1. Tạo ra một không gian sống ấm cúng và an toàn
Chính hỗn loạn và lộn xộn là kẻ thù của sự bình tĩnh. Việc tạo ra một không gian sống an toàn, có trật tự sẽ góp phần giúp trẻ quản lý căng thẳng hiệu quả.
Ngoài việc duy trì các biện pháp phòng bệnh tại nhà như lau dọn, sát trùng nhà cửa thường xuyên, cha mẹ hãy góp phần tạo cơ hội cho trẻ cùng đắp xây không gian sống ấm áp và phù hợp như: chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng; sắp xếp đồ chơi, vật dụng ngăn nắp sau khi sử dụng; trồng thêm cây cảnh, tạo không gian xanh cho tổ ấm…
Nuôi dạy con cái nhàn tênh trong mùa dịch đầy biến động không phải là không thể. Cha mẹ hãy áp dụng linh hoạt và phù hợp các chiến lược trên theo độ tuổi, tính cách trẻ và hoàn cảnh gia đình để giúp con giảm thiểu căng thẳng hiệu quả và phát triển toàn diện.
2. Tạo cơ hội cho trẻ giúp đỡ mọi người xung quanh
Khi cha mẹ có những hành động giúp đỡ mọi người vượt qua dịch bệnh thì hãy tạo cơ hội cho trẻ cùng tham gia và học hỏi. Hãy nói rõ lý do vì sao chúng ta cần giúp đỡ mọi người. Cách này sẽ giúp sẽ giúp trẻ dung dưỡng một trái tim biết đồng cảm, yêu thương và sẻ chia.
Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ em hiểu về những khó khăn mà người khác đang gặp phải như: sự hy sinh của các y bác sĩ, của quân đội, các cấp chính quyền; nỗi lo lắng của người bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Ngoài ra, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thiện nguyện như: quyên góp đồ dùng cho người có hoàn cảnh khó khăn; giúp đi chợ, làm vườn cho người lớn tuổi trong khu mình sống hay đập ống tiết kiệm để ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19…
3. Giữ liên lạc với những người có ảnh hưởng tốt đến trẻ
Trẻ em sẽ nhận được nhiều giá trị to lớn từ mối quan hệ lành mạnh với ông bà, họ hàng hay giáo viên. Họ là nguồn hỗ trợ tinh thần vô cùng tuyệt vời dành cho trẻ trong những ngày giãn cách xã hội, nhất là khi cha mẹ phải tạm thời vắng mặt vì công việc.
Cha mẹ hãy tạo cơ hội để trẻ duy trì kết nối với những người này thông qua video call, email, mạng xã hội hay bất kỳ hoạt động ngoài trời được chính quyền cho phép.
4. Duy trì kết nối giữa cha mẹ và con cái
Khi giãn cách xã hội, cả cha mẹ và trẻ em đều dành nhiều thời gian để sinh hoạt, học tập và làm việc tại nhà. Dù bận rộn, cha mẹ nhớ dành thời gian trò chuyện, lắng nghe và chơi đùa với con một cách tập trung nhất có thể. Hãy để trẻ cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm vô điều kiện. Việc duy trì kết nối liên tục giữa cha mẹ và con cái sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị bản thân và thấy an toàn hơn.
Trong khi làm việc tại nhà, bạn hãy dành ra những khoảng thời gian nhất định để kiểm tra hoạt động của trẻ hoặc hỗ trợ khi con cần. Bạn cũng có thể tạo thói quen cùng tâm sự với con trước khi ngủ, cùng đi dạo trò chuyện vào cuối tuần, hay cùng chơi những hoạt động mà con yêu thích.
5. Hỗ trợ trẻ duy trì và phát triển tình bạn
Việc duy trì tình bạn sẽ mang đến cho trẻ em cơ hội học hỏi lẫn nhau, giúp giảm căng thẳng, khiến trẻ cảm nhận được sự hỗ trợ cần thiết và dễ dàng chấp nhận thực tế. Hơn thế nữa, khi được trở thành thành viên của một nhóm, trẻ sẽ cảm thấy thân thuộc và dễ dàng thúc đẩy sự phát triển bản sắc cá nhân trong tương lai. Cách này còn giúp xây dựng các giá trị đạo đức và hỗ trợ trẻ khám phá thế giới trong giai đoạn khó khăn này.
