Tác phẩm của đạo diễn Hàm Trần gây bất ngờ khi chọn thể loại kinh dị với chất lượng sản xuất chỉn chu, nội dung lôi cuốn và được coi là phim Việt hay nhất mùa Tết năm nay.
Phim có nội dung xoay quanh một tiệm ăn do chủ tiệm kiêm đầu bếp bí ẩn (Lê Quốc Nam thủ vai) điều hành. Nơi đây không chỉ phục vụ những món ăn mà còn giúp thực khách thực hiện những ước muốn sâu kín của họ.Trong bộ phim mỗi thực khách đến Tiệm ăn của quỷ phải chấp nhận đánh đổi linh hồn, thể xác hoặc một điều gì đó quan trọng để có được điều họ khao khát.
Chỉn chu từ nội dung đến hình thức
Bộ phim lấy bối cảnh trong quán ăn do một người đàn ông bí ẩn làm chủ. Tại đây, người đàn ông trò chuyện, lắng nghe nỗi ưu tư của một số vị khách đặc biệt, sau đó dùng một món ăn để "giải quyết" nỗi khổ cho họ. Không có bữa ăn miễn phí, đổi lại, khách hàng phải trả giá bằng cả tính mạng.
Trải qua 5 tập phim đầu tiên, người xem được dẫn dắt vào 5 câu chuyện, 5 bi kịch khác nhau, nhưng đều có chung một "công thức": Những tâm hồn lưu lạc đến với tiệm ăn, thực hiện "giao ước" với hy vọng gỡ được nút thắt, nhưng không ngờ điều chờ họ ở cuối con đường là nỗi đau to lớn hơn.
Trước khi đến với từng câu chuyện, Tiệm Ăn Của Quỷ thu hút khán giả ngay từ nhan đề của từng tập. Ở 5 tập đầu, phim khéo léo đề cập đến 5 loại "khổ hạnh", phiền não trong quan niệm của Phật giáo, đó là tham, sân si, mạn, và nghi.
Có thể hiểu ở đây, "Tham" là sự tham lam, ham muốn quá mức, ứng với câu chuyện vì tiền mà giao kèo với quỷ của Luân trong tập 1. Qua tập 2, từ khóa là "mạn", tức sự ngạo mạn, tự cao, dẫn đến cảm giác hơn thua. Người mẹ ở tập này dính phải điều này, thành ra xem thường người khác, vô tình đẩy con trai vào đau khổ. Đến tập thứ 3, “Sân” mang nghĩa ghen ghét, oán giận dẫn đến hành động xấu. Người cha trong tập này vì sự nóng giận mà không ngại bán mình cho quỷ để hại người, chẳng ngờ tới lúc tự nhấn chìm bản thân trong bi kịch.
Tiếo đến từ “Si” trong tập 4 là thần trí bất ổn, mê muội, thiếu sáng suốt. Nhân vật Tùng để cho bi kịch quá khứ nuốt chửng bản thân ở hiện tại. Cũng chính vì vậy, cậu ngày càng lún sâu vào chuỗi sai lầm khó thể quay đầu. Còn trong tập 5, "Nghi" tức sự hoài nghi, thể hiện trong hai nhân vật nam và nữ chính bị một vòng lẩn quẩn rồi từ sự nghi hoặc dẫn đến những quyết định của mình trừng phạt, mãi không thể thoát khỏi “địa ngục” mà chính bản thân chuốc lấy.
Tập phim cuối cùng về nghiệp báo, như một sự gói gọn về kết cục của mọi tội lỗi, khổ hạnh mà con người mắc phải. Những quyết định mà các thực khách đưa ra đều dẫn đến hậu quả không thể né tránh. Thực chất, tại một thời điểm nào đó, họ đều được trao cho cơ hội, nhưng chính việc đưa ra lựa chọn sai lầm đã đẩy bản thân vào kết bi thương.
Không cố hù dọa, ẩn chứa thông điệp sâu cay
Tác phẩm mang đến nhiều nét văn hóa Á Đông, nổi bật là yếu tố Phật giáo khi hướng góc nhìn vào 5 khổ hạnh của con người, vốn được coi là gốc rễ của ưu sầu trong cuộc sống. Các điều này không những gây phiền chuốc não cho khổ chủ, mà còn ngăn không cho họ hưởng được hương vị thanh lương, giải thoát và niềm vui thú trong cuộc sống.
Từ đó, phim đưa khán giả lần lượt khám phá góc tối trong tâm tính con người. Từng tập phim trôi qua hé lộ những tội lỗi của thực khách, đào bới căn nguyên của những khát khao, dã tâm hay ước muốn thầm kín mà họ sẵn sàng trả cái giá không nhỏ để biến chúng thành hiện thực. Chính vì vậy, yếu tố kinh dị không dừng lại ở bề mặt giải trí, mà được Hàm Trần nhào nặng, thứ chất liệu hoàn hảo, tạo ra những mẩu chuyện có chiều sâu, giàu triết lý ẩn dụ, có thể dẫn đến cảnh tỉnh con người.
Ở tác phẩm này, chẳng có con quỷ, hay hồn ma nào thực sự xuất đầu lộ diện nhưng đủ khiến khán giả sợ hãi. Chính tâm tính và lòng dạ của các thực khách đặc biệt tìm đến với những khao khát và ham muốn riêng. Điều này ẩn ý cho việc chẳng có quỷ dữ nào xúi giục, sai khiến. Ở đó chỉ có suy nghĩ con người, tâm trí không sáng suốt dẫn đến những tham vọng, hành vi xấu xa mà con người thực hiện. Từ đó họ đã gây ra những "mức án" khủng khiếp cho cuộc đời mình.
Khác với các bộ phim kinh dị tâm linh trước đây ở Việt Nam, lạm dụng những chiêu trò hù dọa để chơi đùa với cảm xúc khán giả. Bộ phim lần này tập trung phát triển câu chuyện, cho thấy sự đen tối, u ám của những tội lỗi mà con người mắc phải, yếu tố tâm lý cũng được đào sâu khi Hàm Trần luôn cố gắng khai thác đường dây cảm xúc của nhân vật, trước và sau mỗi biến cố lớn khiến cuộc đời họ rẽ hướng.
Bầu không khí nặng nề, hồi hộp cũng được xây đắp chậm rãi, từ từ đẩy xúc cảm người xem lên cao trào khi bi kịch ập đến. Từ đó, phim đánh thức nỗi sợ hãi một cách tự nhiên, lan tỏa trong tâm trí người xem. Sự khéo léo này là điểm sáng nổi bật trong lối kể chuyện của phim.
Với cái kết có sự tiếp nối và nhiều triển vọng để ra mắt phần 2, các khán giả là tín đồ điện ảnh nói chung và phim Việt nói riêng mong muốn có thể thưởng thức phần 2 của bộ phim này.
Từ bộ phim Tiệm Ăn Của Quỷ, thể loại phim ảnh kinh dị tâm linh Việt Nam cho thấy vẫn có các biên kịch tay nghề tốt, có thể tạo ra những bộ phim lớp lang, có ý nghĩa và thông điệp sâu sắc, độc đáo. Dù có thể kén khách nhưng đây là hướng đi cần thiết để điện ảnh Việt phát triển hơn thay vì sa đà vào những câu chuyện hài hước, lãng mạn kiểu mì ăn liền để thu lợi nhuận. Bộ phim này được dự đoán sẽ tạo nên sức bật và tín hiệu tốt cho phim ảnh nước nhà.