Thẩm phán xét xử bà lão nghèo ăn trộm bánh mì khiến mọi người “tâm phục khẩu phục”

Dưới đây là giai thoại về một nhân vật có thật trong lịch sử – thị trưởng thành phố New York Fiorello LaGuardia – người được ca ngợi là “ngài thị trưởng vĩ đại nhất” trong lịch sử nước Mỹ.

Mùa đông năm 1935 là khoảng thời gian mà nền kinh tế của nước Mỹ tiêu điều nhất. Không khí ảm đạm bao trùm toàn bộ thành phố New York, nơi cư ngụ của những đứa trẻ lang thang, những mảnh đời vất vưởng, và những gia đình túng thiếu không có bữa ăn no…

Vào một đêm lạnh giá giữa tháng 1/1935, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất New York. Đứng ở vị trí thẩm phán là ngài thị trưởng đáng kính của thành phố, ông Fiorello LaGuardia, và bên dưới bục là một bà lão đã gần 60 tuổi, áo quần cũ rách cùng với dáng vẻ sầu não. Gương mặt tiều tụy của bà hiện lên vẻ xấu hổ, bà đã bị buộc tội vì lỡ ăn cắp một ổ bánh mì.

Ngài thị trưởng Fiorello LaGuardia, cũng đồng thời là quan tòa, hỏi: “Bị cáo, bà bị tố là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?”

Bà lão cúi mặt xuống, ấp úng đáp: “Vâng thưa quan tòa, tôi thật sự đã lấy trộm”.

“Vì sao bà lại lấy trộm? Có phải vì bà đói bụng không?” – quan tòa lại hỏi.

“Thưa quan tòa, tôi đã rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy”, bà lão trả lời. “Đứa con rể của tôi đã bỏ ra đi, còn con gái tôi thì ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì này để nuôi hai đứa trẻ đang chết đói… Chúng thực sự rất đói…” Nói đến đây bà bật khóc.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Bà lão nói xong, đám đông trong phòng xử án vang lên tiếng xì xào bàn tán.

Ngài thị trưởng thở dài. Ông nhìn khắp gian phòng một lượt, rồi quay sang bà lão và nói: “Bị cáo, tôi sẽ phải xử phạt bà, luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ với bất kỳ cá nhân nào. Bà phải nộp phạt 10 đô-la hoặc bị giam 10 ngày trong tù. Bà chọn cái nào?”

Trong sự bế tắc tột cùng, bà lão đáp: “Thưa quan tòa, tôi xin bằng lòng chịu phạt. Nếu tôi có 10 đô-la thì đã không lấy cắp bánh mì. Vậy tôi xin được giam 10 ngày. Nhưng còn đứa con gái và hai đứa trẻ, ai sẽ chăm sóc chúng đây?”

Ngài thị trưởng khẽ mỉm cười. Ông rút trong túi ra 10 đô-la và bỏ vào chiếc mũ của mình.

“Đây là 10 đô-la tiền phạt, bà đã được tự do!” Rồi ông lại hướng cặp mắt về phía những người tham dự phiên tòa: “Và bây giờ, mong các vị hãy nộp 50 xu tiền phạt. Tiền phạt để trừng phạt cho sự hờ hững của chúng ta, vì đã để một bà lão khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa trẻ đang chết đói. Ngài Baliff, hãy đi thu tiền phạt và đưa tất cả cho bị cáo”.

Tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa khi ấy đều không khỏi kinh ngạc. Không khí im lặng đến nỗi một cây kim rơi xuống đất cũng có thể nghe thấy. Trong phút chốc, tất cả mọi người lặng lẽ đứng dậy, lấy ra 50 xu và bỏ vào chiếc mũ của ngài thị trưởng.

 

Ngày hôm sau, tất cả các tờ báo của thành phố New York đều đồng loạt đưa tin về sự kiện lạ lùng này: 47,5 đô-la tiền phạt đã được trao cho một bà lão nghèo khổ, từng ăn cắp bánh mì để nuôi những đứa cháu đang chết đói của mình. Ngay cả người chủ lò bánh mì, cũng như các quan khách và cảnh sát trong thành phố, đều sẵn lòng nộp phạt 50 xu…

Thị trưởng thành phố New York – ông Fiorello LaGuardia (ảnh: Wikipedia).

Và đó là câu chuyện về ngài thị trưởng Fiorello LaGuardia, người đã đưa New York vượt qua những tháng ngày đen tối nhất của cuộc Đại khủng hoảng. Ông được người dân New York yêu mến gọi bằng cái tên “Bông hoa bé nhỏ” vì chiều cao khiêm tốn 1,57m và cái tên Fiorello (trong tiếng Ý, “Fiorello” nghĩa là “bông hoa nhỏ”). Ông cũng là người từng lái xe cứu hỏa xông vào các đám cháy lớn, từng đưa trẻ mồ côi ra sân chơi bóng chày, và khi các tờ báo của New York đình công, cũng chính ông bước lên đài phát thanh để đọc “truyện cười ngày Chủ Nhật” cho các em nhỏ

Cảm ngộ:

Thiên tài Albert Einstein từng nói: “Thế giới không bị hủy diệt bởi những kẻ làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả.” Có lẽ đó là lý do vì sao mà ngài thị trưởng Fiorello LaGuardia đã đứng lên để “trừng phạt” cho sự lãnh đạm và vô tình của những người có mặt trong phiên tòa. Thờ ơ và vô cảm trước nỗi đau khổ của người khác, dù không trực tiếp gây thương tổn, nhưng cũng đủ ngấm ngầm để lại vết thương lòng cho những người trong cuộc.

Và vì sao Phật gia luôn luôn giảng “Thiện”, giảng “Từ bi”, rằng chúng ta phải nghĩ cho người khác trước, phải “lấy thiện đãi người”? Đó là bởi chỉ có tình thương và lòng nhân ái mới đem lại hơi ấm và khiến con người xích lại gần nhau hơn. Tiền bạc, vinh quang, hay danh vọng không thể đem lại hạnh phúc, mà chỉ có hơi ấm tình người mới giúp chúng ta vững bước trên đường đời.