Trong những ngày ở nhà mùa dịch, cha mẹ có thể sử dụng các ứng dụng trực tuyến để giúp cho trẻ em cùng xóm, cùng lớp có thể giao lưu, kết nối, chơi đùa và duy trì tình bạn đẹp. Đó có thể là các cuộc video call giữa những đứa trẻ, cuộc hẹn cùng chơi game online, hay duy trì một nhóm chat nhỏ giữa các bé có cùng sở thích.
“Bạn không thể dạy cho trẻ hình thành tính cách. Nó sẽ đến từ trải nghiệm của trẻ chứ không phải qua những lời giải thích”_Maria Montessori
6. Đừng quên giữ thói quen vận động cùng gia đình
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời hay phòng tập, khu vui chơi gần như đều tạm dừng hoạt động. Điều này khiến cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ thiếu đi nguồn năng lượng cần thiết để duy trì sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Vì thế, ngay cả khi phải giãn cách xã hội, cha mẹ cũng hãy duy trì các hoạt động thể dục, thể thao ở trong nhà để giảm thiểu sức ì và tăng cường năng lượng sống. Các hoạt động như tập yoga, nhảy dây, các bài thể dục giãn cơ đơn giản, đánh cầu lông hay đá cầu trước sân nhà… là cách dạy con mùa dịch phù hợp trong tình hình chung.
7. Duy trì một lịch trình sinh hoạt đều đặn
Việc duy trì một lịch trình sinh hoạt, thói quen sống đều đặn ngay cả khi ở nhà là tín hiệu phi ngôn ngữ mạnh mẽ giúp não trẻ hiểu rằng chúng vẫn an toàn và có thể kiểm soát được cuộc sống. Lên kế hoạch và duy trì lịch trình mỗi ngày sẽ giúp trẻ giảm căng thẳng và biết rõ mình cần làm gì ở những thời điểm khác nhau trong ngày.
Lý tưởng nhất, cha mẹ hãy cùng trẻ lên thời gian biểu từng ngày, từng tuần cho các hoạt động học tập, vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi hay trò chuyện. Cha mẹ còn có thể tạo ra những quy tắc nho nhỏ giúp an ủi và nâng cao tinh thần của trẻ như kể chuyện về một tấm gương chống dịch, hát bài hát yêu thích hay cầu nguyện trước khi đi ngủ.
“Đứa trẻ cung cấp động năng, nhưng phụ huynh phải làm nhiệm vụ điều hướng.”_Benjamin Spock
8. Khuyến khích trẻ theo đuổi sở thích cá nhân
Sự buồn chán là “kẻ thù” tồi tệ nhất của cả trẻ em lẫn người lớn khi phải thường xuyên ở trong nhà trong mùa dịch này. Chính vì thế, việc khuyến khích trẻ theo đuổi một sở thích cá nhân thú vị là rất cần thiết trong giai đoạn này. Nó sẽ giúp trẻ giải trí, giảm căng thẳng, lấy lại tinh thần và duy trì tính chủ động.
Sở thích còn có thể giúp duy trì kết nối với mọi người, rèn tính kỷ luật, cách quản lý cảm xúc và hành vi, thúc đẩy lòng tự trọng ngay cả trong hoàn thành khó khăn. Trong mùa dịch ở nhà, cha mẹ có thể khuyến khích hoặc dạy con theo đuổi những sở thích thú vị như: ca hát, nhảy múa, nghiên cứu khoa học, viết lách, chơi cờ hay bất kỳ hoạt động nào giúp phát triển năng lực thể chất, tố chất nghệ thuật và khả năng tư duy.
9. Giữ kỳ vọng thực tế về việc học hành của trẻ
Việc học hành chính khóa của trẻ trong giai đoạn này có thể bị ảnh hưởng do không thể đến trường mà phải học trực tuyến. Việc học trực tuyến còn đòi hỏi phụ huynh phải tham gia hỗ trợ trẻ nhiều hơn trước. Vì thế, cha mẹ cần giữ cho mình và trẻ một kỳ vọng thực tế cho việc học hành.
Cha mẹ cần hiểu rằng không phải tất cả việc học hành đều diễn ra tại trường. Trẻ còn có thể học hỏi, tiếp thu tốt thông qua các hoạt động thực tế như: nấu ăn (giúp nâng cao khả năng đo lường nguyên liệu, thời gian), làm vườn (tăng cường thể chất, gợi trí tò mò), mua sắm (tính toán giá trị hàng hóa) và các trò chơi (đánh cờ giúp tăng tư duy)… Và cha mẹ đừng quên cùng đọc sách cùng trẻ mỗi ngày, tùy theo độ khó của sách lẫn độ tuổi và khả năng tiếp thu của trẻ.