1. Đệ nhất đào võ NSUT Diệu Hiền
Nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh 1945 tại Bạc Liêu. Sinh ra trong một gia đình đông con, mồ côi cha từ lúc lên 5 nên từ sớm bà theo mẹ lên Sài Gòn kiếm sống.
Vốn mê hát từ nhỏ nhưng không được mẹ chấp thuận cho đi hát, nên năm 14 tuổi bà bỏ nhà, trốn theo đoàn hát. Từ đó, cô bé Lâm Thị Hiền đã được học hát với nhiều vị thầy. Nhờ năng khiếu sẵn có và tính ham học hỏi nên cô đào nhỏ Diệu Hiền đã tiến bộ rất nhanh.
Về cách ca và diễn Diệu Hiền chịu ảnh hưởng bởi nhiều vị thầy như NSND Phùng Há, NSND Út Trà Ôn, Tám Vân, Hoàng Nô,… Góp nhặt những cái hay độc đáo của từng vị thầy, cộng với óc sáng tạo của người nghệ sĩ bà đã hình thành nên lối ca diễn mang phong cách Diệu Hiền, và giới mộ điệu cải lương đã phong tặng cho bà danh hiệu “đệ nhất đào võ”. Trong hàng trăm vai diễn bà đã hóa thân, khán giả không thể nào quên được vai nữ tướng Triệu Thị Trinh vở Nhụy Kiều tướng quân và vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ tướng cờ Đào, hai vai diễn này được xem là kinh điển, để đời của NSUT Diệu Hiền.
Sau biến cô bị bỏng nặng năm 1979, bà dần xa rời sân khấu về sống cùng con cháu ở một khung chung cư cũ. Thời gian sau, bà quyết định chuyển về sống ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ (Quận 8), làm bạn với các bạn đồng nghiệp một thời như Thiên Kim, Ngọc Đáng, Lệ Thẩm,…
Ở tuổi 77, tuy sức khỏe xuống dốc với nhiều căn bệnh nhưng NSUT Diệu Hiền vẫn rất vui vẻ, yêu đời.
Thời gian gần đây bà đã mở một kênh YouTube Nghệ sĩ Diệu Hiền cho riêng mình, từ 15/03/2022 đến nay kênh đã được 25,5 ngàn lượt đăng ký. “Diệu Hiền hạnh phúc lắm từ khi có kênh YouTube này, cả nhà để lại bình luận cho Diệu Hiền biết, quý vị muốn nghe kể về ai? Và câu chuyện gì? Nếu Diệu Hiền nhớ thì sẽ đáp hầu quý vị khán giả”, NSUT Diệu Hiền chia sẻ về trên kênh YouTube của mình.
2. Đệ nhất đào thương NSUT Út Bạch Lan
Út Bạch Lan (1935 – 2016), tên thật là Đặng Thị Hai. Bà là một nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương.
Khởi nghiệp đàn ca cùng với danh cần Văn Vĩ từ năm 12 tuổi, hai người mở lớp dạy đàn ca vọng cổ. Tiếng lành đồn xa, một hôm cô Năm Cần Thơ tìm đến mời hai người lên Đài phát thanh Pháp Á để thu bài “Trọng Thủy – Mị Châu” và sau đó được ký hợp đồng chính thức. Nhân duyên này đã đánh dấu cột mốc bà chính thức bước vào nghề hát.
Thập niên 50, cặp đào kép Út Bạch Lan – Thành Được đã làm rạng danh sân khấu Kim Chưởng, cũng như làm nên thương hiệu của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Với giọng ca chất chứa nổi niềm, nghe buồn da diết, bà đã được công chúng và báo giới lúc bấy giờ ưu ái gọi là “Sầu nữ”, “Đệ nhất đào thương”, “Nữ hoàng sầu muộn”,…
Lấy đi không ít nước mắt của khán giả, bà đã thành danh với nhiều vở diễn nổi tiếng như Tình cô gái Huế, Thuyền ra cửa biển, Chén cơm đô thành, Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn,... Giọng hát và lối diễn ấy đã vào lòng khán giả mộ điệu gần xa. Ký giả Kiên Giang - Hà Huy Hà từng nhận xét: "Sầu nữ Út Bạch Lan có chất giọng đồng pha thổ nghe thương cảm chơi vơi, đêm đêm khơi nguồn lệ của hàng nghìn khán giả mộ điệu cải lương".
Sau năm 1975, Sầu nữ Út Bạch Lan vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật. Gần 70 năm dâng lời ca tiếng hát cho đời từ lúc còn là cô bé hát rong đến khi trút hơi thở cuối cùng vào đầu tháng 11/2016, đồng hành cùng cải lương qua những giai đoạn thăng trầm cũng như là một mảnh ghép quan trọng góp phần làm nên diện mạo của cải lương, bà đã vẽ nên chân dung người nghệ sĩ tài hoa và đức độ mang dáng vóc một “Đệ nhất đào thương” trong lòng công chúng.
3. Đệ nhất đào nhì NSND Thoại Miêu
NSND Thoại Miêu tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hoa, sinh năm 1953 tại Sài Gòn. Sinh ra trong một đình đông con, mặc dù không có điều kiện nhưng khi biết cháu mình có năng khiếu thì bà nội đã đưa chị đi học đàn ca tài tử, cải lương với thầy đờn Mười Phú.
Hơn 40 năm theo nghiệp cầm ca, chỉ diễn những vai phụ là chủ yếu nhưng khán giả vẫn nhớ, vẫn yêu quý Thoại Miêu.
