1. Không ăn thua trong lời nói
Tại sao người có mối quan hệ cá nhân kém thường được đánh giá là có trí tuệ cảm xúc thấp? Một trong những lý do chính là họ luôn phải hơn người khác về lời nói và quyết không chịu thua kém.
Khi một người luôn muốn đánh bại người khác bằng lời nói thì mục đích không chỉ là giao tiếp mà thể hiện bản thân và hạ gục đối phương. Đại đa số những người có thói quen xấu này đều không nhận ra tác hại của nó. Họ cho rằng bản thân "nhanh mồm nhanh miệng" hoặc lanh lợi thông minh khi giành được sự chú ý của người khác. Nhưng trên thực tế, đây là hành vi của người bất lịch sự, không biết lắng nghe và tôn trọng người đối diện.
Không bao giờ nhượng bộ trong lời nói thực ra là một hành vi rất nguy hiểm. Bề ngoài có vẻ là người chiến thắng nhưng thực chất lại thua trong tâm hồn, bị mọi người lánh xa. Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ không dễ để khuất phục người khác nhưng biết thừa nhận thất bại đúng lúc.
2. Biết lắng nghe, làm mọi người cảm thấy dễ chịu
Nhà văn người Mỹ Dale Carnegie từng kể lại câu chuyện của chính mình. Một lần ông gặp một nhà thực vật học nổi tiếng tại một bữa tiệc nhỏ ở New York. Trong bàn ăn khi đó có hơn chục người, nhưng chỉ có Dale Carnegie nghiêm túc và kiên nhẫn lắng nghe nhà thực vật học nói về khu vườn với nhiều loài hoa nở rộ nhà ông. Cứ thế họ nói chuyện trong vài tiếng. Khi nhà thực vật học chào tạm biệt những vị khách cùng bàn, ông đã dành nhiều từ hoa mỹ để nói về Dale Carnegie, khen nhà văn vui tính và hiểu biết.
"Thực tế tôi không biết nhiều về thực vật học. Ông ấy khen tôi không phải do tôi biết cách nói mà bởi vì tôi biết lắng nghe", Dale Carnegie chia sẻ. Theo nhà văn này, đôi khi bạn càng nói nhiều, đối phương càng không muốn nghe thậm chí là chán ghét.
"Không ai muốn giao tiếp với một người chỉ muốn thể hiện bản thân, nhưng hầu hết mọi người đều sẵn sàng kết bạn với những người quan tâm đến họ. Biết lắng nghe thực sự là một loại trí tuệ tuyệt vời", Dale Carnegie nói.
3. Không phán xét những thứ bản thân không hiểu
Một người dẫn chương trình nổi tiếng đã nói về vấn đề lương thực khi phỏng vấn trẻ em bị bỏ rơi ở vùng nông thôn.
Dẫn chương trình: "Cháu thường ăn gì?"
Trẻ: "Rau ạ"
Dẫn chương trình: "Thế có ăn thịt không?"
Trẻ: "Không thường xuyên ạ"
Dẫn chương trình: "Tại sao cháu không ăn thịt? Thịt không ngon hay nhanh bị hỏng? Hay có nguyên nhân khác?"
Trẻ: "... vì gia đình cháu không có tiền mua"
Thực tế vẫn còn nhiều tình huống như thế này ngoài đời thực. Khi sự thật chưa sáng tỏ, nhiều người dùng sự phiến diện, thậm chí phán xét để đánh giá người khác mà không nghĩ đến cảm xúc của đối phương.
Trong tác phẩm "Gatsby vĩ đại" của nhà văn F. Scott Fitzgerald người Mỹ có câu: "Bất cứ khi nào bạn muốn chỉ trích ai đó, phải nhớ rằng không phải ai cũng có những ưu điểm mà bạn có".
