Bạn đã học được những gì từ Workshop “du lịch nhìn ra thế giới”?

Hà Kiều
“Du lịch nhìn ra thế giới” là nơi các bạn sinh viên du lịch có dịp gặp gỡ, giao lưu cùng với chuyên gia để lắng nghe những trải nghiệm du lịch thế giới từ thực tế, tìm hiểu các mô hình hay có thể vận dụng tại Việt Nam, giúp sinh viên du lịch có thêm cảm hứng và niềm tin để theo đuổi và tiến xa hơn với nghề.

Những thông tin hữu ích từ Workshop “Du lịch nhìn ra thế giới” vừa được diễn ra ngày 10/01/2021 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM. Đó là những sẻ chia, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức hữu ích của các diễn giả, khách mời uy tín trong lĩnh vực du lịch.

V ới kinh nghiệm hơn 20 năm sinh sống và làm việc trong lĩnh vực du lịch tại Canada và Pháp, hành trình khám phá 66 quốc gia,Ths. Hồ Trung Chánh – Quyền Trưởng khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn (Đại học FPT TP.HCM) đã mang đến cho các bạn sinh viên tham dự nhiều cảm hứng từ câu chuyện “phượt” qua các quốc gia Nam Mỹ, cảm giác khó thở do không khí loãng tại La Paz (Bolivia) – thành phố cao nhất thế giới, đến cảm nhận sự chân thành, hiếu khách của những người dân miền quê Anh Quốc.

Thạc sĩ Hồ Trung Chánh chia sẻ những kinh nghiệm của mình đến sinh viên

Qua quá trình nghiên cứu và trải nghiệm cá nhân, Ths. Hồ Trung Chánh cho biết có 05 khuynh hướng đang rất phổ biến trên thế giới và cũng như Việt Nam, đó là du lịch cá nhân, du lịch 4.0, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững (hay du lịch có ý thức) và du lịch theo chủ đề.

Khi so sánh với các nước trong khu vực và cả trên toàn thế giới, chúng ta có thể tự hào là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và đa dạng, không hề thua kém các “ông lớn” trong ngành du lịch. Đặc biệt bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em tạo nên văn hóa vùng – tiểu vùng có nét đặc thù, cùng với đó là giá trị văn hóa, lịch sử, ẩm thực, kiến trúc cảnh quan tại mỗi địa phương tạo nên nguồn lực mạnh mẽ rất phù hợp để phát triển khuynh hướng du lịch cộng đồng. Các homestay tại Đồng bằng sông Cửu Long đã làm rất tốt du lịch cộng đồng, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Khi đến đây, du khách được hòa mình vào cuộc sống của cư dân vùng sông nước, cùng làm vườn, hái rau, nấu ăn, sinh hoạt cùng người dân, không hề có sự phân biệt giữa chủ - khách.

Thạc sĩ Võ Hồng Sơn nhấn mạnh yếu tố thích ứng nghề nghiệp của sinh viên

Cũng theo Ths. Hồ Trung Chánh, khuynh hướng du lịch bền vững là vấn đề được sinh viên quan tâm và đặt câu hỏi cho diễn giả, các chuyên gia du lịch. Điểm cốt lõi của phát triển du lịch bền vững là “đảm bảo phát triển cân bằng mà không gây ra những tổn hại cho môi trường tự nhiên và bản sắc văn hoá của điểm du lịch”, nhưng giữa lý thuyết và thực tế rất cách xa nhau.

“Khi chúng ta đặt chân đến một vùng đất thì dù một dấu chân, một mẩu rác được bỏ vào thùng (chưa nói thực trạng xả rác bừa bãi của du khách) thì cũng đều đã tác động, làm biến đổi hiện trạng của môi trường tự nhiên. Khi chúng ta đến tham quan một làng dân tộc, làm sao chắc chắn không xảy ra một hành động nào đó dẫn đến tổn thương cho cả du khách lẫn cộng đồng địa phương? Du lịch bền vững để thành công trước hết cần bắt đầu ngay từ chính du khách, tạo cho họ một ý thức khi tham gia du lịch, ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa – xã hội tại nơi đến.”, Ths. Hồ Trung Chánh nhấn mạnh.

Bàn thêm về du lịch bền vững, Ông Nguyễn Ngọc Toản – Tổng Giám đốc Images Travel, Giảng viên Đại học Văn Lang, từ chính kinh nghiệm của một nhà tổ chức tour cho khách Châu Âu đến Việt Nam theo định hướng du lịch bền vững trong hơn 20 năm qua cho biết: “Bốn trọng tâm chính trong hoạt động kinh doanh du lịch của chúng tôi là: Môi trường, nhân đạo, kinh tế và văn hóa – giáo dục. Chúng tôi luôn cân đối cả 4 yếu tố này trong quá trình hoạt động để mang lại giá trị không chỉ cho địa phương và mà còn gửi thông điệp cho du khách quốc tế về một Việt Nam thân thiện, văn minh và giàu giá trị địa phương”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Toản lại có những chia sẻ thực tế về thực trang của ngành du lịch

Trong khi đó, Ths. Võ Hồng Sơn – Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM nêu ý kiến: “Khả năng thích ứng nghề nghiệp đề cập đến thái độ, năng lực và hành vi mà các cá nhân sử dụng để điều chỉnh bản thân thành công việc phù hợp với họ. Để nâng cao năng lực thích ứng nghề nghiệp bản thân người lao động cần nâng cao bốn năng lục (4 C's): Concern: luôn quan tâm, chú ý theo dõi các vấn đề, xu hướng trong ngành; Control: biết cách kiểm soát tốt bản thân, định vị bản thân trong ngành; Curiosity: ham tìm tòi, học hỏi, tự nghiên cứu các kiến thức, kĩ năng liên quan; Confident: tự tin, dám nghĩ dám làm, dấn thân vào công việc, phát huy hết tiềm năng và không ngại thất bại”.

“Có như vậy, bản thân người lao động sẽ nâng cao khả năng thích ứng nghề nghiệp trước những thay đổi lớn của ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung. Kết quả nghiên cứu thực tế đã cho thấy năng lực thích ứng nghề nghiệp có tương quan thuận với sự thành công trong nghề nghiệp, sự cam kết với ngành, nâng cao độ hài lòng trong công việc của người lao động. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, đóng góp phát triển tổ chức, doanh nghiệp, ngành kinh tế và hơn hết là quốc gia” – ThS. Võ Hồng Sơn gửi gắm đến sinh viên.

Minh Trí