Làm mới chính mình là điều mình nghĩ ai cũng cần – đặc biệt trong dịp đầu năm. Bản thân mình hay gọi hoạt động này là “reset” để chuẩn bị sẵn sàng cho chặng đường phía trước. Giống như khi bạn nhấn nút reset trên máy tính hay điện thoại, chúng ta không xóa sạch tất cả, mà chỉ sắp xếp lại để bước vào một chu kỳ mới với các tính năng gọn gàng và vận hành mượt mà hơn.
Và chính chúng ta cũng sống trong một thế giới vận hành theo chu kỳ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ngày nối tiếp đêm. Hay ngay cả những ngôi sao cũng có vòng đời riêng. Tính chu kỳ của tự nhiên nhắc ta rằng mỗi kết thúc là khởi đầu cho một chu kỳ mới. Vì thế ở giai đoạn chuyển giao, việc dừng lại, nhìn nhận và sắp xếp lại mọi thứ trong cuộc sống là một điều cần thiết.
Trong bài viết này, hãy cùng mình đi qua một vài bước để khởi động năm mới thật hiệu quả. Mình gọi đó là công thức “5R”: Reflect (Nhìn lại), Release (Buông bỏ), Recharge (Nạp lại năng lượng), Realign (Cân chỉnh lại), và Refocus (Tập trung mới).
Nghe thì có vẻ hơi nhiều, nhưng đừng lo. Khi thực hiện, bạn sẽ nhận ra rằng mỗi bước đều gắn kết tự nhiên với nhau, giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng và sẵn sàng hơn để làm mới mình và bắt đầu cho một hành trình mới.
1. Reflect – Nhìn lại một năm đã qua
Đầu tiên, hãy dành chút thời gian để nhìn lại năm cũ. Mình biết đôi khi, chúng ta chỉ chăm chăm vào những gì chưa làm được rồi tự trách bản thân. Nhưng bạn có để ý rằng, những chiến thắng nhỏ bé cũng đáng tự hào không?
Có người bạn của mình kể rằng năm qua bạn ấy không đạt được mục tiêu lớn nào, nhưng lại xây dựng được thói quen tập thể dục buổi sáng, duy trì tốt sức khỏe và học thêm được một kỹ năng mới. Những điều này tuy nhỏ nhưng đều góp phần xây dựng nên một nền tảng vững chắc để bạn ấy đi xa hơn.
Hành động
Hãy thử nghĩ xem năm qua bạn đã làm tốt điều gì? Điều gì khiến bạn tự hào, dù chỉ là một bước nhỏ? Ngay bây giờ, nếu được, hãy tạm dừng việc đọc bài viết này và tự mình viết xuống ít nhất ba điều bạn cảm thấy mình đã làm được. Bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra mình làm được nhiều thứ hơn mình nghĩ.
2. Release – Buông bỏ những điều không còn phù hợp
Nguồn: Pexels
Năm vừa rồi có bao giờ bạn cảm thấy kiệt sức, nhưng không hiểu tại sao? Lý do có thể không phải vì bạn yếu kém, mà bởi bạn đang gồng gánh quá nhiều thứ không cần thiết. Đó có thể là một công việc không còn phù hợp, một mối quan hệ tiêu cực, hoặc những kỳ vọng đã cũ mà bạn vẫn ôm giữ trong mình.
Buông bỏ không phải là từ bỏ. Nó là cách bạn tạo không gian, để đón những điều mới mẻ hơn vào trong đời mình.
Hành động
Hãy thử viết xuống ba điều bạn muốn buông bỏ trong năm nay. Đó có thể là nỗi ám ảnh, một thói quen xấu, hoặc là sự thù ghét 1 người nào đó. Và tự hỏi: “Tại sao mình vẫn giữ nó?” Nếu câu trả lời không đủ thuyết phục, có lẽ đã đến lúc bạn nên để nó qua đi.
3. Recharge – Nạp lại năng lượng cho bản thân
Chúng ta không thể cứ chạy mãi mà không dừng lại nghỉ ngơi. Trên hành trình phát triển bản thân, việc dừng lại không có nghĩa là bạn yếu đuối hay lười biếng, mà đó cũng là cách bạn đầu tư vào bản thân, để trở lại và lợi hại hơn xưa.
Mình có thói quen khi cảm thấy cơ thể kiệt sức, sẽ chọn một ngày “tắt công tắc”: không nói chuyện với bạn bè, không lo công việc, không hoạt động trên mạng xã hội. Mình sẽ đọc sách, chơi game, tới 1 quán rượu yên ắng nào đó hoặc cứ nằm ỳ ra giường cả ngày thôi. Và ngày hôm sau mình lại cảm thấy tràn đầy năng lượng.