Người có EQ cao rất dễ đồng cảm với người khác. Thay vì nhìn mọi việc dưới lăng kính cá nhân, với những nhu cầu và mong muốn riêng, họ có khả năng nhìn thế giới từ một góc nhìn rộng mở hơn, có khả năng thấu hiểu người khác trước khi phán xét họ. Họ cũng rộng lòng tha thứ hơn với bản thân và với người khác.
4. Không hài hước quá lố
Triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson từng nói: "Những câu chuyện cười hài hước thích hợp cũng giống như gia vị trong bữa ăn, có thể khiến cuộc sống trở nên dễ dàng và thú vị hơn. Tuy nhiên, gia vị quá nhiều hoặc không phù hợp có thể làm hỏng một bữa ăn ngon".
Mọi trò đùa đều có ranh giới. Những câu chuyện cười giữa những người bạn có ba lằn ranh đỏ: Không đùa về khuyết điểm cơ thể của người khác, không nói đùa về niềm tin của người khác và đừng trêu đùa về người thân của nhau.
Một người thực sự biết ăn nói và có chỉ số EQ cao không nằm ở miệng lưỡi khéo léo, mà nằm ở việc người đó biết đặt mình vào vị trí của người khác và nói lên tiếng lòng của họ. Hài hước nhưng không quá lố là cách những người EQ cao tạo cảm giác thoải mái cho mọi người.
5. Lương thiện, tử tế là mức độ cao nhất của người có EQ cao
Khi nói đến người có EQ cao, nhiều người thường liên tưởng đến cách xử lý bóng bẩy và tinh tế. Trên thực tế, EQ cao nhằm chỉ những người tử tế, lương thiện, muốn tốt cho người khác.
Nhân vật Tiết Bảo Thoa trong tác phẩm "Hồng Lâu Mộng"- một trong tứ đại kỳ thư của Trung Quốc – rất hiểu biết và chu đáo với mọi người. Hàng trăm người, từ hầu gái cho đến cận thần bên cạnh chưa từng nói xấu chủ nhân. Ở thời hiện đại, Tiết có thể được đánh giá là người có trí tuệ cảm xúc cao. Tuy vậy không có nhiều người thực sự thích cô gái này bởi vì Tiết luôn mang theo những mưu mô và thị phi, khiến người ta không tin tưởng.
Người EQ cao có suy nghĩ tử tế và đối xử chân thành với mọi người. Họ cũng biết dành lòng tốt của mình cho những người xứng đáng. Điều đáng ngưỡng mộ nhất ở những người có EQ cao chính là nằm ở trí tuệ của họ. Nói cách khác, họ hiểu biết và khôn ngoan, nhìn thấu mọi việc trong cuộc sống.
6. Biết tỏ ra yếu đuối và khiêm tốn đúng lúc
Chính trị gia người Mỹ Benjamin Franklin đã đến thăm một vị tiền bối đáng kính khi ông còn trẻ. Thời điểm mới ngoài 20 tuổi, với khí phách hừng hực, vị này ngẩng cao đầu sải bước về phía trước. Nhưng ngay khi bước vào cửa, đầu ông đã đập mạnh vào khung cửa. Vị tiền bối từ trong nhà bước ra nhìn thấy vậy liền cười lớn. Ông nói: "Đau lắm đúng không. Đó là bài học tốt nhất mà hôm nay anh nhận được khi đến thăm tôi", vị tiền bối nói.
Người xưa có câu: "Cây cao thì gió càng lay, Càng cao danh vọng, càng dày gian truân", có nghĩa bành trướng, khoe khoang quá nhiều thường dẫn đến những hậu quả không tốt. Những người càng thông minh, họ càng biết thể hiện sự yếu đuối, và biết cách khiêm tốn để tránh bị ghen ghét, vu khống.
Chỉ khi hạ thấp tư thế, bạn mới thực sự có được sự tôn trọng và đánh giá cao của người khác. Xét cho cùng, không ai thích kết thân với những người tự cao tự đại, luôn coi mình là "cái rốn của vũ trụ".