Đây được xem là ngày hội đặc trưng và được diễn ra thường niên của thành phố. Mỗi năm nơi đây lại nhuộm vàng, nhuộm đỏ cả một sắc trời bằng hoa mai, đào và các câu đối của thầy đồ cho chữ.
Ghi nhận trong chiều khai mạc, du khách đã nô nức check in với phố ông đồ; phố hoa mai và mua sắm tại các gian hàng truyền thống.
Trải qua 18 năm tổ chức, Lễ hội Tết Việt - Nhà Văn hóa Thanh niên đã thu hút hàng trăm ngàn người dân đến thưởng ngoạn, chụp ảnh kỷ niệm và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong ngày Tết cổ truyền. Tiếp nối hành trình đẹp đó, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 được tổ chức với nhiều hoạt động mừng Tết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa giá trị bản sắc và tinh thần văn hóa truyền thống.
Tổng hòa không gian Lễ hội là sự rực rỡ, sinh động, tinh tế và gợi lên nhiều cảm xúc tích cực, để mọi người có thể bày tỏ tình yêu thương, sự trân trọng với những người thân yêu quanh mình khi Tết đến, Xuân về.
Lễ hội còn là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, nét đẹp văn hóa của một thành phố hiện đại, đồng thời góp thêm năng lượng, tiếp thêm động lực cho thành phố bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên, cho biết trải qua 18 năm tổ chức, Lễ hội Tết Việt - Nhà Văn hóa Thanh niên đã thu hút hàng trăm ngàn người dân đến thưởng ngoạn, chụp ảnh kỷ niệm và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong ngày Tết cổ truyền.
Ông cũng cho biết, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 này sẽ mang lại dấu ấn văn hóa đặc sắc, là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, nét đẹp văn hóa của một thành phố hiện đại, đồng thời góp thêm năng lượng. Ý tưởng xuyên suốt là Phố ông đồ trẻ, không gian hoa mai và làng nghề truyền thống nhằm giữ gìn nét xưa, đồng thời làm mới bằng nghệ thuật tạo hình, phát huy bảo tồn những giá trị cốt lõi, bản sắc.
Đại diện của gian hàng trưng bày - nơi có hơn 3 năm đồng hành cùng lễ hội - cho biết, ngoài gian hàng ông đồ cho chữ, họ còn làm những vật dụng thủ công đặc trưng ngày Tết với thiết kế bắt mắt. Điều này không chỉ thu hút khách trong nước mà còn cả du khách quốc Tết đến Việt Nam trong thời điểm giao mùa ý nghĩa này.
Bên cạnh những tiểu cảnh trang trí khơi gợi nét văn hóa tết ba miền, các chương trình nghệ thuật cũng góp phần làm nên không khí rộn ràng xuyên suốt như đêm diễn xướng dân gian Nam bộ, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, đến biểu diễn Lân Sư Rồng, ca múa nhạc truyền thống, ban nhạc trẻ, biểu diễn thời trang… Những hoạt động nghệ thuật này vừa đem không khí Tết của ba miền về, vừa để giới thiệu đến khách du xuân một số di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận.
Du khách còn có thể tận hưởng không khí Xuân rộn rã qua việc mua sắm, khám phá những gian hàng ẩm thực đặc sắc tổ chức suốt lễ hội.