Nhắc đến những vai diễn để lại dấu ấn trong lòng công chúng của chị không thể không kể đến Tuyết Mai trong vở Cây sầu riêng trổ bông, Ngọc Hà trong vở Tâm sự Ngọc Hân, Hoàng Anh trong vở Nàng hai Bến Nghé, Thiên Hương trong vở Muôn dặm vì chồng… Mỗi khi nhắc đến, dấu ấn đó vẫn không dễ gì phôi pha.
Có thể nói, Thoại Miêu là trường hợp hiếm thấy của sân khấu cải lương. Là đào nhì, đào thứ mà khán giả luôn yêu quý bởi sự lao động nghệ thuật nghiêm túc có đầu tư. Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân dành cho chị quả thật xứng danh cho một “Đệ nhất đào nhì” – hiếm hoi.
4. Đệ nhất đào lẳng nghệ sĩ Mai Lan
Nghệ sĩ Mai Lan (1944 – 2018), tên thật là Nguyễn Thị Lan.
Năm 14 cô bé Lan được nghệ sĩ Minh Tài giới thiệu về đoàn cải lương Thúy Nga, một đại ban lúc bấy giờ. Tại đây Mai Lan được học hát và ngày càng được chú ý bởi sắc vóc xinh đẹp và sở hữu một giọng ca khá tốt.
Nhưng có lẽ tổ nghiệp đã chọn trúng Mai Lan vào những vai đào độc, lẳng chứ không phảo vai đào chánh, đào mùi như cô đã từng ao ước. Biết được thế mạnh của mình, cô đào Mai Lan đã chọn đào tính cách làm con đường phát triển.
Được mời qua sang hát ở nhiều đoàn đại ban khác nhau như Thanh Minh – Thanh Nga, Út Bạch Lan – Thành Được,… cứ thế danh tiếng cô đào Mai Lan ngày một vang xa. Lúc này cô để lại ấn tượng với vai Thiên Kim độc ác trong vở Tiếng chuông Thiên Mụ do soạn giả Bạch Diệp – Minh Nguyên “đo ni đóng giày” cho mình.
Năm 1963 đoàn Dạ Lý Hương thành lập, Mai Lan được mời về hát. Tại đây, vai diễn Kim hoa bà bà trong vở Cô gái Đồ Long của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng đã để lại dấu ấn Mai Lan trong lòng khán giả.
Khi đoàn Dạ Lý Hương chuyển sang hát các tuồng tâm lí xã hội, Mai Lan đã trở thành cô đào tính cách chuyên trị những vai độc lẳng như bà mệnh phụ ăn chơi, hay những cô tiểu thư hống hách, chua ngoa. Trong đó vai bà Lệ Hải mê trai đóng chung với nghệ sĩ Hùng Cường trong vở Tiền rừng bạc biển vẫn còn là một vai diễn ấn tượng mỗi khi nhắc đến Mai Lan.
Là một mảnh ghép đặc biệt góp phần làm nên sự rực rỡ của cải lương một thời, nghệ sĩ Mai Lan đã được công chúng công nhận là “Đệ nhất đào lẳng”.
5. Đệ nhất đào độc nghệ sĩ Hồng Nga
Nghệ sĩ Hồng Nga tên thật là Đinh Thị Nga sinh năm 1946 tại Sài Gòn. Là một nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương, bà có thể hóa thân xuất sắc ở nhiều thể loại vai khác nhau như đào mụ, đào thương, đào độc. Hơn 60 năm kiếp cầm ca, bà đã chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng người mộ điệu cải lương. Chính vì sự yêu quý này, khán giả đã phong tặng cho bà là "nghệ sĩ của nhân dân".
Nhờ bộc lộ năng khiếu từ nhỏ, bà được nhạc sĩ Tám Đen ở Cầu Dừa quận 4 nhận làm con nuôi. Ông đã dạy cho bà ca đủ 3 Nam, 6 Bắc, vọng cổ và các bài bản lớn. Từ đó nghiệp hát đến với bà như một mối duyên trời định.
Trải qua những truân chuyên trong nghề, từng đóng vai mẹ của 4 thế hệ nghệ sĩ. Thế hệ đầu tiên là đóng vai mẹ của NSND Út Trà Ôn trong vở Yên Ly Sơn; thế hệ thứ hai có các nghệ sĩ như NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, NSUT Thanh Sang,..; Lớp nghệ sĩ thứ 3 đóng vai con của nghệ sĩ Hồng Nga là NSUT Vũ Linh, NSUT Thoại Mỹ,… Bà còn đóng vai mẹ của các nghệ sĩ lớp trẻ sau này như Gia Bảo, cố nghệ sĩ Anh Vũ,…
Đặc biệt khi nhắc đến Hồng Nga khó ai có thể quên những vai bà hội đồng, bà mẹ chồng hà khắc, cay nghiệt trong vở Duyên Kiếp; một bà Thanh Đề ác độc trong vở Mục Liên Thanh Đề; bà Phán ác ôn trong vở Đoạn Tuyệt, một bà Sáu dao lam rắp tâm bán con nuôi để lấy tám cây vàng trong vở Ánh sáng phù du,... Từng cái nhếch mép, bĩu môi, hay từng câu nói cử chỉ cũng đều làm khán giả phải kêu “sao mà ác quá vậy”.
Chính vì sự hóa thân xuất thần trong những vai ác mà Hồng Nga được khán giả yêu mến ưu ái cho biệt danh “Đệ nhất đào độc”.