8 bài thuốc hay từ dân gian chữa trị những người bị “nước ăn chân”

Trong mùa mưa hoặc mùa nước nổi, nhiều người thường xuyên đối mặt với tình trạng đau nhức do bị “nước ăn chân”, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến lở loét. Dưới đây là 8 bài thuốc nam hỗ trợ điều trị bệnh “nước ăn chân”.

“Nước ăn chân” là một căn bệnh phổ biến ở nước ta, đặc biệt thường xuyên xảy ra ở người nông dân. Bệnh sẽ làm các kẽ ngón chân trở nên ngứa ngáy, nước vàng chảy ra từ các vết hở và có mùi hôi. Thực ra, “nước ăn chân” là bệnh nấm kẽ chân, nguyên nhân do người bệnh tiếp xúc với nhiều nguồn nước bẩn chứa phân người, phân gia xúc, lá cây mục nát hoặc xác chết động vật…Tuy nhiên, đây không phải là một nguyên nhân chính dẫn đến bệnh “nước ăn chân”, bởi một số người đổ mồ hôi chân nhiều hoặc bệnh phong thấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật, mang giày kín thường xuyên cũng có thể mắc bệnh.

Bệnh nhân khi bị “nước ăn chân” sẽ có những vết nứt ở những kẽ ngón chân, da trắng bợt, rất ngứa. Ngoài ra, ở một số nơi vùng da chân còn bị bong tróc da thành từng đám nhỏ hoặc những mụn nước nhỏ liên kết với nhau thành bọc lớn, gây ngứa và đau, lỡ loét, nguy hiểm hơn là bội nhiễm sinh mũ.

Để tránh trường hợp bị nước ăn chân, trước hết chúng ta cần phải có nguồn nước sạch để rửa lại chân sau khi đã lội qua vùng nước dơ. Đặc biệt nên dùng xà phòng diệt khuẩn rửa thật kỹ các kẽ ngón chân. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể ngâm chân vào nước ấm cùng với các loại lá thiên nhiên như: lá ổi, vỏ cây bạch đàn, lá chè… Ngoài ra, nếu mắc bệnh, mọi người cũng có thể sử dụng các phương thuốc nam dưới đây để tình trạng được cải thiện.

nuoc-an-chan-1635659679.png
Nguồn: Internet

Bài 1: Lấy một nắm lá trầu không đun sôi 10 phút, để nguội, cho một cục phèn chua khoảng 10g, đánh tan. Dùng nước này rửa kỹ các kẽ ngón tay chân bị loét ngứa, thấm khô. Ngày làm 2 đến 3 lần, đến khi khỏi.

Bài 2: Dùng một nắm búp ổi to, rửa sạch để ráo nước, cho một ít muối ăn vào giã nhỏ, rồi đắp vào chỗ kẽ tay chân bị nấm 60 phút, sau đó rửa sạch, thấm khô, làm đến khi khỏi.

Bài 3: Lá kim ngân 1 nắm to, thêm chút muối ăn, sắc đặc với nước rồi ngâm rửa tay chân bị nấm. Mỗi ngày làm từ 2-3 lần, đến khi khỏi.

Bài 4: Rau sam tươi (thân và lá), khoảng 50-100g, rửa sạch, để ráo nước, giã nát, thêm chút muối ăn, trộn đều, rồi cho tất cả vào mảnh vải gạc sạch, chấm nhẹ vào nơi tổn thương, khô lại chấm. Mỗi ngày làm 2 đến 3 lần, đến khi khỏi.

Bài 5: Lấy cây cóc mẳn phần trên mặt đất 50g, rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ, giã nát, thêm chút muối ăn, trộn đều, rồi cho tất cả vào mảnh vải gạc sạch, chấm nhẹ vào nơi tổn thương, khô lại chấm và lấy bã thuốc đắp vào các kẽ chân băng lại. Mỗi ngày làm 1 đến 2 lần đến khi khỏi.

Bài 6: Lá chè xanh và lá phèn đen, mỗi thứ 30g, nấu nước đặc, ngâm rửa tay chân trong 10-20 phút. Rồi lấy búp ổi, lá lốt, mỗi thứ 20g, giã nát, thêm ít nước, dùng bông thấm thuốc bôi vào những kẽ tay chân bị nấm, làm đến khi khỏi.

Bài 7: Lấy lá mướp 30g rửa sạch, để ráo và cho thêm một chút muối ăn đem giã nát đắp vào vùng kẽ chân tay bị nấm và dùng vải băng bó lại. Để trong 1 -2 giờ. Ngày làm 2 lần, đến khi khỏi.

Bài 8: Dùng phèn đen 30g, lá chè xanh 30g. Đun khoảng 15 phút, dùng nước này ngâm tay chân bị nấm khoảng 20 phút, lấy khăn lau sạch. Dùng lá lốt 30g, lá bàng 30g cho thêm ít muối ăn, đem giã nát và đắp vào các khe kẽ bị nấm, để khoảng 60 phút thì rửa lại với nước đun như trên, thấm khô, ngày làm 02 lần, đến khi khỏi.

Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng, nếu sử dụng những loại thuốc bôi ngoài da hỗ trợ chữa trị, bạn nên hạn chế tiếp xúc với nước dơ trong một thời gian dài. Vì nếu bôi thuốc nhưng vẫn tiếp xúc với nước bẩn, bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn sẽ dẫn đến nhiễm trùng.