Hành động
Bạn cũng hãy thử dành tặng một ngày như vậy cho bản thân mình. Chỉ cần ngủ một giấc thật sâu, hoặc làm những gì bạn thích, như nghe nhạc, đi cà phê, hay đơn giản là ngồi im và tận hưởng không gian. Đôi khi, những điều tưởng chừng nhỏ nhặt sẽ mang theo tác dụng to lớn không ngờ.
4. Realign – Kết nối lại với mục tiêu và giá trị
Nguồn: Pexels
Thỉnh thoảng trên hành trình có những lúc bạn cảm thấy mình bị lạc hướng. Khi đó, bạn không cần phải thay đổi tất cả, chỉ cần dừng lại và tự hỏi: “Mình đang thật sự tin vào điều gì? Giá trị nào mình muốn giữ vững?”
Realign là cách để bạn kết nối lại với chính mình. Nhắc nhở bản thân lý do bạn bắt đầu và hướng đi bạn muốn. Điều quan trọng nhất là, đừng sống vì kỳ vọng của người khác. Chỉ cần sống đúng với giá trị và mục tiêu của chính mình.
Có lần, mình gặp một người bạn đang lưỡng lự không biết nên tiếp tục công việc hiện tại hay theo đuổi một lĩnh vực mới mà bạn ấy rất đam mê. Sau khi ngồi lại bóc tách và đào sâu hơn những khía cạnh như đâu là môi trường bạn ấy muốn thuộc về, kiểu sếp hay đồng nghiệp nào mà bạn ấy làm cùng, loại thử thách nào bạn ấy muốn chinh phục,… dần dần cứ thế bạn có được danh sách những giá trị trong công việc để đưa ra lựa chọn phù hợp với những gì bạn ấy thật sự mong muốn.
Hành động
Nếu bạn cũng đang lưỡng lự về một quyết định nào đó, hãy viết xuống những câu hỏi xoay quanh giá trị và mong muốn thật sự của bạn, sau đó, phân tích từng khía cạnh để hiểu rõ bản thân hơn.
Hoặc là bạn có thể bắt đầu với một câu khẳng định rõ ràng cho năm mới như: “Mình sẽ ưu tiên sức khỏe.” hoặc “Mình sẽ tập trung xây dựng mối quan hệ ý nghĩa.” Những điều này sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn, đồng thời tạo nên gắn bó sâu sắc hơn với giá trị cốt lõi của bạn.
5. Refocus – Tập trung vào điều quan trọng nhất
Có vài thời điểm mình giật mình nhận ra, mình đang bị cuốn vào những thứ vụn vặt như họp hành quá nhiều, tốn thời gian trên mạng xã hội hay cố làm hài lòng người khác. Và rồi mình quên mất gia đình, sức khỏe, và cả ước mơ của chính mình.
Sau đó, mình quyết định thay đổi, viết xuống ba điều mình muốn ưu tiên nhất trong năm mới. Và bạn biết không? Khi bạn tập trung đúng chỗ, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Hành động
Bạn chỉ cần trả lời hai câu hỏi thôi: “Mình có đang dành quá nhiều thời gian vào những việc không quan trọng không? Điều gì thực sự ý nghĩa với mình?” Hãy ghi lại câu trả lời và để nó trở thành kim chỉ nam dẫn lối cho bạn trong năm mới.
Kết
Nếu bạn cảm thấy năm 2024 trôi qua mà không có thành tựu gì đáng kể thì cũng đừng vội thất vọng. Điều đó không có nghĩa là bạn đã có một năm thất bại. Đôi khi, sự yên ắng lại là một một khoảng thời gian quan trọng để chuẩn bị cho những hành trình lớn ở phía trước.
Khi năm mới tới cũng giống như bạn có một trang giấy mới, mở ra thêm không gian để bạn viết tiếp câu chuyện của mình. Không cần phải vội vàng hay áp lực cần làm tất cả ngay lập tức. Chỉ cần mỗi ngày tiến lên một chút, đặt tâm vào những điều quan trọng, và cho phép bản thân nghỉ ngơi khi cần. Cuộc sống sẽ dễ thở hơn rất nhiều khi bạn biết lắng nghe chính mình. Rồi từ từ bạn sẽ có thể viết nên những điều mình mong muốn, từng chút một.