những ngày cận Tết, Nội bảo: ba, mẹ, anh chị tôi cùng ông mang sách trong tủ ra phơi. Sách Nội rất nhiều. Phía gian trên, phía trong là bàn thờ gia tiên, bên trái là bộ phản, còn lại xung quanh là các tủ sách. Nhiều nhất là sách tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Hán. Có quyển dày đến cả gang tay. Nội cất giữ ngay ngắn và cẩn thận lắm. Lúc đó, tôi chả hiểu vì sao Nội lại phải nâng niu và trân quý sách đến vậy.

Một năm sau, Nội đau nặng và mất. Những ngày cuối đời, thỉnh thoảng Nội lại gọi ba đến và kêu ba mang những cuốn sách đã ố vàng để đọc cho nội nghe. Nội mất, trên bàn thờ ngoài những nhang đèn, hoa quả, bánh, kẹo, cơm canh... còn có cả những cuốn sách mà ba tôi đặt trang trọng bên di ảnh của Nội.

phoi-sach-1646144329.jpg
Với Nội tôi thời còn sống, sách là một tài sản quý giá Nội luôn cẩn trọng bảo quản và lưu giữ. Ảnh: T.L

Trời cuối năm, miền Trung thường có những cơn mưa rắc nhẹ kèm theo cái hanh hao của cuối đông đầu xuân nên phơi sách cũng phải canh chừng, nếu không dễ bị mưa ướt.

Tôi còn nhớ, có hôm vừa đem sách ra hong, ba mẹ và Nội có việc phải đi gấp ở nhà bác bên làng. Nội giao cho anh Tư, chị Năm và tôi ở nhà canh, nếu mưa thì mang vào để trên bộ phản. Vì mải chơi, mưa ập tới, ba anh chị em chúng tôi mới cuống cuồng mang sách vào nhà. Chiều về, Nội kiểm tra và phát hiện sách bị mưa ướt, nội đã gọi chúng tôi vào nhà và “thưởng” cho mỗi đứa ba cây roi mây vào mông.

Ngày trước, tôi còn quá nhỏ để hiểu lời nội dặn, nhưng tôi nhớ thường ở những bữa cơm ngoài nói những công việc làm ăn, cúng giỗ, lễ tết... bao giờ ông cũng nói về sách, căn dặn con cháu phải biết đọc sách, quý sách. Nội bảo muốn nên người thì phải học và đọc sách. Sách là kho tàng kiến thức quý báu của nhân loại. Đời Nội, vì hoàn cảnh gia đình và chiến tranh loạn lạc nên Nội không được học hành bài bản, do vậy sách chính là người thầy đã khai sáng cho ông. Nội dạy chúng tôi nhiều điều hay lẽ phải từ sách, rèn cho anh em chúng tôi đọc sách từ nhỏ và trở thành thói quen từ thời tiểu học. Vì thế, anh em chúng tôi ai cũng trở thành “mọt sách”.

Nội mất. Ba tiếp bước nội làm cái việc thiêng liêng này. Ngày mấy anh chị em tôi đi học xa, làm xa; cuối năm trở về nhà, dù có bận việc gì đi chăng nữa cũng đều phải đem sách ra hong lại. Vì sách nhiều nên việc hong sách và sắp xếp lại tủ sách cũng phải mất khá nhiều thời gian. Việc làm này đã trở thành truyền thống của gia đình, bởi đó là cách để bảo quản những cuốn sách sau một thời gian dài bị bụi, ẩm mốc. Hong sách để thể hiện sự trân trọng với các bậc tiền nhân, hong sách là cách để giáo dục con cháu phải biết quý trọng, biết tích lũy kiến thức, biết gìn giữ và phát huy nét văn hóa đẹp của cha ông - văn hóa đọc. Bởi ngày nay, với công nghệ hiện đại chỉ cần một cái nhấp chuột là có thể có nhiều thứ nhưng vẫn không thể nào thay thế cho việc đọc sách.

Tốt nghiệp ra trường và công tác ở lĩnh vực liên quan nhiều đến sách, tôi càng hiểu và trân trọng hơn những việc mà Nội và ba tôi đã làm. Vì vậy, gia tài của gia đình tôi không gì nhiều hơn ngoài sách. Tôi cất công gìn giữ và cũng không quên ngày ngày dặn dò đám con cháu, học trò của mình phải đọc sách. Có những chuyến công tác xa, bên cạnh những cuốn sách được bạn bè tặng, tôi còn tìm mua cả đến vài trăm cuốn. Hành lý trở về, sau chuyến đi xa không có gì khác hơn ngoài sách.

Những lúc rỗi, ba tôi thường mang sách ra đọc, ông đọc rất say sưa và sau đó là trầm tư suy nghĩ.  Điều đặc biệt, trong thời khắc giao thừa, sau khi cúng gia tiên, ba tôi đốt ba cây hương và lẩm nhẩm khấn vái gì đó bên cạnh các tủ sách, rồi ông lấy thêm một số quyển đặt lên bàn thờ nội.  Buổi sáng đầu năm, bên cạnh ly trà và khay bánh mứt, ba lại lấy quyển sách trên bàn thờ ra đọc...

Thời gian trôi đi! Từ đời Nội, ba đến đời tôi dù có thế nào cũng vẫn luôn gìn giữ nếp sống này. Nên những ngày cuối năm, dù bận nhiều việc nhưng tôi cũng phải sắp xếp để cùng con, cháu trong nhà dọn sách ra phơi. Đó như là cách để khơi gợi và nhắn gửi cho chúng biết yêu sách, quý trọng sách. Để rồi một ngày kia chúng hiểu đọc sách đấy là nét văn hóa đẹp trong đời sống này. Bên cạnh những mùi hương đặc trưng của quê nhà vào dịp Tết thì có một mùi hương đặc biệt không thể nào thiếu được đó là mùi của những trang sách, mùi của niềm tin yêu và hy vọng vào thế hệ trẻ ngày mai.